Lương y phá án

huongngan |

“Bí kíp” của bà là khả năng nhận diện huyệt trai trinh sau nhiều năm nghiên cứu.

Một lương y chuyên ngành phục hồi chức năng, tay chẳng tấc sắt, "pháp thuật" cũng không, lại đi làm thay công việc của cơ quan tố tụng nhờ vào khả năng đặc biệt, đã minh oan cho không ít thanh niên đang phải ngồi tù. “Bí kíp” của bà là khả năng nhận diện huyệt trai trinh sau nhiều năm nghiên cứu.

Tìm ra huyệt trai trinh trong pho sách cổ

Ngoài giờ làm ở bệnh viện, bà Hồng còn tranh thủ khám chữa bệnh miễn phí cho bà con lối xóm.Chúng tôi gặp lương y Phạm Thị Hồng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vào cuối ca trực buổi chiều. Cảm nhận đầu tiên về bà đó là một người có khuôn mặt phúc hậu, dễ gần. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, bà vừa lôi trong ngăn kéo bàn làm việc ra một tập đơn dày cộm. "Hàng nghìn lá đơn gửi đến tôi xin được đi minh oan cho con, cháu họ. Nhưng sức người có hạn, tôi lại đang phải công tác tại bệnh viện. Nếu có em nào đó thật sự bị oan, tôi sẽ giúp nhưng không thể đi xem huyệt cho hàng nghìn người như thế này được", lương y Phạm Thị Hồng kể.

Sau khi biết lương y Phạm Thị Hồng có thể nhìn được huyệt Dương Minh để nhận biết được thanh niên đã quan hệ tình dục hay chưa, đặc biệt khi bà đã trực tiếp ra tay cứu 3 chàng trai ở Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội thì những lá đơn kêu cứu bay đến nhà bà từ mọi miền của đất nước. Nói về ngọn nguồn của việc tìm ra huyệt trai trinh, bà Hồng cho biết, cùng lúc học về ngành y, bà còn là người đam mê đọc sách, đặc biệt là những pho sách cổ nói về Đông y. Rồi như ai xui khiến, bà say mê nghiên cứu về những huyệt đạo, quy luật âm - dương của cơ thể con người. "Tôi tìm đọc hết tất cả những cuốn sách cổ về y thuật nếu bắt gặp, nó lôi cuốn và thú vị lắm", bà nói.

Rồi một ngày, những lý thuyết được học và tự nghiên cứu trong sách vở của bà cũng có cơ hội kiểm chứng khi một cán bộ trại giam Xa La (Hà Tây cũ) dẫn đến một phạm nhân bị liệt nửa người. Sau khi được châm huyệt Thuỷ Tiền, bệnh tình vừa đỡ thì phạm nhân đã khóc lóc kêu oan. Đó là Nguyễn Đình Lợi ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội, phải ngồi tù vì hành vi hiếp dâm, cướp tài sản. Trước khi gặp lương y Phạm Thị Hồng, Lợi đã thụ án bước sang năm thứ 9. Xem huyệt Dương Minh ở dái tai, lương y Hồng tin lời Lợi kêu oan là đúng.

Sự “lì lợm” đến khó tin

Ba chàng trai Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Kiên (xã Yên Nghĩa, Hoài Đức, Hà Nội) đã được lương y Phạm Thị Hồng minh oan trong kỳ án “Huyệt trai trinh”. Ảnh: TL

"Chẳng ai biết và tin vào cái huyệt Dương Minh của tôi cả. Huyệt đâu? Dương Minh là cái gì? Mổ ra có thấy "cục" huyệt không? Khoa học chưa công nhận? Tôi biết vậy nhưng tôi tin vào khả năng của mình. Nhìn huyệt là niềm tin chỉ cho tôi rằng các cháu bị oan. Bất cứ vụ án oan nào cũng sẽ có những điều vô lý trong hồ sơ… Từ đó mà tôi kêu oan giúp các cháu", bà Hồng nói.Lúng túng chưa biết phải làm thế nào về trường hợp của Lợi, bà đi gặp Giáo sư Nguyễn Tài Thu để được góp ý. "Sau khi nghe chuyện tôi kể, giáo sư đã hết sức ái ngại, bảo rằng kiện tụng liên quan đến vấn đề pháp luật, không phải chuyện đùa. Cái huyệt này chỉ những người am tường về y thuật phương Đông mới hiểu. Chưa có công trình khoa học nào được thừa nhận. Nói cho ai hiểu bây giờ?!", bà Hồng kể lại.

Sau khi gặp Giáo sư Tài Thu, bà lại thêm hoang mang, không biết nên bắt đầu từ đâu. Nhưng niềm tin mãnh liệt vào huyệt đạo mình có thể nhìn thấy đã xui khiến bà đến tìm gặp người nhà phạm nhân xin tài liệu về vụ án, rồi lên Viện KSND xin đọc hồ sơ. Bà tìm thấy rất nhiều lập luận thiếu lô-gích trong những bản hồ sơ này.

"Không cần đến sự nhờ cậy của người nhà phạm nhân, tôi đã lẳng lặng viết đơn kêu oan cho các cháu. Hàng trăm lá đơn, đi đến 36 cơ quan là những nơi liên quan đến vụ việc này. Phần lớn những lá đơn đó đã bặt vô âm tín, phần còn lại được hồi âm khẳng định rằng bản án đã được tuyên đúng người đúng tội. Họ còn in cả bản tự thú của phạm nhân", bà Hồng kể.

Trong thời gian đó, thỉnh thoảng lại có những cú điện thoại nửa đêm gọi đến hăm doạ bà, rồi trong thời gian ngắn bà mất tới 4 chiếc xe máy trong quá trình đi kêu oan. Bức xúc đến nghĩ quẩn, đã có lúc bà tính chuyện quyên sinh để chứng minh nhận định của mình là đúng. Bà cho rằng, sau cái chết của mình sẽ có người lật lại toàn bộ hồ sơ sự việc. "Tôi cũng đã nghĩ đến việc gửi hai đứa con của mình cho người nhà nuôi nấng để theo đuổi vụ kiện", bà Hồng kể lại.Với sự “lỳ lợm” đến khó tin ấy, cuối cùng câu chuyện của bà cũng đến được nơi cần đến. Sau đó Viện KSND Tối cao đã xem xét lại bản án. Và sau hơn 3 năm gõ cửa hết cơ quan này đến cơ quan khác của bà, các cơ quan tố tụng có công văn gửi các cấp lãnh đạo thừa nhận: "Quá trình điều tra và xét xử có những thiếu sót, cơ quan điều tra đã thiếu khách quan, không đầy đủ và triệt để, những chứng cớ gỡ tội chưa được xác minh làm rõ".

Ngày 2/3/2010, ba thanh niên ở Yên Nghĩa được trả tự do. Cũng từ đó, nhiều người khắp mọi miền đất nước đã đến nhờ cậy bà phát hiện con mình có bị oan hay không. Ngoài giờ làm ở bệnh viện, về đến nhà bà phải tiếp những vị khách không mời, trả lời hàng trăm lá thư xin sự giúp đỡ. Trong năm 2010, do bận công việc ở bệnh viện nên bà chỉ tranh thủ thời gian kêu oan giúp 7 thanh niên ở Phú Yên và 6 em ở Tứ Kỳ, Hải Dương. "Các cháu ở Phú Yên chuẩn bị được thả rồi. Vụ án 6 cháu ở Tứ Kỳ, Hải Dương cũng chuẩn bị được xem xét hồ sơ", bà mừng rỡ thông báo.

Theo Giadinh.net

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại