T-80: Anh hùng không gặp thời?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Năm 2015 sẽ là năm chính thức đánh dấu sự kết thúc của dòng tăng T-80, một kết thúc buồn cho loại tăng từng làm NATO mất ngủ trong giai đoạn cuối của Chiến Tranh Lạnh.

Đầu tháng này, song song với việc thông báo xe tăng thế hệ Armata sẽ được đưa vào biên chế chính thức năm 2015, quân đội Nga cũng cho biết tất cả các đơn vị trực chiến sẽ chỉ còn sử dụng 2 loại tăng T-72 và T-90 vào thời gian trên. Quyết định này xem như đã chính thức đánh dấu cho sự kết thúc của dòng tăng T-80.

Đây không phải là một thông tin bất ngờ vì từ lâu Nga chỉ còn sản xuất hàng loạt một loại tăng duy nhất là T-90, và nâng cấp T-72 hiện có. Tuy vậy, nó vẫn khiến người ta tự hỏi điều gì đã khiến loại xe tăng từng làm NATO mất ngủ trong giai đoạn cuối của Chiến Tranh Lạnh chìm vào lịch sử một cách lặng lẽ như vậy.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U vừa

Xe tăng T-80 trong lễ diễu binh mừng ngày Chiến thắng năm 2005

Tinh hoa công nghệ thiết giáp Xô Viết

T-80 và T-90 thực chất là 2 dòng xe tăng khác nhau, từ 2 trung tâm phát triển riêng biệt và được sản xuất ở 2 nhà máy khác nhau. T-80 được phát triển từ chiếc T-64, còn T-90 là một bản nâng cấp của T-72. Trong đó, dòng T-64/T-80 là nơi tập trung những công nghệ tiên tiến nhất của Liên Xô, đóng vai trò mũi nhọn cho lực lượng thiết giáp khối Warsaw trong trường hợp có chiến tranh với khối NATO. Còn dòng T-72/ T-90 có vai trò là loại xe tăng có thể được sản xuất với chi phí thấp, để đảm bảo ưu thế về số lượng cho Liên Xô.

Hình ảnh đầu tiên của T-80 do NATO chụp được tại Đức tháng 12/1984
Hình ảnh đầu tiên của T-80 do NATO chụp được tại Đức tháng 12/1984
T-90 và T-80, 2 dòng xe tăng chủ lực hiện đại nhất của Nga
T-90 và T-80, 2 dòng xe tăng chủ lực hiện đại nhất của Nga

T-64 có thể xem là một thiết kế mang tính cách mạng khi nó ra đời, với những đặc điểm thiết kế lần đầu xuất hiện như cơ chế nạp đạn tự động giúp giảm số lượng tổ lái còn 3 người, giáp liên hợp. T-64 cũng là mẫu tăng đầu tiên sử dụng pháo cỡ nòng 125mm, là cỡ nòng của mọi loại tăng chủ lực của Liên Xô sau này.

Được phát triển để thay thế T-64, dòng xe tăng T-80 tiếp tục bổ sung nhiều đặc tính mới. T-80 sử dụng động cơ turbin phản lực thay cho động cơ diesel truyền thống. Với công suất 1250 mã lực, T-80 có thể đạt vận tốc tối đa 70km/h. Lớp giáp liên hợp của nó bao gồm các lớp thép và ceramic hoặc sợi thuỷ tinh, thay vì thép và nhôm như của T-64. Bên ngoài, nó cũng được bổ sung các tấm giáp phản ứng nổ Kontakt-1 để chống lại đạn nổ định hướng chống tăng. Thế hệ tiếp theo, Kontakt-5, có thể hiệu quả với cả đạn nổ và đạn xuyên.

Bên cạnh đó, T-80 còn được trang bị hệ thống cảnh báo và áp chế Shtora, gây nhiễu cho các loại tên lửa chống tăng, và có thể tự kích hoạt màn khói bảo vệ xe khi đang bị chiếu tia laser dẫn đường cho tên lửa. So với các cường quốc khác, Liên Xô là nước tích cực nhất trong việc phát triển các hệ thống phòng vệ chủ động cho xe tăng. T-80 có thể được trang bị các hệ thống Drozd, Arena...Nguyên tắc hoạt động của các hệ thống này là dùng radar để phát hiện tên lửa chống tăng đang bay đến, và phóng ra các thiết bị nổ nhỏ để phá huỷ hoặc gây hư hỏng cho tên lửa đối phương.

Một chiếc T-80U, thế hệ 2 của dòng T-80. Hai thiết bị giống đèn pha 2 bên khẩu pháo là Shtora.
Một chiếc T-80U, thế hệ 2 của dòng T-80. Hai thiết bị giống đèn pha 2 bên khẩu pháo là Shtora.

Về hoả lực, Liên Xô đi theo một hướng khác với các nước phương Tây khi sử dụng rộng rãi tên lửa phóng từ nòng pháo, bên cạnh các loại đạn thông thường. Cơ cấu đạn dược chính của T-80 gồm 4 loại: đạn xuyên bằng động năng, đạn xuyên bằng hiệu ứng nổ, đạn mảnh, và tên lửa Refleks. Refleks là loại tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser, nó được nạp và phóng ra từ nòng phóng tương tự các loại đạn khác. Refleks có tầm bắn tối đa 5km. Tầm tác chiến thông thường của các loại đạn pháo xe tăng khoảng 2-3km.

Bốn loại đạn chính của T-80, từ trái sang: đạn xuyên động năng, đạn mảnh, đạn xuyên nổ, và tên lửa Refleks
Bốn loại đạn chính của T-80, từ trái sang: đạn xuyên động năng, đạn mảnh, đạn xuyên nổ, và tên lửa Refleks

Như vậy, có thể thấy, trên lý thuyết, T-80 là một mẫu xe tăng vượt trội cả về 3 phương diện: cơ động, phòng vệ và hoả lực. Trên thực tế, sau khi ra đời cho đến trước thời điểm 1991, T-80 là xe tăng chủ lực của Hồng quân, được biên chế ở những đơn vị quan trọng nhất, đa số ở Đông Đức và Ba Lan để đối phó với NATO. Ngay cả sau khi Liên Xô tan rã, T-80 vẫn là xương sống của quân đội Nga và được đánh giá là một trong những xe tăng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, từ sau năm 1995 thì T-80 không còn được quân đội Nga ưu ái nữa. Thay vào đó, họ chọn T-90 là xe tăng chính của mình và không mua thêm T-80 nữa. Có một số lí do chính cho sự thất sủng của T-80:

Động cơ turbin

Một trong những đặc điểm tưởng như là thế mạnh của T-80 lại là điểm yếu của nó. Động cơ turbin khí về cơ bản là giống động cơ của các máy bay phản lực. Điểm khác là luồng phản lực được chuyển thành chuyển động quay thông qua một turbin. So với các động cơ đốt trong chạy bằng xăng hay diesel, động cơ turbin có cung cấp công suất cao hơn, trong khi lại nhỏ gọn hơn. Đó là lí do vì sao nó thường được trang bị cho trực thăng hoặc tàu quân sự.

Tuy vậy, loại động cơ này có mức độ tiêu thụ nhiên liệu rất cao. Ngoài ra, nó cũng hút một lượng khí rất lớn trong quá trình hoạt động, do đó dễ bị hư hỏng hơn do bụi. Trong quá trình phát triển T-80, các nguyên mẫu động cơ turbin có mức tiêu thụ nhiên liệu cao gấp từ 1,6 đến 1,8 lần của T-64, trong khi tuổi thọ và độ tin cậy thấp hơn. Vì vậy đến tháng 11/1975, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Liên Xô lúc đó, nguyên soái Andrei Grechko, quyết định không sử dụng loại động cơ này cho T-80.

Tuy nhiên Grechko qua đời năm 1976 và người lên thay, Dmitriy Ustinov, lại là người ủng hộ ý tưởng sử dụng đại trà động cơ turbin cho các phương tiện quân sự. Do đó T-80 cuối cùng vẫn sử dụng động cơ turbin thay vì diesel. Điều này khiến cho cả chi phí mua mới và chí phí vận hành của T-80 bị đội lên so với đối thủ. Ước tính giá thành của động cơ T-80 khi đó lên đến 104.000 rúp, trong khi động cơ của T-72 chỉ có 9.600 rúp.

Chỉ đến sau khi Ustinov qua đời thì phiên bản T-80 sử dụng động cơ diesel mới được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên sự thay đổi này đến quá trễ khi Liên Xô sụp đổ chỉ vài năm sau đó. Đa số T-80 phiên bản diesel vẫn còn nằm tại Ukraine vào thời điểm đó, và được nước này phát triển thành xe tăng T-84.

Giá thành cao

Được thiết kế với định hướng ưu tiên cho chất lượng và hiệu năng, T-80 hiển nhiên đắt hơn nhiều so với đối thủ T-72/T-90. Giá thành của T-80U, thế hệ 2 của dòng T-80, cao gấp 3 lần T-72B, phiên bản cuối cùng dòng T-72, trong khi hiệu suất chiến đấu được cho chỉ cao hơn khoảng 10%.

Giá thành cao còn khiến T-80 khó cạnh tranh với T-72/T-90 tại các thị trường nước ngoài. Đây là một bất lợi rất lớn, vì trong suốt hơn 10 năm sau năm 1991 quân đội Nga hầu như không có đơn hàng sản xuất tăng số lượng lớn vì không có ngân sách. Vì vậy các nhà sản xuất xe tăng phụ thuộc vào việc xuất khẩu để duy trì hoạt động. Trong khi nhà sản xuất dòng T-72/T-90 giành được những hợp đồng lớn, như với Ấn Độ, thì T-80 chỉ giành được một số hợp đồng số lượng ít. Điều trớ trêu là người anh em T-84 từ Ukraina lại thành công trên thị trường quốc tế hơn cả T-80.

Cuộc chiến Chechnya

Ngày 31/12/1994, quân đội Nga tấn công thủ đô Grozny của nước Cộng hoà Chechnya để ngăn nước này độc lập khỏi Liên bang Nga. Việc lên kế hoạch sơ sài và thiếu sự chuẩn bị cần thiết đã biến chiến dịch này trở thành 1 thảm hoạ. Trong tháng đầu tiên của chiến dịch, Nga mất hơn 220 xe thiết giáp, gồm 62 tăng, 17 trong đó là T-80, số còn lại là T-72. Một trong những đơn vị chủ lực được trang bị T-80 là Trung đoàn cơ giới cận vệ số 81 có chịu tổn thất 50% quân số. Nhìn chung, phía Nga bị thiệt hại nặng, với hàng nghìn binh lính bị tiêu diệt hay bắt sống.

Xác một chiếc T-80 tại Grozny
Xác một chiếc T-80 tại Grozny

Mặc dù có lớp giáp rất tốt, T-80 vẫn có điểm yếu ở phía sau, nơi đặt khoang động cơ, tương tự như đa số loại tăng khác. RPG-7 của quân Chechnya có thể xuyên thủng tại vị trí này. Lực lượng Chechnya có lợi thế thông thuộc mọi ngõ ngách bên trong thành phố, và được tổ chức rất gọn nhẹ, linh hoạt, thành từng nhóm 8 người. Bộ binh Chechnya xem thiết giáp Nga là mục tiêu chính cần tiêu diệt, với 2 trong số 8 người trong nhóm chiến đấu được trang bị RPG-7. Nhiều người trong số họ là cựu binh của Hồng quân trước đây, nên hiểu rõ đối phương của mình.

Quân Chechnya có thể bất ngờ xuất hiện và tấn công xe tăng Nga từ phía sau, ở tầm gần. Họ thậm chí có thể tấn công từ các toà nhà xuống phần nóc khoang động cơ, là nơi có lớp bảo vệ mỏng nhất. Lớp ngăn giữa khoang động cơ và khoang tổ lái khá mỏng. Trong khi đó, do sử dụng cơ chế nạp đạn tự động, khoang chứa đạn và thuốc phóng của T-80 nằm ngay dưới tháp pháo. Một số đạn và thuốc phóng còn được đặt ngay bên trong khoang của tổ lái, hoàn toàn không được che chắn.

Một chiếc T-80 với tháp pháo bị thổi tung tại Grozny
Một chiếc T-80 với tháp pháo bị thổi tung tại Grozny

Vì vậy, sức công phá từ khoang động cơ khi đi vào bên trong tháp pháo có thể kích nổ toàn bộ số đạn pháo đặt trong đó và thổi bay tháp pháo cùng toàn bộ tổ lái. Đó là lí do vì sao trong phiên bản nâng cấp mới nhất của dòng T-80, còn gọi là ‘Black Eagle’, toàn bộ đạn và cơ cấu nạp đạn được đưa vào một khoang riêng ở phía sau tháp pháo. Bên trên khoang này có một cửa sập có thể bung ra trong trường hợp đạn bên trong bị kích nổ, giúp giải phóng sức công phá lên trên thay vì hướng vào trong khoang lái. Đây cũng là cách bố trí chung của nhiều mẫu xe tăng phương Tây hiện nay như M1 Abram hay Leopard. Đáng tiếc là dự án này đã bị huỷ bỏ.

Dự án ‘Black Eagle’ chuyển toàn bộ cơ cấu chứa và nạp đạn lên phía sau tháp pháo (phần xanh dương đậm)
Dự án ‘Black Eagle’ chuyển toàn bộ cơ cấu chứa và nạp đạn lên phía sau tháp pháo (phần xanh dương đậm)
Cửa sập dùng để giải phóng sức nổ bên trên khoang chứa đạn của 1 chiếc Abram
Cửa sập dùng để giải phóng sức nổ bên trên khoang chứa đạn của 1 chiếc Abram

Hai tháng sau trận chiến tại Grozny, bộ trưởng bộ quốc phòng Nga lúc đó, Pavel Grachev, đổ lỗi cho thiết kế các loại xe tăng Nga như một trong những nguyên nhân chính cho thất bại tại Grozny. Trên thực tế, chúng đã bị biến thành ‘vật tế thần’ cho những yếu kém của quân đội Nga khi đó: binh lính được huấn luyện kém, lên kế hoạch sơ sài, tinh thần chiến đấu thấp, xem thường đối phương. T-80 cũng chỉ là 1 trong những nạn nhân trong thất bại chung của quân đội Nga. Một trong số những chiếc T-80 bị trúng đến 18 phát RPG và 1 mìn chống tăng.

Cận cảnh một tháp pháo T-80 bị tiêu diệt tại Grozny, khối kim loại lớn bên trong là khoá nòng của pháo chính
Cận cảnh một tháp pháo T-80 bị tiêu diệt tại Grozny, khối kim loại lớn bên trong là khoá nòng của pháo chính

Vận rủi của kẻ này là cơ hội của kẻ khác. Mặc dù T-72 cũng có tham gia trận Grozny, nhưng nhà sản xuất của dòng tăng này đã nhanh tay đổi tên của T-72BU, phiên bản nâng cấp mới nhất của dòng T-72, thành T-90, và biến nó thành 1 mẫu tăng hoàn toàn ‘mới’, không liên quan gì đến trận chiến tại Grozny.

Người hùng không gặp thời

Cho đến nay vẫn có nhiều người trong giới quân sự Nga xem việc chọn T-90 thay vì T-80 là một sai lầm. T-80 rõ ràng là dòng xe tăng tốt nhất của Nga, và có nhiều tiềm năng để phát triển hơn. Đáng tiếc là nó lại ra đời đúng vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, và nước Nga sau đó cũng chưa bao giờ có đủ ngân sách để theo đuổi 2 dòng tăng chủ lực cùng lúc. Và trong lần duy nhất T-80 có cơ hội chứng tỏ mình trong một cuộc chiến thật sự, nó lại phải hứng chịu thất bại chung của quân đội Nga.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại