Phát hiện hàng loạt sai phạm về công tác đào tạo sát hạch lái xe ở 6 tỉnh

Phạm Huyền |

Chỉ trong hơn 1 tháng tiến hành thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại các Sở GTVT cùng hơn 30 đơn vị thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 6 tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Đoàn thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện hàng loạt sai phạm, vi phạm các quy định đảm bảo an toàn giao thông.

Hệ thống phòng học, sân tập lái đều chưa đảm bảo chuẩn an toàn

Theo kết luận của đoàn thanh tra, ngay khi kiểm tra phần cơ bản nhất là hệ thống phòng học chuyên môn, đã có tới 5 đơn vị có phòng học thực tập bảo dưỡng sửa chữa hoặc phòng học Kỹ thuật lái xe không đủ trang thiết bị phục vụ giảng dạy; có 4 đơn vị có phòng học Pháp luật giao thông đường bộ thiếu tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ.

Tại Trung tâm dạy nghề GTVT Thành Nam (Ninh Bình) thì thiếu 1 phòng học Kỹ thuật lái xe; Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe PTS (Nghệ An) thiếu 1 phòng học Pháp luật giao thông đường bộ so với lưu lượng đào tạo lái xe được cấp; Trung tâm đào tạo lái xe ôtô Công ty cổ phần Vận tải dịch vụ và xây dựng Bắc Kạn có phòng học Kỹ thuật lái xe được bố trí trong lán xe, không phù hợp để tổ chức giảng dạy...

Về sân tập lái, có tới 6 đơn vị ghép chung hình bài tập lái “Qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc”, hoặc bài “qua đường vòng quanh co”, hoặc bài “Ghép xe ngang vào nơi đỗ” của một số hạng xe, không đúng quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP, như Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ (Tuyên Quang) có hình bài tập “Dừng và khởi hành xe trên dốc” và bài “Nhường đường cho người đi bộ” sử dụng chung với đường giao thông nội bộ của đơn vị, không đảm bảo an toàn giao thông khi tập lái xe trong hình; bài tập lái “dừng và khởi hành xe trên dốc” không có đường dốc xuống.

Có thời điểm đoàn thanh tra còn phát hiện có tới 30/31 đơn vị được kiểm tra có sân tập lái thiếu một số biển báo hiệu đường bộ hoặc vạch sơn kẻ đường, thanh ray đường sắt tại bài “Tạm dừng ở chỗ có đường sắt chạy qua” hoặc có biển báo hiêụ không đúng quy định.

Chưa dừng lại, khi kiểm tra phần xe tập lái, Đoàn thanh tra cũng phát hiện Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Tuyên Quang; Trường Cao đẳng kỹ thuật công nông nghiệp (Quảng Bình) có số lượng xe tập lái hiện không đáp ứng lưu lượng đào tạo lái xe ôtô được cấp; cùng đó còn có 7 đơn vị có một số xe ôtô tải tập lái không có mui che mưa, nắng hoặc không có ghế ngồi chắc chắn cho người học trên thùng xe; 5 đơn vị có một số xe ôtô tập lái không gắn biển xe tập lái.

Trong công tác tuyển sinh, có tới 17 đơn vị có một số hồ sơ học viên học lái xe không có đơn đề nghị học, sát hạch cấp GPLX, giấy chứng minh nhân dân...; 16 đơn vị có một số hồ sơ học viên học lái xe không có giấy khám sức khoẻ hoặc giấy khám sức khoẻ ghi ngày khám sau ngày khai giảng hoặc thiếu thông tin; 4 đơn vị có một số hồ sơ học viên học nâng hạng GPLX lên D,E không có bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn, bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên...

Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông vận tải cũng có tồn tại, sai sót

Không chỉ chỉ ra sai phạm và tồn tại ở các trung tâm sát hạch lái xe, đoàn thanh tra Bộ GTVT còn chỉ ra hàng loat tồn tại ở các đơn vị quản lý công tác đào tạo sát hạch lái xe.

Cụ thể, Sở GTVT Nghệ An cấp giấy phép lái xe tập lái cho 4 xe tải của Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Nghệ An khi thùng xe không có mui che, ghế ngồi cho học viên; Sở GTVT Bắc Kạn cấp 8 giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe chưa đúng quy định.

Thậm chí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Tuyên Quang chưa thường xuyên tổ chức kiểm tra các khoá đào tạo lái xe; Sở GTVT Bắc Kạn chưa lập biên bản giám sát các kỳ thi cấp chứng chỉ sơ cấp lái xe ôtô. 

Chất lượng kiểm tra công tác đào tạo lái xe của các Sở GTVT Bắc Kạn, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các thiếu sót trong công tác giáo vụ, đào tạo của các cơ sở đào tạo.

Sở GTVT Ninh Bình thường xuyên tổ chức lại kỳ sát hạch lái xe ngay trong ngày hôm sau cho số học viên không đạt của kỳ sát hạch ngày trước đó; không công khai kế hoạch tổ chức các kỳ sát hạch này trên trang thông tin điện tử của Sở theo quy định.

Sở GTVT Quảng Bình có kỳ sát hạch lái xe có thời điểm số lượng người trong phòng sát hạch lý thuyết nhiều hơn quy định...

Trước thực trạng trên, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu đề xuất hướng giải quyết kiến nghị của một số địa phương về việc kéo dài lộ trình thực hiện sát hạch lái xe mô tô hạng A1 sử dụng thiết bị chấm điểm tự động tại các địa bàn có khoảng cách đến trung tâm đô thị từ loại 3 trở lên dưới 100m.

Tăng cường kiểm tra công tác đào tại lái xe tại các cơ sở đào tạo do Tổng cục trực tiếp quản lý để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tồn tại.

Đồng thời yêu cầu các Sở GTVT Bắc Kạn, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình ngoài việc rút kinh nghiệm về các tồn tại thiếu sót trong công tác quản lý thì phải sớm khắc phục các tồn tại mà đoàn thanh tra đã nêu, thậm chí phải xử phạt nghiêm với các đơn vị vi phạm.

Mọi kết quả xử lý phải được thục hiện và báo cáo về Bộ trước ngày 30-5-2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại