Philippines “đứng về phía Nhật Bản” trong vấn đề Biển Đông

Bùi Hùng |

Trong chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Philippines Duterte tỏ rõ lập trường “sẽ đứng về phía Nhật Bản”.

Tối (26/10 theo giờ Nhật Bản) Tổng thống Philippines Duterte đang ở thăm Nhật Bản, đã cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Đây có thể coi là cuộc hội đàm mang tính lịch sử trong việc xác nhận lại quan hệ truyền thống của hai nước, cũng như quan điểm của hai bên về những vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

“Đứng về phía Nhật Bản” trong vấn đề Biển Đông

Trong cuộc hội đàm, hai bên đã thống nhất tầm quan trọng của việc thực hiện theo pháp luật quốc tế đặc biệt là phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) hồi tháng 7 vừa qua trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy và làm phát triển quan hệ song phương. Ông cũng nói rõ ràng rằng sẽ liên kết hợp tác 3 bên bao gồm Mỹ để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Ông Duterte khẳng định Philippines mong muốn giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông dựa trên Luật pháp quốc tế và Luật Biển, đồng thời tỏ rõ lập trường “sẽ đứng về phía Nhật Bản”. Ông cũng nhấn mạnh rằng “Việc đưa ra lập trường ngoài phạm vi phán quyết là không thể”.

Ông Duterte nói: “Phán quyết về Biển Đông đã được đưa ra. Philippines sẽ theo Nhật Bản. Hãy yên tâm. Đó là lời hứa. Khi có gì đó xảy ra, nhất định sẽ đứng về phía Nhật Bản. Bởi vì những điều nói ra bây giờ không cần phải nói”.

Ngoài vấn đề Biển Đông được coi là mối quan tâm hàng đầu của dư luận, đặc biệt là truyền thông, vấn đề viện trợ kinh tế và tăng cường năng lực quân sự cho Philippines sẽ được coi là yếu tố sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với quan hệ hai nước trong tương lai.

Củng cố thêm niềm tin cho Philippines, Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc hội đàm cũng đã truyền đạt lại phương châm của Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác, tăng cường viện trợ ở lĩnh vực kinh tế và an ninh đối với Philippines.

Theo đó, ngoài việc cung cấp hai tàu tuần tiễu hạng nặng để tăng cường năng lực của Hải quân, sẽ đưa ra biện pháp cụ thể để cung cấp các khoản vay hỗ trợ phát triển kinh tế đối với khu vực kém phát triển của Philippines.

Trong khi đó, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Kinh tế Tài chính Nhật Bản, ông Ishihara Nobuteru kiêm Chủ tịch Liên minh hữu nghị Nhật Bản - Philippines, khi đề cập tới động thái tăng cường quân sự và hành động gia tăng của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông, Tổng thống Duterte đã nói rằng: “Trung Quốc nếu trở nên lớn mạnh, thì có khả năng sẽ xảy ra xung đột với Mỹ.

Chúng ta (ý nói cả Nhật và Mỹ) vì có lập trường chung đối với Trung Quốc nên phải hợp tác lẫn nhau”.

Không muốn có sự hiện diện của quân đội Mỹ

Tại Diễn đàn kinh tế Philippines được tổ chức tại Tokyo chiều ngày 26/10, khi đề cập tới sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Philippines, ông Duterte đã hy vọng rằng trong vòng hai năm tới sẽ giải tán được lực lượng đó ra ngoài và cũng lên tiếng yêu cầu Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam Philippines.

Đây là lần đầu tiên ông Duterte đề cập cụ thể tới thời gian mà quân đội Mỹ cần phải thực hiện việc rút quân.

Ông cũng chỉ trích sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này và tuyên bố rằng sẽ tiến hành chính sách ngoại giao độc lập, mong muốn quân đội nước ngoài ra khỏi Philippines.

Động thái này cho thấy rõ rằng Hiệp định quân sự Mỹ - Philippines được ký vào năm 2014 cho phép sự hiện diện của quân đội Mỹ trong trường hợp vấn đề Biển Đông căng thẳng sẽ được xem xét lại, không loại trừ khả năng một Hiệp định mới sẽ được ký kết, khiến hành động kiềm chế của Mỹ đối với Trung Quốc tại khu vực này khó khăn.

Liên quan tới việc trong quá khứ Philippines là thuộc địa của Mỹ, ông Duterte đã nêu quan điểm: “Chúng tôi không cần viện trợ của Mỹ vẫn có thể tiếp tục sống. Có thể chất lượng sống có thể sẽ bị giảm đi, nhưng chúng tôi vẫn tồn tại”.

Bên cạnh đó, khi nói tới chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, ông Duterte cho rằng mục đích chuyến thăm Trung Quốc chỉ vì “mục đích kinh tế” nhưng “muốn là bạn của Trung Quốc”. Đủ để thấy rằng chính quyền Duterte mong muốn duy trì quan hệ thân thiết với Trung Quốc.

Có thể nói tất cả những điều mà Nhật Bản cần biết và những điều ông Duterte cần nói, cần thể hiện rõ lập trường trong quan hệ với Nhật Bản đã được bao quát trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của ông Duterte.

Tuy đạt được những thỏa thuận ngoài sức hy vọng trong quan hệ tương lai với Philippines, nhưng lập trường có vẻ không thay đổi của ông Duterte với Trung Quốc, Mỹ và nguy cơ quân đội Nhật Bản cũng sẽ phải rút khỏi Manila sẽ khiến Nhật Bản chưa thật sự thoải mái.

Tuy nhiên có thể khẳng định rằng, chuyến thăm của ông Duterte tới Nhật Bản đã mang lại cho Nhật Bản một hy vọng mới trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông - điều mà cả Mỹ cũng đang đau đầu.

Như vậy, chiến lược an ninh của ông Abe với việc tham gia vào các sự kiện quan trọng ngoài phạm vi Nhật Bản tạm thời có thêm một sức mạnh mới, giúp ông củng cố niềm tin đối với dân chúng trong sách lược ngoại giao./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại