Phát hiện sinh vật lai mới hoàn toàn ở khu thảm họa hạt nhân Nhật Bản

Đăng Nguyễn |

Thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011 đã tạo nên một loài sinh vật lai độc nhất, một nghiên cứu mới công bố cho biết.

Phát hiện sinh vật lai mới hoàn toàn ở khu thảm họa hạt nhân Nhật Bản - Ảnh 1.

Lợn rừng lông đốm - dấu hiệu lợn rừng đã tiếp nhận mã gen từ lợn nhà - mới được phát hiện ở Nhật Bản.

Trong quá trình tìm hiểu ảnh hưởng của thảm họa hạt nhân đối với sinh vật sống trong khu vực, các nhà nghiên cứu nhận thấy các sinh vật không bị thay đổi cấu trúc gene do nhiễm phóng xạ.

Tuy nhiên, lợn rừng (tên khoa học: Sus scrofa leucomystax) đang ngày càng sinh sôi nảy nở ở nơi không có con người sinh sống.

Những con lợn rừng này đã phối giống với lợn nhà (Sus scrofa domesticus), trốn thoát khỏi các khu trang trại vì nông dân rời đi, dẫn đến việc tạo thành một loài sinh vật lai hoàn toàn mới.

Nghiên cứu do nhà khoa học Donovan Anderson, chuyên gia tại Đại học Fukushima ở Nhật Bản, thực hiện. Ông Anderson là người thường xuyên di chuyển sâu trong khu vực bỏ hoang sau thảm họa hạt nhân Fukushima.

Trong nghiên cứu, ông Anderson và các cộng sự đã phân tích mẫu ADN thu thập từ 243 con lợn rừng và lợn nhà. Kết quả cho thấy có 31 con vật, tương đương 16% là loài lai mới.

“Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng về sự lai tạo thành công giữa lợn rừng và lợn nhà ở Fukushima”, Anderson và các cộng sự cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về sinh vật lai này và đặc điểm sinh thái của chúng”.

Phát hiện sinh vật lai mới hoàn toàn ở khu thảm họa hạt nhân Nhật Bản - Ảnh 2.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi gặp sự cố nghiêm trọng sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.

Nghiên cứu không phát hiện mối liên hệ giữa phóng xạ và sự xuất hiện của loài sinh vật lai mới.

“Kết quả lai tạo này không liên quan đến phóng xạ”, Anderson cho biết. “Một số sinh vật ở Fukushima bị nhiễm phóng xạ nhưng không làm biến đổi kiểu gene của chúng”.

Lợn rừng ở Fukushima vẫn bị nhiễm xạ ở mức tương đối, dao động từ không phát hiện hạt phóng xạ cho tới mức 30.000 becquerel mỗi kg.

Với hàm lượng này, ảnh hưởng là rất lớn nếu thịt của những con lợn rừng bị nhiễm xạ được chế biến thành món ăn cho người, Anderson cho biết.

Phát hiện sinh vật lai mới hoàn toàn ở khu thảm họa hạt nhân Nhật Bản - Ảnh 3.

Lợn rừng phát triển mạnh ở Fukushima sau thảm họa hạt nhân.

Sau 10 năm kể từ khi thảm họa động đất và sóng thần gây rò rỉ phóng xạ ở Fukushima, nhiều người dân Nhật Bản vẫn ngần ngại trong việc quay về sinh sống.

Kết quả là lợn rừng trỗi dậy mạnh mẽ. Anderson nhận thấy lợn rừng hoạt động rất mạnh vào ban ngày thay vì tập tính quen thuộc là ban đêm.

“Do không bị đe dọa bởi con người, lợn rừng ngày càng phát triển mạnh hơn”, Anderson nói.

Chính phủ Nhật Bản ước tính cộng đồng lợn rừng đã tăng từ 49.000 vào năm 2016 tới 62.000 con vào năm 2018. Anderson và các cộng sự cho rằng, con số thực tế còn cao hơn nhiều.

“Chính phủ Nhật Bản đã rất nỗ lực giảm mức độ phóng xạ tới ngưỡng an toàn”, Anderson nói. “Nhiều khu vực đã có người sinh sống trở lại, nhưng nhiều nơi vẫn bị phong tỏa, đặc biệt là khu vực gần nhà máy điện hạt nhân”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại