Tài cải tiến siêu đẳng "tàu há mồm" gốc Mỹ của Hải quân VN

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Dù ra đời từ rất lâu nhưng dưới bàn tay của những người lính thợ Hải quân, các tàu đổ bộ gốc Mỹ được Việt Nam cải tiến vẫn luôn sẵn sàng bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

“Lấy vũ khí địch đánh địch” là một phương châm xuyên suốt trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vận dụng sáng tạo phương châm này, chúng ta đã cải tiến được nhiều vũ khí chiến lợi phẩm, biến chúng thành phương tiện phục vụ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ chủ quyền. Loạt bài NGHỆ THUẬT CẢI TIẾN VŨ KHÍ CHIẾN LỢI PHẨM CỦA VIỆT NAM sẽ giúp độc giả hiểu thêm về tài hoa và sáng tạo, mồ hôi và máu của những người thực hiện công việc này.

Quái vật há mồm

Trong những năm trước 1975, trong quan điểm xây dựng quân đội của Mỹ cũng như Việt Nam Cộng hòa (VNCH) luôn xem thủy quân lục chiến là một lực lượng hết sức đặc biệt.

Nhiệm vụ chính của lực lượng này là cơ động hành quân thủy bộ, kiểm soát vùng biển và sông ngòi miền Nam. Để phục vụ cho các hoạt động tác chiến của lực lượng này, quân đội VNCH được Mỹ viện trợ nhiều kiểu tàu đổ bộ khác nhau như tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM (chở lính), tàu đổ bộ kiểu LCU (chở phương tiện cơ giới và binh lính), LSM (tàu đổ bộ hạng trung chở binh lính và phương tiện), LST (chở phương tiện cơ giới gồm cả xe tăng, xe bọc thép, hàng hóa cùng binh lính)…

Tàu vận tải đổ bộ là loại tàu có kết cấu đặc biệt, cho phép chuyên chở phương tiện xe tăng, xe bọc thép lội nước, lính thủy đánh bộ vận chuyển đổ quân lên bờ trong các chiến dịch đánh chiếm bờ biển, đảo. Các tàu đổ bộ cỡ trung và lớn thường thiết kế với hai cánh cửa ở mũi tàu để mở ra cho phép các phương tiện cơ giới binh lính di chuyển ra vào "bụng tàu". Chính vì đặc điểm thiết kế này mà các loại tàu đổ bộ thường được gọi là “tàu há mồm”.

Tàu đổ bộ của Hải quân Việt Nam
Tàu đổ bộ của Hải quân Việt Nam

Sau 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thu giữ một số loại tàu đổ bộ từ Hải quân VNCH. Nhiều nhất trong số này phải kể đến tàu đổ bộ LCM-8, LCM-6

Lớp tàu đổ bộ cơ giới cỡ nhỏ LCM-8 được Mỹ sản xuất từ năm 1959 có lượng giãn nước toàn tải 111,4 tấn, dài 22,26m, rộng 6,4m, mớn nước có tải 1,6m. Tàu trang bị 2 máy diesel cho phép đạt tốc độ tối đa 22,2 km/h (có tải), thủy thủ đoàn chỉ cần 5 người, trang bị 2 đại liên 12,7mm. LCM-8 chở tối đa hơn 50 tấn gồm hàng hóa hoặc 1 xe tăng M48 (M60) và 200 lính.

Nhờ kích thước nhỏ gọn, hoạt động linh hoạt hiệu quả ở những vùng nước nông, nên dù ra đời khá lâu nhưng hiện nay LCM-8 vẫn được sử dụng trong Hải quân nhiều nước trên thế giới.

 	Tàu đổ bộ kiểu LCM-8 của Hải quân Việt Nam cộng hòa tại miền Nam

Tàu đổ bộ kiểu LCM-8 của Hải quân Việt Nam cộng hòa tại miền Nam

Lớp tàu đổ bộ cơ giới cỡ nhỏ LCM-6 được Mỹ sản xuất từ năm 1924 có lượng giãn nước toàn tải 64 tấn, dài 17,1m, rộng 4,3m. Tàu trang bị 2 máy diesel cho phép đạt tốc độ tối đa 16,6 km/h (có tải), thủy thủ đoàn chỉ cần 5 người, trang bị 2 đại liên 12,7mm. LCM-6 chở tối đa hơn 34 tấn gồm hàng hóa hoặc các phương tiện cơ giới hoặc 80 lính.

Ngoài ra, ta cũng thu được một số tàu đổ bộ hạng trung LSM-1 có lượng giãn nước 530 tấn (chở được 3-5 xe tăng và 59 lính);

Nhưng đáng chú ý nhất trong số này là hai tàu đổ bộ thuộc loại khủng kiểu LST- 491, 542. Sau 1975, ta thu giữ được và đưa vào biên chế trang bị 2 chiếc với phiên hiệu lần lượt là HQ-505 (tên cũ của Mỹ là USS Bulloch County, quân đội Sài Gòn gọi là HQ-504 Qui Nhơn) và HQ-501 (tên Mỹ USS Maricopa County, quân đội Sài Gòn gọi là HQ-501 Đà Nẵng). Trước năm 1975, quân đội Sài Gòn có 6 chiếc LST với số hiệu 500, 501, 502, 503, 504, 505.

HQ-505 thuộc lớp LST-491 được hải quân Mỹ sử dụng trong chiến dịch đổ bộ lên Normandie. Ngày 8 tháng 4 năm 1970, tàu được viện trợ cho Hải quân VNCH và được đặt tên mới là Quy Nhơn với số hiệu là HQ-504.

Lớp tàu LST-491 được Mỹ sản xuất có lượng giãn nước 3.698 tấn toàn tải, dài 100m, rộng 15m. Tàu được trang bị 2 động cơ diesel GE 12-567 cho phép đạt tốc độ tối đa 22km/h. Tàu có khả năng chở hơn 140 lính, xe tăng, xe bọc thép, 2 xuồng đổ bộ bộ binh (LCVP). Lớp tàu LST-491 trang bị một pháo hạm 76mm, 8 pháo 40mm và 12 pháo 20mm. Boong tàu có khả năng tiếp nhận một trực thăng hạng nhẹ.

HQ-501 thuộc lớp LST-542 về cơ bản giống lớp LST-491 nhưng trọng lượng toàn tải nhỏ hơn 1 ít, khoảng 3.640 tấn, cùng với số quân giảm xuống 100 người.

Những chiến công anh hùng

Các tàu chiến của Mỹ ngay sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã nhanh chóng được lực lượng Hải quân Việt Nam cải tiến và sử dụng để giải phóng các đảo và quần đảo trên vùng biển phía Nam năm 1975.

Tháng 5/1975, lợi dụng sự sụp đổ của quân đội Việt Nam cộng hòa, Khmer đỏ đưa quân đánh chiếm một số đảo quan trọng thuộc vùng biển Tây Nam của nước ta. Để chuẩn bị cho trận đánh then chốt há tan kế hoạch chiếm dãy đảo Tây Nam của Khmer đỏ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực với phương châm lấy vũ khí địch đánh địch. Cần thiết nhất là phương tiện tàu xuồng lúc này, do vậy ta chủ trương tận dụng tàu, xưởng và nhân viên kỹ thuật của chính quyền cũ.

Tuy nhiên, hầu hết các tàu đều bị quân VNCH phá hủy trước khi đầu hàng và tháo chạy. Xưởng 58 Quân khu 9 đã nhanh chóng khôi phục được 4 tàu PCF (tàu nhỏ tuần tiễu ven biển tốc độ cao), 4 tàu chuyên chở đổ bộ gồm 2 tàu LCM–6 loại nhỏ và 2 tàu LCM–8 loại vừa. Chúng được sử dụng ngay trong trận đầu tiên giải phóng đảo Thổ Chu diễn ra ngày 23/5/1975, giúp ta hoàn toàn làm chủ quần đảo Thổ Chu chỉ sau 4 ngày.

Những trận đánh sau đó trong tháng 6/1975 đã diễn ra ở quy mô lớn hơn, đây là lần đầu tiên hải quân Việt Nam tham gia chiến dịch đổ bộ đường biển hiệp đồng với lục quân, không quân. Ngoài số tàu đã có, hải quân ta đã phối hợp đưa vào chiến đấu 12 tàu PCF, 14 tàu đổ bộ LCM-8, 6 tàu LCM-6…, đủ thấy khả năng sửa chữa, sử dụng trang bị mới thu được của địch đã có bước nhảy vọt trong thời gian ngắn. Kết thúc chiến dịch, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn các đảo thuộc vùng biển phía Nam.

Kinh nghiệm sửa chữa, sử dụng các tàu LCM từ tác chiến vùng biển Tây Nam đã giúp cho việc sửa chữa, sử dụng các tàu LSM, LST của Hải quân Việt Nam sau đó được thuận lợi hơn nhiều.

Trong chiến dịch đổ bộ đường biển lớn nhất của Hải quân Việt Nam năm 1979, các tàu đổ bộ LSM, LST của của Mỹ do ta thu giữ và được sửa chữa đã góp phần rất lớn trong thắng lợi của chiến dịch này.

 	Chiến dịch đổ bộ của Hải quân Việt Nam năm 1979

Chiến dịch đổ bộ của Hải quân Việt Nam năm 1979

Trong những năm tháng hoạt động trong hải quân ta, các tàu LST đã tích cực tham gia nhiệm vụ vận tải hàng hóa ra các đảo xa, bảo vệ chủ quyền biển. Đặc biệt, tàu HQ-505 đã tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa 1988. Trong chiến dịch CQ-88, HQ-505 được giao nhiệm vụ đóng giữ đá Cô Lin. Sau đó, tàu và toàn thủy thủ đoàn của HQ-505 được tăng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân .

Tàu đổ bộ HQ-505 anh hùng ủi bãi ở Cô Lin

Còn tàu HQ-501 vẫn còn hoạt động cho tới tận ngày nay trong thành phần hải quân ta và cho tới bây giờ nó vấn là “quái vật há mồm khủng nhất” trong biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của các tàu này đều gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các phụ tùng thay thế do Mỹ vẫn áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Hiện nay chỉ có các tàu LCM-8 và LST-542 là vẫn còn hoạt động. Để có sức sống đến ngày hôm nay, các tàu LCM-8 và LST-542 đã được Hải quân Việt Nam cải tiến, nâng cấp nhiều lần.

Do đây đều là loại tàu do Mỹ sản xuất, nên hệ thống vũ khí trên tàu có phần không phù hợp với ta. Theo cuốn Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam, sau 1975, ta đã tự cải tiến một vài tàu thay pháo Mỹ bằng pháo do Liên Xô sản xuất, trang bị thêm tên lửa đối không tầm thấp. Thậm chí, có tàu ta đã thử nghiệm trang bị tên lửa hành trình chống tàu để tăng sức mạnh. Ngoài ra còn sữa chữa nâng cấp động cơ, các cơ cấu mở của đảm bảo nhanh hơn cũng như bảo dưỡng vỏ tàu…Đặc biệt là việc thay thế các thiết bị thông tin liên lạc theo chuẩn của Quân đội ta.

 	Tàu đổ bộ HQ-501 và trực thăng của Hải quân đánh bộ Việt Nam

Tàu đổ bộ HQ-501 và trực thăng của Hải quân đánh bộ Việt Nam

Mới đây, Lữ đoàn 127 (Vùng 5 Hải quân) đã tiến hành cải tiến thành công tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM-8. Theo Đại úy Vũ Văn Cường máy trưởng tàu HQ-470 thuộc Lữ đoàn 127, cải tiến lớn nhất là ở hệ thống hạ cửa tàu đổ bộ của LCM-8. Bình thường, hệ thống này muốn hạ phải mất từ 25-30 phút và cần đến 3 người. Nay với sáng kiến này, hệ thống hạ cửa bằng thiết bị điện 24V-DC, chỉ mất từ 1-1,5 phút và chỉ cần một người điều khiển, bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tính năng kỹ thuật, chiến thuật của tàu.

Có thể nói rằng, tuy tuổi thọ đã cao nhưng dưới bàn tay chăm chỉ, tài năng của những người lính thợ Hải quân các tàu đổ bộ của Mỹ được Quân đội nhân dân Việt Nam thuần hóa vẫn luôn sẵn sàng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại