Vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em dã man: Có nên xét xử lưu động?

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Việc hai bảo mẫu ở quận Thủ Đức (TP.HCM) hành hạ trẻ dã man không chỉ khiến dư luận bức xúc mà đáng ngại hơn cả là khiến các bé bị sang chấn tâm lý.

 Toàn cảnh vụ bảo mẫu BÓP CỔ, ĐÀY ĐỌA, HÀNH HẠ TRẺ EM khiến dư luận phẫn nộ

Khi clip hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý hành hạ trẻ mầm non bị phanh phui, ông Trương Văn Thống - Bí thư Quận ủy Thủ Đức (TP.HCM) thông tin trên tờ Tuổi trẻ, sẽ cho xét xử lưu động vụ hành hạ trẻ em và dự kiến sẽ tổ chức tại Trung tâm Nhà thiếu nhi Q.Thủ Đức. Buổi xét xử sẽ mời hết các nhóm trẻ gia đình có phép tham dự để răn đe, giáo dục.

Thế nhưng, cũng theo nguồn trên, ông Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu quan điểm, phải hạn chế và cân nhắc kỹ khi quyết định xét xử lưu động và phải lường hết các tác động nhiều chiều của biện pháp này.

Ông Nghĩa cho biết sẽ chuyển ý kiến này đến những người có trách nhiệm ở TAND TP.HCM và TAND quận Thủ Đức để họ xem xét kỹ hơn. 

Theo ông Nghĩa, để việc xét xử có tác dụng giáo dục và răn đe phải chú ý và tôn trọng ý kiến của đa số nhân dân. Nhưng cũng không nên vì vậy mà bị dư luận chi phối hay xử theo dư luận. Việc xét xử phải dựa vào chứng cứ và pháp luật hiện hành.

Có thể thấy, clip 2 bảo mẫu này hành xác trẻ đã khiến hầu hết những ai xem đều rớt nước mắt và thắt lòng vì thương xót các bé. Tuy nhiên, về việc xét xử lưu động 2 bảo mẫu, có cả ý kiến đồng tình và chưa đồng tình. Chia sẻ với chúng tôi, độc giả Nguyễn Hoàng Hải (Hoàng Ngọc Phách, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: "Việc định tội nghiêm sẽ răn đe các bảo mẫu "ác thú" này. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên đưa ra xét xử lưu động. Dù sao họ cũng đã nhận ra sai lầm, hãy để cho họ và người thân một con đướng để sống".

Tuy nhiên, cùng trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và truyền thông đại chúng (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đưa ra quan điểm khác. Theo ông Bình, vụ hai bảo mẫu đày đọa trẻ em nên xét xử lưu động. Nhìn rộng ra, việc này sẽ có ý nghĩa với cộng đồng. Xét xử lưu động không phải là chấm hết cuộc đời của hai bảo mẫu, bởi cùng với thời gian, tên tuổi con người sẽ mờ nhạt đi. Chỉ một thời gian ngắn, sẽ chẳng ai quan tâm cặn kẽ về hai bảo mẫu. Còn sang chấn mà các cháu bé phải chịu đựng mới là đáng lo.

"Chừng nào chúng ta không xét xử lưu động thì khi đó sự công bằng trong xã hội vẫn còn tù mù, các vụ bạo hành trẻ tương tự sẽ còn xảy ra", ông Bình nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại