Gặp họa vì đưa "sát thủ" đồng tính về nhà

Với nước da trắng trẻo, gương mặt khá bầu bĩnh, tóc nhuộm vàng hoe, xù nơi đỉnh đầu kiểu Hàn Quốc sành điệu, trông Tuyên khá điển trai nên thu hút được sự chú ý của đám dân “gay”.

Gặp họa vì đưa "sát thủ" đồng tính về nhà
Đàm Văn Tuyên và hiện trường vụ án

Gia đình Tuyên ở trên Bắc Lũng, Lục Nam, Bắc Giang nhưng anh ta phải xuống Hà Nội sống lang thang. Đúng ra thì có thời gian Tuyên đi làm thợ hồ, song công việc này nặng nhọc, thu nhập thấp nên bỏ việc. Bố mẹ Tuyên chỉ làm ruộng, cảnh nhà nghèo túng nên mẹ Tuyên tìm đường ra nước ngoài đi xuất khẩu lao động. Vài năm sau, bà mang tiền về cho bố Tuyên xây được ngôi nhà 2 tầng khá khang trang. Ít lâu sau, bà lại lên đường tìm sang Ma Cao làm giúp việc gia đình.

Bố Tuyên không cam chịu ở nhà làm ruộng nên kéo luôn người anh và cậu em trai của anh ta theo tốp thợ xây trong làng đi làm ăn xa. Lớn lên thiếu sự chăm sóc của mẹ và sự dạy dỗ của bố nên học đến lớp 8 thì Tuyên bỏ học.

Năm 2005, khi đó Tuyên 17 tuổi, anh ta cũng từng mò vào các tỉnh miền Nam kiếm sống nhưng chỉ được vài năm lại quay ra. Đến năm 2008, Tuyên lừa một người bạn lấy chiếc xe máy đem bán lấy tiền tiêu nên bị cơ quan pháp luật tỉnh Bắc Giang xử phạt 12 tháng tù giam.

Sau khi mãn hạn tù, Tuyên đi theo nhóm thợ xây trong làng làm phụ hồ nay đây mai đó. Hơn một tháng trước, Tuyên bỏ việc mò xuống Hà Nội kiếm việc làm. Ngày lang thang, dặt dẹo, tối Tuyên lấy ghế đá công viên làm giường ngủ.

Chính thời điểm này, Tuyên quen biết với đám dân “gay” đường phố thường tụ tập ở khu vực Bờ Hồ, hồ Thiền Quang, vườn hoa Lý Tự Trọng… Lâu dần, Tuyên học được vài ngón nghề moi tiền từ những người đàn ông thiếu thốn “tình cảm”. Với nước da trắng trẻo, gương mặt khá bầu bĩnh, tóc nhuộm vàng hoe, xù nơi đỉnh đầu kiểu Hàn Quốc sành điệu, trông Tuyên khá điển trai nên thu hút được sự chú ý của đám dân “gay”.

Ngồi được một lát, Tuyên thấy có một người đàn ông tầm ngót 60 tuổi, dáng người hơi đậm, chân đi tập tễnh, bước tới làm quen. Chỉ vài câu trao đổi, Tuyên đã biết ngay người đàn ông này là dân “xăng pha nhớt”. Qua trò chuyện, người đàn ông ấy giới thiệu tên là Bình. Thấy ông Bình thỉnh thoảng lại cúi xuống đấm bóp chân, kêu đau với than khổ, muốn có người “chăm sóc”, Tuyên bảo: “Thế thì để con đưa về”. Đúng ý, ông Bình vui vẻ chấp nhận ngay. Gọi chiếc taxi, hai người lên ghế sau ngồi. Ngồi cạnh Tuyên, ông ấy cứ sán lại, bá vai bá cổ rồi vòng tay ôm lấy Tuyên.

Xe chạy đến gần chợ Quảng An, ông Bình bảo dừng lại rồi đưa 40 ngàn đồng cho Tuyên xuống chợ mua giò chả, bởi có tuổi nên răng ông khá yếu. Thế nhưng một lát sau, Tuyên chạy ra, tay xách miếng thịt lợn sống chứ không phải giò chả. Thấy thế, ông Bình không bằng lòng, bắt anh ta quay lại đổi lấy giò chả. Sau đó, Tuyên theo ông về căn nhà riêng ở sâu trong ngõ 1, đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ.

Vừa bước vào, ông Bình khóa nghiến ngay cổng lại rồi sai Tuyên đi nấu cơm. Sờ đến bếp núc, Tuyên tỏ ra khá lúng túng, vụng về. Thấy thế, ông Bình mắng Tuyên là “đồ nhà quê”, vô dụng. Tự ái, anh ta vùng vằng định bỏ đi. Ông Bình bảo: “Nếu về thì ăn cơm xong hẵng về. Đứng đấy mà xem bố làm”.

Một lát sau, mâm cơm thịnh soạn được sắp ra. Thấy Tuyên vẫn còn mặc chiếc áo sơ mi cùng chiếc quần bò, ông Bình khuyên lấy quần áo của ông đi thay nhưng anh ta không nghe. Sau vài chén rượu, ông Bình trò chuyện với Tuyên khá cởi mở, thân tình. Ông bật mí cho Tuyên biết mình khá giàu có, trong tay có khoảng 3 tỷ đồng do mới nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Nghe đến tiền, lòng tham trong lòng Tuyên nổi lên. Một ý nghĩ phạm tội chợt lóe lên trong đầu anh ta.

Dốc nốt chỗ rượu còn lại vào chén, ông Bình nhờ Tuyên chạy xuống bếp lấy bình rượu khác. Thấy con dao phay dưới gầm chạn trong bếp, Tuyên giấu trong người rồi cầm bình rượu đi lên. Bước lên nhà, lợi dụng lúc ông Bình ngồi quay lưng lại, Tuyên bất ngờ vung dao chém mạnh một nhát vào cổ khiến ông ngã gục ngay xuống nền nhà, không kêu được một tiếng nào. Tuyên còn bồi tiếp 2 nhát chém nữa vào đầu và gáy để nạn nhân không còn khả năng sống sót.

Sau đó, Tuyên còn lật ngửa người ông Bình lên chém tiếp. Biết nạn nhân đã chết, Tuyên vuốt mà hai mắt ông vẫn mở trừng trừng khiến kẻ sát nhân run sợ phải lấy tấm khăn phủ lên mặt. Sau đó, Tuyên lột 2 chiếc nhẫn bạc, 1 dây chuyền bạc, 1 lắc tay bạc, 1 điện thoại di động Nokia trên người ông Bình. Lục lọi khắp người và trong nhà, Tuyên chỉ thấy trong chiếc ví có 190.000 đồng. Anh ta nhặt lấy tiền, còn chiếc ví quẳng lại bên xác nạn nhân. Thấy đôi giầy thể thao đang đi có dính máu, Tuyên tháo ra vứt lại, lấy đôi giầy vải đen của ông Bình đi vào rồi trèo tường ra ngoài, bỏ trốn.

Ba ngày sau, bà Thanh, người giúp việc cho gia đình người chị dâu ông Bình sống gần đó, được gia chủ sai mang hoa quả mới đi lễ chùa về, đem sang cho chú em chồng sống đơn thân. Đến nơi, bà Thanh thấy cửa nhà khóa, gọi không ai thưa. Đứng một lát, bà Thanh ngửi thấy có mùi như mùi chuột chết bay ra nên chạy về báo với người chị dâu ông Bình.

Khi cánh cửa nhà được mở ra, mọi người bàng hoàng phát hiện ông Bình nằm chết trong nhà, thi thể đang trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi nồng nặc, đồ đạc trong nhà bị lục tung, một số tài sản bị mất. Khám nghiệm tử thi xác định, nạn nhân tử vong bởi 8 vết thương ở vùng đầu và cổ.

Các dấu vết lưu lại hiện trường cho thấy ông Bình bị hạ sát khi đang cúi lom khom trong phòng, chân còn đi dép. Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu được con dao phay được xác định là con dao hung thủ dùng sát hại nạn nhân, 1 đôi giày bata buộc giây màu đen, nhãn hiệu D&B, dưới đế giày có dính nhiều máu. Đôi giày này được xác định không phải là tài sản của nạn nhân. Đặc biệt, trong khi khám nghiệm, các trinh sát kỹ thuật hình sự thu được dấu vân tay khá nét trên chiếc hộp sắt để gần tủ thờ. Khả năng, khi lục soát tìm tài sản, hung thủ đã mở chiếc hộp này và vứt lại hiện trường?

Gặp họa vì đưa "sát thủ" đồng tính về nhà
Đàm Văn Tuyên tại tòa

Theo người nhà nạn nhân, ông Bình sống độc thân trong căn nhà này từ vài chục năm nay. Ông sống khá kín đáo, ít tiếp xúc với bà con xung quanh. Mấy tháng trước, ông Bình được đền bù giải phóng mặt bằng một khoản tiền khá lớn nhưng số tiền này ông gửi người chị gái, lấy tiền ăn dần nên trong nhà không bao giờ có tiền.

Có thông tin của những người hàng xóm khiến các trinh sát Phòng PC45 CATP Hà Nội chú ý, từ khi có khoản tiền đền bù, họ thấy ông Bình cứ dăm bữa, nửa tháng lại đưa một nam thanh niên còn rất trẻ về nhà ăn ngủ. Sau vài ngày ở lại, những nam thanh niên này ra về thì ông Bình có tâm trạng hết sức vui vẻ, yêu đời, thậm chí họ còn nghe thấy ông huýt sáo.

Một số người hành nghề chạy xe ôm, lái taxi gần nhà ông Bình cho biết, nhiều lần họ được nạn nhân thuê đưa đến các khu vực Bờ Hồ, hồ Thiền Quang, vườn hoa Lý Tự Trọng… là những nơi có “chợ” của dân đồng tính. Từ thông tin thu thập được, các trinh sát nhận định, ông Bình là người đồng tính. Tuy nhiên cách sống khép kín của nạn nhân khiến công tác điều tra gặp không ít khó khăn.

Hàng trăm mối quan hệ của nạn nhân được tập trung rà soát nhưng không thu được kết quả gì đáng chú ý. Chuyển hướng điều tra, tập trung vào số dân “gay” thường tụ tập ở khu vực “chợ” đồng tính ở Bờ Hồ và hồ Thiền Quang…, các trinh sát cũng phát hiện 2 nam thanh niên có “quan hệ” tình cảm lâu nhất với ông Bình từ năm 2006, 2007 nhưng cả hai người này đều được loại ra khỏi diện nghi vấn.

Một số nhân chứng cung cấp nguồn tin quý giá, ba ngày trước khi xảy ra vụ án, họ có thấy ông Bình dẫn một nam thanh niên trẻ, khá đẹp trai, tóc nhuộm hoe vàng sành điệu, đi đôi giầy bata trùng khớp với đôi giày để lại hiện trường… về nhà mình. Họ còn nhìn rõ, ông Bình đeo một chiếc nhẫn bạc có gắn đá. Còn đám dân “gay” ở khu vực Bờ Hồ cho biết, trước đây một nam thanh niên có đặc điểm nhận dạng giống nghi phạm mà nhân chứng cung cấp thường xuất hiện ở khu vực Bờ Hồ vào các buổi chiều nhưng từ sau hôm xảy ra vụ án mạng không thấy hắn có mặt ở đây. Đối tượng này quê ở Bắc Giang.

Từ các nguồn tin, cơ quan điều tra sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với giám định dấu vết vân tay để lại trên chiếc hộp sắt xác định, nghi can là Đàm Văn Tuyên, sinh 1988, ở Bắc Lũng, Lục Nam, Bắc Giang. Tuy nhiên, khi trinh sát tìm lên Bắc Lũng thì Tuyên không có mặt ở nơi cư trú. Bố và anh em Tuyên đi làm ăn xa nhà nhưng khi được trinh sát tìm gặp cũng không biết anh ta hiện ở đâu. Theo một số nguồn tin, có thể Tuyên theo một số thợ xây cùng quê hành nghề ở Hà Nội. Lập tức, Ban chuyên án huy động lực lượng rà soát hàng trăm nhóm thợ xây người Bắc Giang đang xây dựng các công trình ở Hà Nội.

Hai ngày sau, trinh sát nhận được thông tin, trong nhóm thợ quê ở Bắc Giang đang trùng tu chùa Giao Quang, ở Xuân Nộn, Đông Anh, có một đối tượng có mặt mũi, hình dáng giông giống nghi phạm. Sau khi bố trí lực lượng bao vây ngôi chùa, trưa hôm ấy, các trinh sát thọc ngay vào chiếc lán dựng tạm dùng làm nơi nghỉ ngơi của đám thợ thì thấy hoàn toàn trống vắng. Sờ vào chiếc gối vẫn thấy ấm hơi người, các trinh sát nhìn xuống dưới gầm gường thì phát hiện và lôi ra một gã thanh niên còn trẻ, đầu cắt trọc lốc đang nằm dán mình xuống đất. Tuy đầu cắt trọc nhưng khuôn mặt ấy chính là Đàm Văn Tuyên.

Tuyên khai nhận, sau khi trèo tường ra ngoài, hắn thuê xe ôm chở ra bến xe buýt gần Nhà máy nước Yên Phụ. Lên xe buýt đi vào Hà Đông, Tuyên bán chiếc điện thoại di động được 200 ngàn đồng. Có tiền, Tuyên vùi đầu vào chơi điện tử trong quán internet như không có chuyện gì xảy ra.

Hôm sau, Tuyên mang số dây chuyền, nhẫn, lắc bạc cướp được của ông Bình đến một tiệm vàng bạc trên đường Nguyễn Trãi, Trung Văn, Từ Liêm, bán được 1,78 triệu đồng tiếp tục lao vào chơi điện tử. Đến chiều hôm sau, Tuyên mới điện cho người anh họ đang là chủ thầu xây dựng ở chùa Giao Quang, xin đến làm. Sau khi được người anh đồng ý, Tuyên cạo trọc đầu, nhằm giấu tung tích, tìm đến đây lẩn trốn.

Hơn 2 tháng sau khi bị bắt giữ, Tuyên ra hầu tòa. Với tội giết người, cướp tài sản, Tuyên đã phải nhận bản án tử hình.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại