Ông Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh thiệt hại

Theo Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh, các trường hợp án oan như của ông Nguyễn Thanh Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế.

 Toàn cảnh vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử oan ÁN OAN 10 NĂM

Chỉ được bồi thường nếu chứng minh được thiệt hại

Ngày 3/12, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng tại TP Hà Nội. Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện về tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng.

Tại đây, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước cho biết: Cục Bồi thường Nhà nước cũng đã tham mưu cho Bộ Tư Pháp những thiệt hại xác định được theo định lượng để tính toán bồi thường cho ông Chấn như tổn thất tinh thần trong thời gian bị giam giữ tù oan (khoảng 560 triệu).

Các khoản khác ông Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế, từ đó các cơ quan thẩm quyền sẽ có cân nhắc, quyết định bao gồm cả những thiệt hại về tài sản bị xâm phạm, tài sản thu nhập thực tế bị mất,…


	Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước. (Ảnh: TPO)

Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước. (Ảnh: TPO)

Ông Tịnh cũng cho biết thêm, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực tố tụng hình sự năm 2013 chứng kiến vụ yêu cầu bồi thường của ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình điển hình nhất.

Ngày 26/8/2013, Hội đồng xét xử TAND TP Thái Bình đã tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi số tiền trên 21 tỷ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông.

Ông Phi được coi là nạn nhân của vụ án oan lớn nhất tỉnh Thái Bình, lớn cả về tính chất vụ việc ở thời điểm ông bị bắt đến cả sự phức tạp, gian truân suốt 10 năm đi đòi bồi thường oan sai. Số tiền TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi cũng là số tiền lớn nhất mà cơ quan tố tụng buộc phải bồi thường cho người bị oan sai từ trước đến nay.

Đây là số tiền không hề nhỏ và tiền ngân sách đã phải “gánh” cho lỗi của một số người tiến hành tố tụng gây ra cả chục năm trước đây, bởi vì số tiền mà những cán bộ, công chức trực tiếp gây oan sai phải hoàn trả khá khiêm tốn so với mức Nhà nước bỏ ra để bồi thường.

Liệu ông Chấn có thể chứng minh?

Luật sư Vũ Thị Nga - Ủy viên Hội đồng Luật sư Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Lý Việt cho biết: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được ban hành và có hiệu lực là một bước tiến lớn trong quá trình thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành, thực tế quá trình tư vấn pháp luật cho khách hàng, việc áp dụng luật này đang gặp phải những khó khăn cơ bản như: Tâm lý e ngại khi phải làm đơn yêu cầu khởi kiện vụ án đòi bồi thường của người bị hại và tâm lý e ngại của chính các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phải giải quyết chính việc của cơ quan mình gây ra, dẫn tới việc giải quyết bồi thường sẽ không được thực hiện một cách nhanh chóng, khách quan và đúng pháp luật.


	Luật sư Vũ Thị Nga, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Lý Việt. (Ảnh: TPO)

Luật sư Vũ Thị Nga, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Lý Việt. (Ảnh: TPO)

Ngoài ra, việc xác định hành vi của người có thẩm quyền “biết rõ là trái pháp luật” rất khó khăn. Đồng thời, yếu tố lỗi của người có thẩm quyền cũng không được quy định rõ ràng, bởi nếu bản án, quyết định bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm thì trong các quyết định đó cũng không có nhận định là người ra bản án, quyết định có hành vi trái pháp luật mà thực tiễn chỉ nhận định do không đủ các cơ sở, căn cứ pháp luận để kết tội.

Đối với nhiều vụ án hình sự oan sai, luật sư Nga cho rằng, thực tế sai phạm bắt đầu xuyên suốt từ quá trình điều tra, truy tố đến xét xử.

Chẳng hạn như vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, có những tình tiết rõ ràng từ khi xét xử sơ thẩm đã có như quá trình chị Nguyễn Thị Hoan bị giết đã bị cướp mất hai chiếc nhẫn vàng, song các cơ quan tiến hành tố tụng ở Bắc Giang đã không đưa vào. Nếu xem xét ngay từ đầu thì ông Chấn đã không bị xét xử oan sai.

Trước đó, trao đổi với báo Đất Việt ngày 22/11, Luật sư Nguyễn Thanh Điệp, thuộc Đoàn luật sư Hải Phòng cho biết: “Để chứng minh mình bị bức cung, nhục hình, bị can phải đưa ra bằng chứng. Nhưng trong phòng hỏi cung chỉ có điều tra viên và bị can. Vì vậy, việc các tòa yêu cầu bị can cung cấp chứng cứ mình bị đánh đập, bức cung là hoàn toàn bất khả thi. Do vậy, cần có một biện pháp để giám sát việc hỏi cung này”.

Cũng về vấn đề liệu bị can có thể chứng minh mình đã bị ép cung? Luật sư Lê Quốc Đạt (Công ty luật Trí Tuệ, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Chứng minh bị ép cung là điều không thể vì từ xưa tới nay chỉ có những người tiến hành tố tụng mới có quyền và có đủ điều kiện để chứng minh hành vi phạm tội.

Còn người đã bị bắt tạm giữ, tạm giam thì không bao giờ làm được điều này vì họ bị thân cô thế cô và bị hạn chế rất nhiều, kể cả quyền cơ bản của con người, không có bất cứ công cụ, phương tiện gì và chỉ có một mình mà thôi”.

Còn để chứng minh mình thiệt hại về mặt thực tế, điều này là thiếu khả thi và khó có thể thực hiện một cách chính xác với một người nông dân, lao động như ông Nguyễn Thanh Chấn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại