Tại sao không tịch thu tài sản của Dương Chí Dũng?

Việc tịch thu tài sản của các bị cáo trong vụ án tham nhũng tại Vinalines không được tòa đề cập tới.

Ngoài mức án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, Tòa án nhân dân TP Hà Nội còn tuyên buộc hai bị cáo này phải bồi thường dân sự, mỗi bị cáo là 110 tỉ đồng. Tuy nhiên, về việc tịch thu tài sản của hai bị cáo này và 8 bị cáo còn lại trong vụ án tham nhũng tại Vinalines thì tòa không đề cập tới.

Theo án sơ thẩm, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều phạm cả hai tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 278 và Điều 165 Bộ luật Hình sự). 8 bị cáo còn lại đều bị xử tù về tội cố ý làm trái theo Điều 278.

Khoản 4 Điều 165 quy định: “Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Khoản 5 Điều 278 quy định: “Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Điều kỳ lạ là cho đến nay chưa có vụ án tham nhũng nào mà tòa án áp dụng điều luật “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” của người phạm tội cả.

Lý giải về sự kỳ lạ này, một luật sư cho biết về nguyên tắc, các tài sản bất hợp pháp đều phải tịch thu sung công quỹ. Trong trường hợp này rất khó chứng minh tài sản của bị cáo có nguồn gốc hợp pháp hay không hợp pháp. Ví dụ anh ta mua một căn nhà 10 tỉ nhưng lại nói là của ông bà cho thì khó xác minh lời của anh ta nói đúng hay không. Do đó việc tuyên tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc cần phải cân nhắc.

Thật ra ngay trong Khoản 4 Điều 165 và Khoản 5 Điều 278 đã chứa đựng sự bất hợp lý của quy phạm pháp luật về hình phạt. Bởi vì nó dùng từ “có thể”, nghĩa là tòa án áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tài sản cũng được mà không áp dụng thì cũng không… sai!

Tại sao khi đã đặt ra là một hình phạt bổ sung mà luật lại không quy định hẳn sự bắt buộc thay vì cho các tòa có quyền “thích thì áp dụng, không thích thì thôi” như vậy?

Trong nội dung hai khoản trên cũng tạo ra nhiều cách hiểu. Ví dụ “người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm” dẫn đến cách hiểu là có thể bị tịch thu tài sản, nhưng cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc trong một thời hạn nhất định và điều cấm này là bắt buộc. Hay trong Khoản 5 Điều 278, ta có thể hiểu là bị cáo bắt buộc bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong một thời hạn, có thể bị phạt tiền và có thể bị tịch thu tài sản. Tuy nhiên, nếu cắt câu chữ ra, ta cũng có thể hiểu rằng việc tịch thu tài sản là bắt buộc.

Trong các vụ án về mua bán trái phép chất ma túy, các tòa án thường xử phạt hình phạt chính và luôn kèm theo hình phạt tiền 5 triệu, 10 triệu, 20 triệu đồng là hình phạt bổ sung đối với mỗi bị cáo. Thế nhưng trong vụ án Vinalines, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ngoài hình phạt chính lại không bị tòa áp dụng hình phạt bổ sung về phạt tiền, tịch thu tài sản.

Điều này cho thấy luật pháp còn quá nhân nhượng với tội phạm tham nhũng nên chưa gây ra sự khiếp sợ đối với những quan chức có ý định “nhúng chàm”. Nếu xử lý mạnh tay, các tòa hoàn toàn có quyền tuyên tịch thu toàn bộ tài sản (dù đó là tài sản hợp pháp) của kẻ phạm tội để răn đe.

Việc tịch thu toàn bộ tài sản của kẻ phạm tội, nhất là tội phạm tham nhũng – những kẻ “sâu mọt” gây hại cho đất nước, sẽ là đòn giáng nặng nề vào tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con” lâu nay vẫn râm ran trong dư luận khi nói về các quan chức tham nhũng.

Thiết nghĩ để đẩy mạnh hơn nữa công tác chống tham nhũng, các bộ ngành liên quan cần ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào của án tham nhũng bắt buộc tòa án phải tuyên tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của quan chức phạm tội.

Hình phạt tịch thu tài sản là một trong các loại hình phạt bổ sung (cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc quyền hạn hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản, phạt tiền khi không là hình phạt chính, trục xuất khi không là hình phạt chính), ngoài các hình phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình).

Đối với mỗi tội, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung.

Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án sung quỹ nhà nước.

Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp do Bộ luật Hình sự quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại