Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức như thế nào?

Pha Lê |

(Soha.vn) - Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức để toàn dân ở trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tang.

Lễ Quốc tang được tổ chức đối với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang hoặc đã thôi giữ các chức vụ: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Đối với cán bộ cấp cao có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế khi từ trần do Bộ Chính trị quyết định.

*Một số quốc tang trong lịch sử

1. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, còn gọi là Mười Cúc, sinh tại Thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên (Hiện tại thôn có Nhà tưởng niệm mang tên ông luôn được các cấp lãnh đạo Nhà nước về thăm). Ông xuất thân trong một gia đình công chức.

	Đồng chí Nguyến Văn Linh - Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

Ông từng giữ chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1986 đến 1991. Thời kỳ là Tổng Bí thư, ông nổi tiếng với bút danh N.V.L. (sau này ông cho biết đó là "Nói Và Làm") với một loạt những bài báo trong chuyên mục Những việc cần làm ngay trên báo Nhân Dân bàn về những việc cần phải chấn chỉnh trong xã hội. Ông được xem là người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam.

Ông qua đời ngày 27/ 4/1998, hưởng thọ 83 tuổi.

2. Đồng chí Võ Văn Kiệt - Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Thủ tướng nước CHXHCNVN

Đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 11/6/2008) tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, Chín Dũng; là một nhà chính trị Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sau đó là Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 8 tháng 8 năm 1991 cho đến ngày 25 tháng 9 năm 1997. Sau khi từ giã chính trường, ông Kiệt sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 11 năm từ 1997 đến lúc mất, trước mỗi sự kiện nóng bỏng, quan trọng mang tầm quốc gia hoặc ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nhân dân, lại thấy Võ Văn Kiệt lên tiếng với tư cách một người công dân.

	Đồng chí Võ Văn Kiệt
Đồng chí Võ Văn Kiệt

Đồng chí Võ Văn Kiệt qua đời lúc 7 giờ 40 phút (giờ Hà Nội) ngày 11/ 6/2008, khi đang điều trị tại Bệnh viện Mount Elizabeth , Singapore. Báo chí Việt Nam chính thức thông báo về cái chết của ông vào tối ngày hôm sau, sau khi các hãng thông tấn quốc tế đã đưa tin và nhiều nhà lãnh đạo quốc tế đã gởi lời chia buồn .

18 giờ ngày 12/6/2008 , Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo về cái chết của ông và việc tổ chức tang lễ cho ông với nghi thức quốc tang trong hai ngày 14 và 15 tháng 6 .

Lễ viếng và lễ truy điệu của ông được tổ chức ở đồng thời ba nơi, Hội trường Thống Nhất (nơi đặt linh cữu của ông), thủ đô Hà Nội và trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long (quê hương ông), trưởng ban lễ tang nhà nước là ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam . Lễ an táng được tổ chức vào ngày 15 tháng 6 tại nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh.

2. Phạm Văn Đồng - Thủ tướng nước CHXHCNVN

Đồng chí Phạm Văn Đồng (1/3/1906 – 29/4/2000 ) là vị Thủ tướng Việt Nam tại vị lâu nhất (1955 – 1987).

Ông là học trò, cộng sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1955 đến năm 1976 và Thủ tướng của nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976 (từ năm 1981 gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) cho đến khi nghỉ hưu năm 1987. Ông có tên gọi thân mật là "Tô", đây từng là bí danh của ông.

Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức như thế nào?
Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Từ đầu thập niên 80 thế kỷ XX, do bị teo dây thần kinh đáy mắt nên mắt ông bắt đầu mờ dần. Ông mất tại Hà Nội ngày 29/4/2000, hưởng thọ 94 tuổi.

Theo quy định của Nhà nước, đồng chí Phạm Văn Đồng được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, nơi an nghỉ dành cho những nhân vật có đóng góp to lớn cho đất nước.

* Nghi thức tổ chức quốc tang

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất hồi 18h9' ngày 4/10/2013. Ngày 5/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương đã ra Thông cáo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.

Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức Quốc tang.

Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12/10/2013. Lễ truy điệu trọng thể đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ ngày 13/10/2013.

Theo nghị định 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 quy định về việc thực hiện Quốc tang của Nước Việt Nam như sau:

1. Chức danh khi từ trần được tổ chức lễ Quốc tang

Lễ Quốc tang được tổ chức để toàn dân ở trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tang.

Các đồng chí đang giữ chức vụ hoặc thôi giữ chức vụ đối với một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức lễ Quốc tang:

- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

- Chủ tịch nước

- Chủ tịch Quốc hội

- Thủ tướng Chính phủ

Đối với cán bộ cấp cao có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế khi từ trần do Bộ Chính trị quyết định.

2. Thông báo về Lễ Quốc tang

Các cơ quan sau đây cùng đứng tên ra thông cáo về Lễ Quốc tang:

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang

Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Lễ tang Nhà nước, gồm từ 25 (hai mươi lăm) đến 30 (ba mươi) thành viên đại diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, cơ quan nơi người từ trần đã hoặc đang công tác, đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần.

- Ban Lễ tang Nhà nước có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức Lễ Quốc tang theo quy định tại Nghị định này.

- Trưởng Ban Lễ tang Nhà nước là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Tổ chức Lễ tang, gồm từ 15 (mười lăm) đến 20 (hai mươi) thành viên đại diện cho các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần và đại diện gia đình người từ trần.

- Ban Tổ chức Lễ tang có nhiệm vụ giúp cho Ban Lễ tang Nhà nước trong việc điều hành các cơ quan là thành viên Ban Tổ chức Lễ tang, các cơ quan tham gia tổ chức Lễ Quốc tang theo quy định tại Nghị định này.

- Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là một Phó Thủ tướng Chính phủ.

4. Các văn bản về Lễ Quốc tang

Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và cơ quan chủ quản của người từ trần soạn thảo: Thông cáo về Lễ Quốc tang; danh sách Ban Lễ tang Nhà nước, Ban Tổ chức Lễ tang, tiểu sử người từ trần; Thông báo về Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng; Lời điếu và Lời cảm ơn có ý kiến đóng góp của gia đình người từ trần và được Ban Lễ tang Nhà nước thông qua.

5. Đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ Quốc tang

Đưa tin buồn:

Khi chưa có thông báo chính thức của Ban Tổ chức Lễ tang, các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được đưa tin vắn về việc từ trần. Sau khi thành lập Ban Tổ chức Lễ tang và việc tổ chức Lễ tang được chính thức công bố, các phương tiện thông tin đại chúng mới được đưa tin buồn, đăng bài viết giới thiệu về người từ trần.

Đăng tin trên các phương tiện thông tin:

- Báo Nhân dân và các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đưa tin về Lễ Quốc tang, gồm: Thông cáo, danh sách Ban Lễ tang Nhà nước, Ban Tổ chức Lễ tang; tiểu sử, ảnh người từ trần; nghi thức cả nước để tang; thông báo về Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng, lời cảm ơn của Ban Lễ tang Nhà nước.

- Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương quay phim tư liệu Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng. Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tường thuật và truyền hình trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng.

6. Thời gian, nghi thức để tang

Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang là 02 (hai) ngày. Trong thời gian này các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay), không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.

7. Nơi tổ chức Lễ Quốc tang và nơi an táng

- Lễ Quốc tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh).

- An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội; Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh hoặc hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương hay nghĩa trang địa phương khác theo nguyện vọng của gia đình.

8. Trang trí lễ đài và túc trực bên linh cữu

- Lễ đài trang trí phông nền đen, trên đó treo Quốc kỳ có dải băng tang, ảnh người từ trần và dòng chữ trắng “Vô cùng thương tiếc đồng chí...”.

- Bàn thờ đặt chính giữa phòng, dưới lễ đài, có lư hương và gối Huân chương.

- Linh cữu phủ Quốc kỳ, đặt trên bệ ở chính giữa lễ đài, đầu hướng về bàn thờ.

- Ban Tổ chức Lễ tang phân công các thành viên trong Ban Tổ chức Lễ tang đứng túc trực khi các đoàn cấp cao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến viếng.

- Trong quá trình tiến hành Lễ viếng và Lễ truy điệu có 02 (hai) chiến sĩ tiêu binh đứng cửa phòng Lễ tang; 04 (bốn) sĩ quan quân đội mặc lễ phục đứng túc trực 4 góc cạnh linh cữu và 06 (sáu) chiến sĩ tiêu binh đứng túc trực quanh linh cữu và đội quân nhạc phục vụ Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ đưa tang.

9. Vòng hoa trong Lễ viếng

- Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị 06 (sáu) vòng hoa, có băng vải đỏ chữ vàng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình; sau khi các đoàn viếng xong đặt cố định hai bên bàn thờ.

- Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị 30 (ba mươi) vòng hoa luân chuyển. Trong thông báo tin buồn có ghi: Các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, có kích thước 1,2 m x 0,2 m, ghi dòng chữ trắng “Kính viếng”, dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân để gắn vào vòng hoa do Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị.

10. Lễ viếng

Ban Tổ chức Lễ tang sắp xếp các đoàn vào viếng theo đội hình như sau: 02 (hai) chiến sĩ khiêng vòng hoa đi đầu, tiếp theo là Trưởng đoàn, phía sau bên phải Trưởng đoàn là sĩ quan dẫn viếng, các thành viên trong đoàn viếng đi theo hai hàng dọc.

Ban Tổ chức Lễ tang tổ chức đón và xếp các đoàn đại biểu nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan, cá nhân nước ngoài khác có nguyện vọng đến viếng và ghi sổ tang.

Sau khi viếng, Trưởng đoàn ghi sổ tang.

Trong quá trình viếng, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ”.

11. Tổ chức Lễ viếng ở nước ngoài

Cùng thời gian diễn ra Lễ Quốc tang ở Việt Nam, Bộ Ngoại giao hướng dẫn các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tiếp đón các tổ chức, cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài đến viếng và ghi sổ tang tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Trang trí lễ đài:

- Lễ đài trang trí phông nền đen, Quốc kỳ treo phía trên có dải băng tang, ảnh người từ trần và dòng chữ trắng “Vô cùng thương tiếc đồng chí...”

- Bàn thờ đặt chính giữa phòng, dưới lễ đài có lư hương; hai bên bàn thờ đặt 02 (hai) vòng hoa cố định;

- Bàn ghi sổ tang.

12. Lễ truy điệu

Thành phần dự Lễ truy điệu gồm: Ban Lễ tang Nhà nước; Ban Tổ chức Lễ tang; gia đình, người thân; đại diện các cơ quan, đơn vị và địa phương của người từ trần.

Vị trí các đoàn dự Lễ truy điệu:

- Gia đình đứng phía bên trái phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài).

- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đứng phía bên phải phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài).

- Các đoàn đại biểu Bộ, Ban, ngành, đối tượng khác, lực lượng túc trực và đội quân nhạc đứng theo sắp xếp của Ban Tổ chức Lễ tang.

Chương trình Lễ truy điệu:

- Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ truy điệu.

- Quân nhạc cử Quốc ca.

- Trưởng ban Lễ tang Nhà nước đọc lời điếu và tuyên bố phút mặc niệm.

- Khi mặc niệm, quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ”.

- Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố kết thúc Lễ truy điệu.

Cùng thời gian diễn ra Lễ truy điệu ở Trung ương, lãnh đạo địa phương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần tổ chức Lễ truy điệu tại địa phương.

13. Lễ đưa tang

Thành phần dự Lễ đưa tang gồm: Ban Lễ tang Nhà nước, Ban Tổ chức Lễ tang, gia đình, người thân, đại diện các cơ quan, đơn vị và địa phương của người từ trần.

Khi chuyển linh cữu từ nhà tang lễ lên xe tang và từ xe tang vào phần mộ có 01 (một) sĩ quan mang ảnh, 01 (một) sĩ quan mang gối Huân chương và 01 (một) sĩ quan quấn cờ mang cờ đi trước linh cữu; đội công tác gồm 01 (một) sĩ quan và 12 (mười hai) chiến sĩ chuyển linh cữu từ nhà tang lễ lên xe tang, từ xe tang vào phần mộ; Trưởng ban, Phó Trưởng ban Lễ tang Nhà nước cùng khiêng linh cữu (phía đầu linh cữu); gia đình và các thành viên khác đi phía sau linh cữu.

14. Lực lượng và phương tiện phục vụ Lễ tang

Lực lượng phục vụ Lễ tang do Bộ Quốc phòng chuẩn bị, gồm:

- Lực lượng phục vụ Lễ viếng: có 04 (bốn) sĩ quan túc trực cách linh cữu 1,5 m; 06 (sáu) chiến sĩ giữ súng CKC có lưỡi lê túc trực đứng bên ngoài cách sĩ quan túc trực 0,7 m; 02 (hai) chiến sĩ tiêu binh đứng trước cửa nhà tang lễ; lực lượng khiêng hoa; sĩ quan dẫn viếng; lực lượng quân nhạc phục vụ Lễ viếng;

- Lực lượng phục vụ Lễ truy điệu: có 04 (bốn) sĩ quan túc trực bốn góc cách linh cữu 1,5 m; 06 (sáu) chiến sĩ giữ súng CKC túc trực đứng bên ngoài cách sĩ quan túc trực 0,7 m; 02 (hai) chiến sĩ tiêu binh đứng trước cửa nhà tang lễ; 01 tổ Quốc kỳ; 01 tổ Quân kỳ; lực lượng danh dự ba Quân chủng (127 cán bộ, chiến sĩ), quân nhạc phục vụ Lễ truy điệu;

- Lực lượng phục vụ Lễ đưa tang: 01 (một) sĩ quan mang ảnh, 01 (một) sĩ quan mang gối Huân chương, 01 (một) sĩ quan quấn cờ; đội công tác gồm 01 sĩ quan và 12 (mười hai) chiến sĩ khiêng linh cữu; 07 (bảy) chiến sĩ chuẩn bị xe tang; lục lượng danh dự ba Quân chủng;

- Lực lượng phục vụ Lễ an táng: 27 (hai mươi bảy) chiến sĩ làm nhiệm vụ tiêu binh tại cổng nghĩa trang; lực lượng mộ giả 13 (mười ba) chiến sĩ, lực lượng danh dự ba Quân chủng, lực lượng quân nhạc phục vụ Lễ an táng.

Phương tiện phục vụ Lễ tang do Bộ Quốc phòng chuẩn bị gồm: 01 xe chỉ huy; 01 xe chở Quốc kỳ, ảnh, gối Huân chương; 01 xe chở Quân kỳ; 06 xe chở đội hình danh dự; 01 xe hoa; 01 xe kéo xe tang (phía cuối xe tang là khẩu lựu pháo 122 mm); 01 xe dự phòng; 02 xe thông tin, 01 xe cứu thương.

Linh cữu được phủ Quốc kỳ đặt trong lồng kính để trên xe tang.

15. Lễ hạ huyệt

Sau khi đội công tác di chuyển linh cữu vào vị trí phần mộ, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ hạ huyệt.

Đội công tác làm nhiệm vụ hạ huyệt.

Trưởng ban Tổ chức Lễ tang mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gia đình bỏ nắm đất đầu tiên và đi quanh phần mộ để vĩnh biệt.

Đội công tác tiếp tục hoàn chỉnh phần mộ.

Trong khi tiến hành Lễ hạ huyệt và lấp mộ, quân nhạc cử nhạc “Hành khúc tang lễ”.

Sau khi lấp mộ xong, Ban Tổ chức Lễ tang dành một phút mặc niệm tiễn biệt người từ trần. Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ".

Điều 20. Xây mộ và chi phí

Mộ xây bằng đá granite, có kích thước theo quy định hiện hành.

Chi phí xây mộ hoặc hỏa táng, điện táng và phục vụ Lễ tang do ngân sách nhà nước cấp.

TIN MỚI NHẤT VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại