Phóng tên lửa, thử hạt nhân, và "cái ngông" của Triều Tiên

TTK |

Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn liên tục và liên tiếp tiến hành các vụ phóng tên lửa. Đâu là nguồn cơn của "cái ngông" này trên bán đảo Triều Tiên?

Ngày 24/4, Triều Tiên tuyên bố vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Kim Jong-un, là một “thành công vĩ đại”.

Đây là diễn biến mới nhất trong hàng loạt hành động gần đây của Triều Tiên nhằm thể hiện sức mạnh quân sự, sau vụ thử hạt nhân thứ 4 hồi tháng 1/2016 và phóng tên lửa tầm xa một tháng sau đó.

Hiện có không ít lo ngại về khả năng Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân trong tương lai gần.

Theo hãng tin Reuters, tối 23/4, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa từ một tàu ngầm ngoài khơi bờ biển phía Đông và tên lửa này bay được khoảng 30 km.

Theo quan chức này, phía Hàn Quốc đang nỗ lực tìm hiểu xem có phải vụ phóng đã thất bại vì các lý do chưa được xác định hay không.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng cho biết đợt phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm ngày 23/4 là “thành công to lớn”.

Hãng tin Triều Tiên KCNA nhấn mạnh: “Điều này khẳng định và tăng cường khả năng của hệ thống phóng tên lửa dưới nước của Triều Tiên và đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật hoàn hảo để tiến hành... các đợt tấn công dưới nước”.

Hãng tin này cho biết thêm, cuộc phóng thử tên lửa đã giúp nước này “có thêm một phương tiện cho các cuộc tấn công hạt nhân mạnh mẽ”, nhưng không công bố địa điểm phóng thử.

Một số chuyên gia nghĩ rằng Triều Tiên phóng tên lửa từ một bệ phóng ngầm dưới nước, chứ không phải từ tàu ngầm.

Chỉ vài giờ sau khi có thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Ngoại trưởng nước này Ri Su Yong, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP tại New York, nói rằng Triều Tiên sẵn sàng ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân nếu Mỹ chấm dứt hoạt động tập trận quân sự thường niên với Hàn Quốc, nhấn mạnh tới cuộc diễn tập Giải pháp Then chốt/Đại bàng non đang diễn ra.

Yêu cầu này cũng từng được Bình Nhưỡng đưa ra sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân hồi đầu năm nay. Ngoại trưởng Triều Tiên nói rõ: “Hãy ngưng các cuộc tập trận hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, khi ấy chúng tôi cũng sẽ ngưng thử nghiệm hạt nhân”.

Ông Ri Su Yong khẳng định quan điểm lâu nay của Bình Nhưỡng là chính Mỹ đã khiến Triều Tiên phải phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ, và còn gợi ý là việc Washington ngưng các cuộc tập trận với Seoul sẽ mở cửa đối thoại và giảm căng thẳng.

Về phát biểu của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông không đánh giá cao hứa hẹn ngừng thử nghiệm của Triều Tiên và "họ cần phải làm nhiều hơn nữa".

Triều Tiên, luôn coi các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là hoạt động chuẩn bị cho chiến tranh, đã nhiều lần đưa ra các đề xuất tương tự đối với Washington, song Mỹ luôn khẳng định điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán là Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân.

Ông Obama cảnh báo về những rủi ro nghiêm trọng từ việc Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm vũ khí, trong đó có cả vụ thử tên lửa đạn đạo mới đây.

Ông cho rằng tuy thất bại trong hầu hết các vụ thử này song kinh nghiệm và kiến thức mới là điều Triều Tiên có được và điều này buộc "chúng ta phải ý thức một cách nghiêm túc, các đồng minh của chúng ta và cả thế giới cũng cần phải ý thức được điều này".

Theo AFP, phát biểu tại London, chặng dừng chân trong chuyến công du Trung Đông và châu Âu, ông Obama nhấn mạnh: “Triều Tiên tiếp tục có những hành vi khiêu khích”, và cho biết đã cùng các đồng minh kêu gọi Trung Quốc, “mạnh thường quân” của Triều Tiên, gây sức ép buộc người láng giềng này kiềm chế, song “mọi chuyện dường như vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn”.

Đâu là sự thật?

Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA khẳng định vụ phóng là “một thành công vĩ đại khác”, song không nói chi tiết về thời gian và địa điểm của vụ phóng được tuyên bố là do nhà lãnh đạo Kim Jong-un điều hành này.

KCNA dẫn lời Kim Jong-un nói: “Vụ phóng thành công đã gia tăng đáng kể khả năng hoạt động ngầm dưới biển của Hải quân Triều Tiên, chúng ta giờ đã có thể tấn công các cơ quan đầu não của lực lượng quân đội bù nhìn của Hàn Quốc và những kẻ xâm lược Mỹ bất kỳ lúc nào chúng ta muốn”.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố một bức ảnh chụp lại cảnh Kim Jong-un đang quan sát tên lửa đang ra khỏi mặt nước sau khi được phóng, và một bức ảnh khác chụp cảnh tên lửa đang bay lên bầu trời.

KCNA tuyên bố tên lửa trong vụ phóng vừa qua sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn.

Ông Jeffrey Lewis- hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middleburry, thị trấn Monterey, bang California, Mỹ- cho rằng nếu điều này là thật, đây có thể là một bước tiến lớn của Triều Tiên trong việc phát triển tên lửa phóng từ tàu ngầm, và là một “bước nhảy vọt trong tham vọng” của quốc gia này.

Các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong suốt thời gian qua của Triều Tiên đã làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo nóng bỏng này, khiến Trung Quốc- đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng- hết sức tức giận và buộc LHQ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới.

Giới phân tích cho rằng các vụ thử này là một phần nỗ lực của ông Kim Jong-un nhằm củng cố vị thế trước thềm Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 5 tới, một sự kiện được đánh giá là bất thường bởi chưa từng diễn ra trong suốt 36 năm qua.

Nhiều người cho rằng ông Kim Jong-un sẽ nhân sự kiện này để chính thức tuyên bố Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và quân sự hùng mạnh.

Triều Tiên lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu ngầm vào hồi tháng 12 năm ngoái, tuy nhiên, vụ thử này và nhiều vụ sau đó đều được cho là đã thất bại.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đăng tải các đoạn phim ghi lại cảnh thử nghiệm tên lửa song giới chuyên gia cho rằng đây đều là những thước phim đã qua chỉnh sửa và hoàn toàn sai sự thật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại