Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Trên 60% điểm nóng xuất hiện mới liên quan đến đất đai

Hoàng Đan |

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, công tác cán bộ vẫn còn những yếu kém, một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận.

Xử lý nghiêm nhiều cán bộ vi phạm

Sáng nay, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 trước Quốc hội.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua Chính phủ đã tập trung chỉ đạo khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy; đổi mới quy chế làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Ban hành 10 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và Quy chế làm việc của Chính phủ. Đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về văn hóa công sở, cấm uống bia, rượu trong giờ hành chính, cấm dùng xe công đi lễ hội, việc riêng, cấm tặng quà lãnh đạo nhân dịp Lễ, Tết. Bước đầu chấn chỉnh quản lý đô thị, nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Trên 60% điểm nóng xuất hiện mới liên quan đến đất đai - Ảnh 1.

Ảnh phiên khai mạc kỳ họp.

Bên cạnh đó, công tác cán bộ vẫn còn những yếu kém; một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Hiệu lực hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền cơ sở một số nơi còn hạn chế.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế...

Đồng thời, hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác cán bộ, nhất là về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức, kể cả người đã nghỉ hưu...

Về trật tự an toàn xã hội, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tăng cường phòng chống tội phạm, an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ.

Xử lý kịp thời nhiều vụ việc phức tạp, chủ động ngăn chặn các vụ kích động tụ tập đông người, gây rối. Đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Số vụ phạm pháp hình sự giảm . Tình hình trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.

Tuy nhiên, tình hình trên một số địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Xảy ra một số vụ trọng án, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng . Việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

"Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh những điểm nóng, phần lớn liên quan đến đất đai, trên 60%.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, kéo dài, phức tạp, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn thời gian vừa qua", Phó Thủ tướng nói.

Chính phủ coi bảo đảm trật tự an toàn xã hội là một nhiệm vụ quan trọng và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương, đơn vị; chủ động bám sát, nắm chắc địa bàn, không để xảy ra tình hình phức tạp.

Không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, kích động gây bất ổn về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tham nhũng. Xử lý nghiêm các hành vi chống người thi hành công vụ. Tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Kiên quyết đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, độc hại...

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; tăng cường năng lực và nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang.

Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm và các sự kiện chính trị quan trọng.

Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trên các địa bàn chiến lược. Bảo vệ an toàn cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển.

Tham gia có hiệu quả công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn . Thúc đẩy hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh.

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Làm tốt công tác phân tích, dự báo để chủ động có đối sách phù hợp, kịp thời. Tổ chức tốt hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Tăng cường quan hệ với các nước, các đối tác, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Phát huy hơn nữa vai trò và đóng góp của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, Tiểu vùng Mê Công. Tổ chức thành công Năm APEC 2017 tại Việt Nam.

Kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật Biển 1982.

Chủ động, tích cực cùng ASEAN và các bên liên quan thực hiện đầy đủ DOC, phấn đấu sớm hoàn tất COC.

Trước đó, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, kỳ họp diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và đất nước có nhiều chuyển biến với nhiều thuận lợi nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

"Kinh tế tiếp đà tăng trưởng nhưng chưa bền vững, một số chỉ tiêu cơ bản chưa đạt, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Biến đối khí hậu tiếp tục gây ra hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.

Vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên, khoáng sản đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội; ô nhiễm môi trường xảy ra nhiều nơi nhưng việc khắc phục và cải thiện còn chậm.

Các vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; trong quản lý, sử dụng đất đai; các hiện tượng tham nhũng, lãng phí vẫn là những vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, lo lắng…", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại