Người chồng ngồi tù 16 năm không một lần trả lời thư vợ

Giận vợ không nghe lời để rồi nối gót chồng vào tù nên suốt 16 năm cải tạo, Chuyền không một lần gửi thư cho vợ mặc dù tháng nào người đàn bà ấy cũng gửi thư thăm chồng.

Tâm sự với chúng tôi, Nguyễn Hữu Chuyền, người chồng “thù dai” ấy bảo còn một năm nữa là mãn hạn tù, lúc đó sẽ ra trại Xuân Nguyên thăm vợ để mắng chị ta một trận cho bõ tức.

Rao bán thuốc phiện, gặp đúng Công an

Nét mặt khó đăm đăm với đôi môi mỏng mím chặt, Chuyền đổ mọi tội lỗi lên đầu người vợ đang thi hành án chung thân ở trại giam Xuân Nguyên. Lý giải về việc tù tội của mình, Chuyền bảo tại mình ham giàu mà cũng vì gia đình, còn lỗi lầm của vợ anh ta thì không thể chấp nhận được. Theo anh ta, nếu vợ “cứ bám lấy cái quán hàng xén tại nhà, chăm chỉ nhặt nhạnh cũng đủ nuôi hai con khôn lớn”. Đằng này, vợ Chuyền lại không cam chịu khiến hai đứa con phải dở dang chuyện học hành và đó chính là nguyên nhân khiến Chuyền giận, đến giờ vẫn không một lần hồi âm thư của vợ.

Chuyền là người xứ Thanh nhưng lại lập nghiệp ở Mộc Châu, Sơn La. Là công nhân nông trường nhưng sau khi chọn được vợ cũng là người Thanh Hóa, cả hai bỏ ra ngoài làm ăn, buôn bán nhỏ. Xuất thân từ vùng quê nghèo khó nên vợ chồng Chuyền rất chăm chỉ lao động. Thế nên, khi có với nhau hai mặt con, họ đã gây dựng được một căn nhà mái bằng kiên cố. Vừa chăn nuôi, trồng trọt lại mở quán bán hàng thêm, kinh tế gia đình Chuyền khá vững nhưng với Chuyền, như thế vẫn chưa đủ. “Tôi muốn trong nhà phải có tiện nghi đầy đủ, muốn con cái được học trường huyện và đó chính là lý do đẩy tôi vào tù”, Chuyền kể.

Theo lời Chuyền thì khoảng giữa năm 1995, có một người đàn ông ghé vào quán tạp hóa nhà Chuyền, đề nghị mua giúp vài tạ lạc, nếu được sẽ trả công chênh lệch. Có thù lao là Chuyền đồng ý song chỉ một thời gian ngắn hợp tác làm ăn, người đàn ông trên đề nghị Chuyền mua hộ cả nhựa thuốc phiện, một món hàng mà ở thời điểm đó không phải là khan hiếm. Lần đầu tiên mua hộ anh ta 5kg nhựa thuốc phiện, Chuyền được trả công một triệu đồng. Nghĩ buôn thuốc phiện về xuôi chắc được giá nên ky cóp được bao nhiêu tiền, Chuyền dùng để mua thuốc phiện, mỗi lần một ít. Sau hai năm ky cóp, mua được khoảng 40kg nhựa thuốc phiện, Chuyền quyết định “xuống núi”. Đó là năm 1997.

Không giống như suy nghĩ của Chuyền, sau chặng đường từ Mộc Châu về Hà Nội, Chuyền mới ngỡ ngàng khi nhận ra rằng giữa biển người tấp nập qua lại ấy, làm sao tìm được chỗ để tiêu thụ bao tải hàng quốc cấm. Vật vờ một đêm ở bến xe với chiếc bao tải khư khư bên mình vì sợ mất, anh nhà quê lần đầu xuống phố quyết định ra chợ Hôm, hỏi những người trong chợ xem ai có nhu cầu mua thuốc phiện thì bán. Người đầu tiên Chuyền chào hàng, trớ trêu thay lại là một trinh sát đang hóa trang thâm nhập địa bàn, thế là Chuyền bị bắt và phải trả giá bằng bản án 17 năm tù. Chuyền bảo lúc mới bị bắt không hình dung được bản án dành cho mình nên cứ khóc vì tiếc của. Số tiền mà Chuyền dành dụm rồi bán cả mảnh vườn đang tăng gia sản xuất để mua 37kg thuốc phiện tính ra ngót nghét 150.000.000 đồng, một gia tài lớn thời điểm bấy giờ.

16 năm nhất quyết không viết thư cho vợ

Bị kết án 17 năm tù, Chuyền về trại giam Nam Hà cải tạo. Đang thi hành án thì người đàn ông hay lên Sơn La thu mua nông sản ngày nào bị bắt và từ lời khai của anh ta, Chuyền được tặng thêm 3 năm tù nữa, tổng hình phạt của hai lần phạm tội mua bán, vận chuyển ma túy là 20 năm tù giam. Bốn năm đầu cải tạo ở trại giam Nam Hà, Chuyền luôn được vợ xuống thăm nuôi.

Thấy vợ tháng nào cũng chăm xuống trại giam thăm chồng, Chuyền cũng sinh nghi, tìm cách khuyên vợ đừng có dính vào việc mình đã làm rồi tương lai của hai con lỡ dở nhưng vợ anh ta chỉ vâng vâng, dạ dạ. “Lần nào xuống thăm tôi, “nó” cũng bảo tiện đường đi Hải Phòng thăm người nhà thì ghé vào thăm tôi. Gia đình “nó” làm gì có người thân ở Hải Phòng, “nó” ra đấy để gặp nhân tình nhưng tôi không ghen, tôi lo điều khác cơ, vậy mà đúng thế”, Chuyền kể, đôi môi càng mím chặt. Theo lời Chuyền thì sau 4 năm anh ta vào tù, vợ anh ta bị bắt vì tham gia vào một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Sơn La về Hải Phòng. Bị kết án chung thân, người đàn bà ấy về trại giam Xuân Nguyên cải tạo, còn hai đứa trẻ coi như chuyện học hành đứt đoạn.

“Tháng nào cô ấy cũng viết thư cho tôi, khóc rồi xin lỗi nhưng tôi không trả lời. Tôi giận lắm vì khuyên nhủ “nó” thế mà “nó” không nghe. “Nó” nghe tôi thì giờ này con tôi đâu phải lang thang, vất vưởng. Hai đứa trẻ học giỏi thế, vậy mà… Tại “nó” mà đời hai đứa con tôi khổ”, Chuyền kể tiếp. Không xót vợ vào tù, Chuyền chỉ thấy thương và lo cho hai đứa con trai, không biết chúng sống ra sao với nỗi mặc cảm về bố mẹ. Bao xót xa, đau khổ, Chuyền dồn cả vào trang viết gửi về cho cha mẹ và hai con ở Thanh Hóa. Cũng may là hai đứa con Chuyền đều ngoan ngoãn, có nghị lực nên tuy không học hành đến nơi đến chốn song giờ đều có công việc ổn định. Chuyền bảo cả hai con đều lập nghiệp ở Sài Gòn, đợi bố về mới tính chuyện xây dựng gia đình.

“Tôi không viết thư trả lời nhưng sẽ ra thăm cô ấy để cho cô ấy biết mình là người đàng hoàng, không hão huyền, hứa hẹn”, Chuyền tâm sự. Rồi Chuyền khoe về hai con trai, bảo vẫn còn may vì đó là cái đích để hy vọng và muốn sống. Hơn lúc nào hết, Chuyền mong sớm được mãn hạn để có mặt trong ngày vui của các con, coi như một lời chuộc lỗi với chúng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại