Phận thảm của USS Gemini - Tàu tên lửa nhanh nhất Hải quân Mỹ

Đỗ Minh |

Nếu bạn có ước mơ biến một chiếc tàu chiến cao tốc "Made in USA" mang tên lửa thành du thuyền của mình thì bạn đã bỏ lỡ và sẽ không bao giờ thực hiện được dự định đó!

Giữa những năm 1970, Hải quân Mỹ cần có 6 chiếc tàu tuần tra mang tên lửa, nhanh nhẹn, được vũ trang hạng nặng. Họ đã đặt hàng và nhận đủ số lượng, trong thực tế ở thời điểm đó thì chúng là những tàu nhanh nhất trong Hải quân Mỹ.

Phận thảm của USS Gemini - Tàu tên lửa nhanh nhất Hải quân Mỹ - Ảnh 1.

6 chiếc Pegasus đang cùng hoạt động trên biển

Sau khi hết thời gian phục vụ, hầu hết chúng bị loại biên và được quẳng ra bãi phế liệu, trừ chiếc USS Gemini mang số hiệu PHM 6 có số phận lạ kỳ và có lẽ còn buồn hơn.

6 tàu tuần tra lớp Pegasus này (trong đó USS Pegasus PHM 1 là chiếc được hạ thuỷ đầu tiên) chính là những tàu chiến nhỏ nhất trong Hải quân Mỹ thời Chiến tranh lạnh. Chúng được thiết kế để hoạt động trong những khu vực đường thuỷ hạn hẹp, nhằm chống lại tàu chiến lớn hơn của kẻ địch. 

Là tàu cánh ngầm, đáy tàu có những cánh ngầm giúp nâng tầu lên mặt nước khi chạy ở tốc độ cao, tàu được trang bị 2 động cơ turbine khí General Electric LM2500, nhờ thế loại tàu có tải trọng 237 tấn này đạt tới tốc độ tối đa 48 hải lý/giờ.

Tàu có một pháo chính cỡ nòng 76 mm có khả năng chống tàu và đối không, trên boong phía đuôi tàu gắn 8 ống phóng tên lửa đối hạm Harpoon, vì thế tàu có hoả lực đối hạm tương đương một tàu khu trục 8.000 tấn.

“Nghỉ hưu” đầu những năm 1990, chiếc mang tên USS Aries được đưa vào bảo tàng, 4 chiếc khác thì ra bãi phế liệu.

Chiếc còn lại - USS Gemini được bán cho một tổ chức tư nhân và tới năm 2006, nó trở thành một chiếc du thuyền hạng sang. 

Chủ nhân mới đã thay đổi toàn bộ cấu trúc thượng tầng của nó thành dạng boong 2 tầng với cửa sổ jacuzzi, thay 2 động cơ turbine khí GE LM2500 bằng 3 động cơ diesel Detroit Diesel 1.200 mã lực/chiếc, sửa lại phần đuôi tàu thành 2 dock dạng bậc thang xuống sát mặt nước nom khá bắt mắt để chơi jetski.

Chiếc du thuyền từng là tàu chiến này đã đi nhiều chuyến tới Florida và Bahamas, rồi được sang tay cho người khác. Cuối cùng, nó lại được neo đậu ở bang North Carolina, dọc theo sông Cape Fear - những nơi trước đây nó thường neo đậu. Những người chủ mới lại thay máy tàu diesel-điện cho du thuyền.

Cuối cùng, tàu bị bỏ rơi, năm 2014 chủ tàu tuyên bố không muốn sử dụng du thuyền này nữa, tàu bị bán vào bãi rác. Cả phần thượng tầng mới bằng nhôm tốt cũng như phần thân tàu chiến cũ bị cắt vụn.

Sau lớp tàu này, Mỹ không chế tạo tàu chiến dạng cánh ngầm nữa. Do vậy không ai còn có thể thực hiện giấc mơ biến một tàu chiến Mỹ thành du thuyền!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại