Di dời 3 bộ, bảo tồn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ba bộ và nhiều khu dân cư quanh trung tâm chính trị Ba Đình sẽ di dời, nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bảo tồn nguyên vẹn.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, thành phố Hà Nội, tỷ lệ 1/2.000.

Quy mô lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng là 134,5 ha (theo Quyết định 543/QĐ-TTg ngày 8/7/2002 là 105 ha) được giới hạn bởi: Phía Bắc là phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, hồ Tây, đường Hoàng Hoa Thám; phía Nam là đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Sơn Tây; phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương; phía Tây là đường Ngọc Hà.

Giữ nguyên nhà Đại tướng và các khu di tích

Quyết định nêu rõ, Các khu Di tích Phủ Chủ tịch; bảo tàng Hồ Chí Minh; nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp; chùa Một Cột, bảo tồn nguyên vẹn các công trình kiến trúc, khuôn viên có thể cho phép cải tạo chỉnh trang.

Trước đó, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Được đã đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước sớm quy hoạch ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội làm Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân để ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn một tài năng và nhân cách vĩ đại. Ý tưởng lập bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải mới được hình thành mà đã được nhiều người đề cập ngay khi Đại tướng còn sống.

Trong dịp sinh nhật lần thứ 102 của Đại tướng, nhà sử học Phan Huy Lê cho biết: "Trong quy hoạch mới về khu trung tâm chính trị Ba Đình thì nhà Đại tướng và một số khu vực ở đây sẽ được bảo tồn. Nhưng vấn đề đặt ra là tiến tới xây dựng thành bảo tàng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ để có một kiến nghị thích hợp trình bày lên các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Tôi nghĩ rằng bên cạnh khu di sản Hoàng thành Thăng Long có một số di tích của hiện đại trong đó có bảo tàng Võ Nguyên Giáp thì hết sức có ý nghĩa và làm tăng thêm bề dầy lịch sử và nối liền lịch sử quá khứ của Thăng Long Hà Nội với lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh”.

Ngôi nhà 30 phố Hoàng Diệu, nơi Đại tướng sống và làm việc, lưu giữ rất nhiều kỷ vật của con người huyền thoại. (Ảnh: Hoàng Long - VOV)

Di chuyển 3 Bộ khỏi trung tâm Ba Đình

Theo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ di chuyển đến địa điểm mới theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được duyệt.

Cơ sở vật chất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê chuyển cho Văn phòng Trung ương Đảng sử dụng để làm việc.

Quy hoạch lại khu Bộ Tư pháp và toàn bộ khu H6 (giới hạn bởi đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Chu Văn An) thành tổ hợp khách sạn, dịch vụ, hội nghị chung cho các cơ quan tại khu Trung tâm chính trị Ba Đình.

Cơ sở vật chất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển cho các cơ quan bảo vệ thuộc Bộ Tư­ lệnh Lăng và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Quyết định nêu rõ, bảo tồn nguyên trạng Tòa nhà Bộ Ngoại giao hiện nay, chuyển giao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quản lý, sử dụng sau khi Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao hoàn thành.

Với các cơ quan ngoại giao, bảo tồn tôn tạo các công trình kiến trúc cũ kiểu Pháp. Ổn định cấu trúc không gian như hiện nay, không cho phép xây dựng xen cấy công trình cao tầng và làm biến dạng công trình kiến trúc nguyên gốc. Chỉnh trang cảnh quan và cải thiện môi trường. Tương lai một số biệt thự sẽ chuyển thành nhà công vụ.

Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ được quy hoạch bảo tồn thành Công viên văn hóa lịch sử trong quy hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nhằm phát huy tối đa các giá trị vật chất, tinh thần của dân tộc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại