Philippines tập trận với Trung Quốc sẽ lộ bí mật quân sự Mỹ?

Minh Thu |

Mặc Mỹ phản đối, việc Trung Quốc và Philippines tổ chức các cuộc tập trận chung chỉ còn là vấn đề thời gian. Nói cách khác, Philippines đang dần hiện thực hóa chính sách giảm sự phụ thuộc vào Mỹ đặc biệt là quan hệ quốc phòng.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mong muốn tổ chức các cuộc tập trận chung quân sự với Trung Quốc. Tuy nhiên quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Philippines chưa thể "đâm hoa kết trái" khi mà Mỹ ra mặt phản đối.

Theo giới phân tích, việc Tổng thống Duterte kêu gọi thắt chặt quan hệ quân sự với hải quân Trung Quốc nằm trong chiến lược giảm dần sự phụ thuộc của Manila với Mỹ đồng thời mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines trở nên nồng ấm dần kể từ khi ông Duterte tuyên bố gạt bỏ bất đồng giữa hai nước liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông để theo đuổi thúc đẩy quan hệ kinh tế.

Tuy nhiên, những khó khăn trong việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng đang trở thành rào cản với tiến trình tăng cường hợp tác quân sự.

Hồi tuần trước, ông Duterte cho biết ông hy vọng Philippines và Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung ở khu vực bờ biển gần hòn đảo Mindanao.

Ông Duterte còn đề nghị Bắc Kinh điều động tàu tuần tra tới hỗ trợ Philippines chiến đấu chống lại các tay súng có quan hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trên biển Sulu.

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Philippines, ông Clarita Carlos, Tổng thống Duterte muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc trong khi hai quốc gia này lại chưa có "Thỏa thuận các lực lượng ghé thăm". Trong khi đó, Philippines lại ký kết và vẫn đang thi hành thỏa thuận này với Mỹ và Australia.

Còn theo một chuyên gia giấu tên thuộc Văn phòng Nghiên cứu chiến lược Philippines, một tổ chức có mối quan hệ mật thiết với hải quân Philippines, các cuộc tập trận chung với Bắc Kinh cần phải thông qua một văn bản viết tay và được xem là căn cứ để hai nước tiến hành diễn tập chung.

"Hiện hai bên vẫn còn đang cân nhắc thảo luận song phương và chi tiết về thời gian, địa điểm và quy mô các cuộc diễn tập. Nhiều khó khăn còn đang tồn tại nhưng chắc chắn, những vấn đề này sẽ được thảo luận song phương", chuyên gia này nói.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Knowfar, ông Zhou Chenming nhận định quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Philippines sẽ giúp Mỹ hiểu rõ hơn về cách mà hai quốc gia láng giềng châu Á tổ chức tập trận.

Tuy nhiên, hệ thống quân sự của Philippines có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ do đó nếu Trung Quốc và Philippines tổ chức diễn tập, quân đội Trung Quốc sẽ nhanh chóng nắm được phạm vi hoạt động của các hệ thống radar, tín hiệu và truyền thông quân sự Mỹ.

Đây chính là lý do Mỹ gia tăng sức ép buộc Philippines từ bỏ ý định tổ chức tập trận chung với Trung Quốc.

"Chúng tôi đang chủ động tích cực liên lạc để thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với Trung Quốc. Các quan chức quốc phòng hai nước cũng gặp mặt thường xuyên.

Chúng tôi đang có mối quan hệ quốc phòng tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực an ninh như chống khủng bố và chống tội phạm xuyên quốc gia", quyền Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo chia sẻ với tờ Sunday Morning Post.

Theo ông Carlos, Tổng thống Duterte cần sự đồng ý của Thượng viện trong việc thông qua Thỏa thuận các lực lượng ghé thăm với Trung Quốc. Đây chính là nền tảng để xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng và quân sự song phương.

"Ông Duterte nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện với tỷ lệ ủng hộ cao, do đó, ông ấy sẽ dễ dàng nhận được sự đồng thuận với Thỏa thuận các lực lượng ghé thăm", ông Carlos nói.

Ông Zhou cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng việc Trung Quốc và Philippines tổ chức các cuộc tập trận chung chỉ còn là vấn đề thời gian. Hai quốc gia này có thể bắt đầu bằng những cuộc tập trận phi truyền thống như chống khủng bố, cứu trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại