Trung Quốc đổi chiến lược: Chim báo bão tranh chấp Biển Đông

Trung Quốc ngày càng tỏ rõ ý đồ chiến đấu ở những vùng biển xa khi không ngừng phát triển máy bay không người lái (UAV).

Động thái này của Trung Quốc khiến Nhật Bản, ASEAN sẽ phải lo ngại cảnh giác.

UAV tham gia vào cuộc chơi biển đảo

Để tăng cường khả năng tranh giành, mở rộng quyền lợi trên biển, Trung Quốc đã nghiên cứu, phát triển và đưa vào sử dụng máy bay không người lái hiện đại nhất, thể hiện hướng đi mới của Bắc Kinh trong cuộc chiến nhiều căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông.

Chủ trương phát triển máy bay không người lái của Trung Quốc chủ yếu nhằm mục đích gia tăng sức mạnh tranh giành chủ quyền ở Hoa Đông và biển Đông thông qua việc nâng cao năng lực tấn công và trinh sát.

Theo các quan chức quân sự Nhật Bản được nhật báo Yomiuri trích lời, chiếc máy bay không người lái Trung Quốc xâm nhập vùng trời gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi đầu tháng 9 - vụ xâm nhậm mới nhất của loại máy bay này - là máy bay trinh sát BZK-005 do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển.

Máy bay không người lái Trung Quốc xâm nhập bầu trời đảo Senkaku ngày 9/9/2013

Trung Quốc hiện đã có khoảng 25 loại máy bay không người lái các kiểu tự sản xuất, trong đó máy bay tác chiến không người lái hạng nhẹ chủ yếu cung ứng cho Lục quân, sử dụng cho mục đích do thám, máy bay không người lái cỡ lớn hơn một chút được triển khai ở các sân bay Không quân. Căn cứ không quân trang bị máy bay không người lái hiện nay được bố trí ở 3 tỉnh và khu vực.

Tháng 8/2013 Cục hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết đến năm 2015, Trung Quốc sẽ đưa vào hoạt động 11 căn cứ UAV tại tất cả các tỉnh duyên hải.

Trong vòng hai chục năm qua, sản lượng máy bay không người lái của Trung Quốc tăng mạnh, hiện có khoảng hơn 280 chiếc.

Vài năm gần đây, mức độ gia tăng rất nhanh, chỉ trong vòng hơn 1 năm số lượng UAV đã tăng gấp đôi. Dư luận cảnh báo rằng trong tương lai gần, TQ có thể sử dụng UAV trong tranh chấp biển đảo cũng như trong tác chiến tiêu diệt mục tiêu ở trong lãnh thổ của nước khác.

Vừa qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra những nhận định về tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực tác chiến biển xa. Trong đó, các tướng lĩnh PLA cho rằng cần phải củng cố hơn nữa sức mạnh của hải quân nước này và nhấn mạnh trong việc trinh sát biển, UAV là lựa chọn số 1.

Mẫu máy bay do thám không người lái BZK-005 của Trung Quốc đã xâm nhập vào không phận Senkaku/Điếu Ngư

Các tướng lĩnh của PLA cũng khẳng định khi khả năng tác chiến biển xa của Trung Quốc hoàn thiện, nước này sẽ có đủ sức mạnh để bảo vệ toàn bộ lợi ích và vị thế của mình. Đống thời nhấn mạnh rằng hiện tại, hải quân Trung Quốc đã hoàn toàn tự tin tác chiến chủ động trong chuỗi đảo thứ nhất (bao gồm cả Hàn Quốc, Philippines, Nhật Bản).

Ngày 17/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng “Trung Quốc có quyết tâm, có năng lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đảo Điếu Ngư”!.

UAV – chim báo bão

Hiện tại, những UAV cỡ lớn của Trung Quốc đã có khả năng chiến đấu, không kích mặt đất. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng UAV của mình với mục tiêu do thám. Mà thực chất, nhiệm vụ của những UAV này là quấy nhiễu.

Song song với những lời tuyên bố đầy ẩn ý về khả năng tác chiến tầm xa hoàn hảo trên chuỗi đảo thứ nhất của các tướng lĩnh quân đội, Trung Quốc triển khai những hoạt động bay của UAV trên các vùng biển tranh chấp. Hồi giữa tháng 9, UAV nước này xâm nhập Senkaku/Điếu Ngư.

Nhật Bản đã tuyên bố rắn sẽ bắn hạ UAV nếu nó dám quay lại một lần nữa. Nhưng sau tuyên bố của Nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 20/9 cho biết nước này sẵn sàng đàm phán với Nhật Bản về những căng thẳng ngày càng leo thang tại biển Hoa Đông nếu Tokyo thừa nhận đang có tranh chấp tại khu vực này.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích thế giới đã chỉ rõ rằng đây khiêu khích mới là nhiệm vụ chính của UAV Trung Quốc. Nếu Nhật Bản thừa nhận có tranh chấp tại khu vực này, thì quân đội Trung Quốc sẽ không ngại dùng sức mạnh để giải quyết tranh chấp.

Thêm nữa, Trung Quốc sẵn sàng dùng UAV làm mồi nhử, chúng vo ve trên vùng trời đang có tranh chấp, nhưng bắn một UAV của Trung Quốc sẽ không khác gì Nhật Bản đang “chơi lửa bên thùng thuốc súng”.

Dàn UAV của Trung Quốc diễu võ dương oai trong một cuộc diễu binh

Đối với Biển Đông, Trung Quốc cũng đã từng làm điều tương tự với các bãi cạn tranh chấp với Philippines. Hồi cuối năm 2012, Philipines đã tuyên bố rằng sẽ bắn rơi UAV của Trung Quốc nếu bay vào vùng biển tranh chấp chủ quyền. Ngay lập tức, Trung Quốc phản đối quyết liệt, coi đó là hành động khiêu khích của Philipines.

Điều đặc biệt trong tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc luôn lợi dụng dàn hỏa lực miệng cùng các báo chí của mình để khẳng định các nước khác là kẻ khiêu khích, quấy rối còn Trung Quốc chỉ là người bị hại. Những luận điểm đó để phục vụ cho một mưu đồ xấu xa rằng nếu Trung Quốc xảy ra chiến tranh với quốc gia nào, thì đó chỉ là sự phòng vệ cần thiết.

Với ý đồ đó, nếu bắn rụng UAV khi xâm phạm, không phải chỉ là quyết tâm của Philipines, Nhật bản mà chính ngay bản thân Trung Quốc cũng mong muốn như vậy. Họ cần một cái cớ để mang giông bão đến Biển Đông và Hoa Đông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại