Phận phụ nữ cầm súng sa chân vào lính cờ đen IS

HÀ MINH THU* |

Dù là nạn nhân bị tẩy não hay tín đồ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), số phận của những phụ nữ này nên được định đoạt bởi công lý.

Hãng tin BBC đưa tin chính phủ Anh thông báo một số lượng nhỏ trẻ em Anh đã trở về nước từ Syria trong năm 2018 thông qua các nước thứ ba. Nhưng những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở lãnh thổ IS sẽ không được trợ giúp trực tiếp để về Anh. Chúng là con của những tay súng IS với phụ nữ Anh hoặc phải rời Anh theo cha, mẹ để tham gia nhóm khủng bố này.

Những số phận bấp bênh

Nhà Trắng thông báo ngày 22-3 rằng IS đã mất toàn bộ lãnh thổ ở Syria. Mặc dù IS vẫn được xem là một mối đe dọa, điều này đã đánh dấu một thành tựu mới cho chính quyền Trump trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm chống lại nhóm cực đoan, và hơn hết là một niềm vui cho những người yêu chuộng hòa bình.

Trong khi nhiều quốc gia hồi hương các chiến binh cả phụ nữ và nam giới để đối mặt với luật pháp tại nước nhà, nhiều phụ nữ và trẻ em khác vẫn bị giữ trong các trại tị nạn do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) điều hành. Một số người còn bị tước quốc tịch, phải đối mặt với một tương lai bất định không quê hương, thân thích.

Các quan chức người Kurd ước tính có khoảng 550 phụ nữ trong các trại này vào cuối năm ngoái. Nhưng nhiều báo cáo cho thấy có hàng ngàn phụ nữ từ Bắc Mỹ, Úc, châu Âu đã đi theo tổ chức IS trong thời gian “hoàng kim” của nó hồi đầu thập niên này, theo tờ The Washington Post.

Họ thực hiện nhiều vai trò trong tổ chức IS như tuyên truyền tư tưởng, chiêu mộ tân binh, gây quỹ, trở thành “cô dâu” của các tay súng. Rất ít trong số họ tham gia những cuộc giao chiến cuối cùng của tổ chức.

Trong thời gian qua, đã có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh số phận của những cựu chiến binh IS nữ. Đặc biệt, sau khi Mỹ từ chối nhập cảnh đối với Hoda Muthana (24 tuổi), một phụ nữ sinh ra tại Mỹ, nhưng đã kết hôn với tay súng IS ở Syria và trở thành tuyên truyền viên của tổ chức Hồi giáo. Theo tờ The Independent, cô Muthana đã trốn khỏi IS với đứa con 18 tháng tuổi của mình. Cả ba người chồng của cô đều là chiến binh IS cũng đã chết.

Trước đó, Anh đã tước quốc tịch của Shamima Begum (19 tuổi) sau khi cô rời London đi gia nhập IS năm 2015. Ba đứa con của cô với tay súng IS đều mất trong điều kiện y tế thiếu thốn ở vùng chiến tranh. Cả hai người phụ nữ đều tỏ ra hối tiếc và mong muốn trở về quê hương.

Bị cáo buộc là “kẻ ngoại đạo bẩn thỉu”

Rawan Aboud là một cô gái 18 tuổi người Syria, hiện đang bị giam giữ cùng các tín đồ bảo thủ IS trong một khu được bảo vệ nghiêm ngặt của trại tị nạn ở Syria. Cô bị ép lấy chồng sáu năm trước và được dẫn đến Raqqa, nơi được xem là thủ phủ của IS ở miền Bắc Syria. “Chồng tôi đã bị giết trong một trận giao chiến ba năm trước. Tạ ơn Chúa !” – cô Aboud thuật lại với hãng tin Reuters.

Cô bị bắt và giam giữ sau khi cố gắng chạy trốn khỏi lãnh thổ IS. Đứa con gái chín tháng tuổi của cô bị giết khi liên minh Mỹ ném bom vào Raqqa. Các tay súng IS sau đó đưa cô cùng các phụ nữ khác di chuyển đến nhiều thị trấn và “gả” cô cho một chiến binh khác, người này cũng đã bị giết vài tháng trước.

Cuối cùng, Aboud cũng trốn thoát được, và lần này cùng với một cô con gái bốn tuổi. Aboud bị cấm không được rời khỏi trại và tra hỏi liên tục “tại sao lại lấy chồng IS”.

Tín đồ IS gọi những người như là Aboud là “kẻ ngoại đạo bẩn thỉu”. Họ cáo buộc những phụ nữ này là gián điệp cho quân Kurd và tấn công họ. Amal Susi là một cô gái người Lebanon, 20 tuổi, cũng đồng cảnh ngộ với Aboud. “Họ đã chuyển IS đến đây. Cả trại này đều nằm dưới quyền kiểm soát của họ. Họ sẽ xây dựng IS ở chính nơi này” –Susi nói, ám chỉ những tín đồ IS.

“Giá trị” của phụ nữ IS

Theo tờ The Washington Post, cộng đồng quốc tế nên quan tâm đến số phận của những cựu chiến binh IS và để công lý phán xử số phận của họ. Đặc biệt, Mỹ và các nước phương Tây nên có trách nhiệm tuân thủ cả những luật không phổ biến để làm ví dụ cho các quốc gia khác.

Một số nghiên cứu cho rằng đã có phần lớn phụ nữ tham gia vào các nhóm vũ trang trong chiến tranh. Tuy nhiên, họ lại bị loại khỏi những chương trình giải ngũ và tái hòa nhập bởi các tổ chức quốc tế.

Nghiên cứu ở Colombia cho thấy phụ nữ xuất ngũ từ các nhóm vũ trang có tỷ lệ tái phạm thấp hơn nam giới nhưng họ phải đối mặt nhiều thách thức trên cơ sở giới như sự kỳ thị xã hội, các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần, nghèo đói, dễ bị phân biệt giới tính và nạn nhân của bạo lực.

Trên truyền thông, những người phụ nữ như Begum và Muthana được mô tả là nạn nhân bị tẩy não , những cô gái chạy theo tiếng gọi tình yêu hay những người mẹ với đứa con thơ vô tội. Những điều này phần nào làm lu mờ “giá trị” có thể khai thác của họ: những kinh nghiệm và kiến thức để giúp chính phủ chống lại các cuộc nổi dậy nguy hiểm khác. Phụ nữ IS có kỹ năng trong việc tuyển dụng và sử dụng công nghệ.

Trong khi những kỹ năng này có thể khiến họ có ích trong các chương trình chống lại xung đột và chủ nghĩa cực đoan, chúng cũng có thể khiến họ trở thành mục tiêu chiêu mộ cho các cuộc nổi dậy khác.

Ngay cả khi họ không bao giờ rời khỏi trại Syria, các nhóm phiến quân Hồi giáo tương lai cũng có thể sử dụng hình ảnh bà mẹ và trẻ em trong kế hoạch tuyên truyền của mình, như cách họ đã sử dụng việc phụ nữ Hồi giáo bị ngược đãi để chiêu mộ chiến binh từ phương Tây.

Tháng 12-2018, Văn phòng Thanh tra Quyền con người của Nga cho biết họ đã nhận diện 123 trẻ em Nga ở Iraq cần tái định cư và 699 trẻ em Nga trên khắp khu vực “đã được cha mẹ mang theo đến Trung Đông” và có thể trở về nước. Nga cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu để chúng lớn lên trong một môi trường cực đoan hóa để rồi quay trở về nước với những ý định bạo lực.

Chính phủ Đức cũng thu thập nhiều thông tin giá trị từ những thành viên IS trở về nước, bao gồm thông tin về cấu trúc chỉ huy nhóm. Bộ Nội vụ Anh còn cam kết sẽ hỗ trợ tùy theo nhu cầu của những đứa trẻ đã trở về và cố gắng giảm thiểu những nguy cơ mà họ có thể gây ra cho cộng đồng.

Mặc dù sẽ có nhiều khó khăn trong việc đưa phụ nữ và trẻ em IS trở về đối mặt với pháp luật, việc từ chối họ sẽ không giải quyết tận gốc vấn đề mà chỉ khiến họ trở thành rắc rối của những quốc gia khác hoặc của chính chúng ta trong tương lai.

Tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng

Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (IS) là một nhóm chiến binh Jihad , gồm các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni cầm đầu các hoạt động không được công nhận ở Iraq và Syria.

Trong tình trạng tự xưng và không được công nhận là một nhà nước độc lập, tổ chức này tuyên bố lãnh thổ của chúng bao gồm Iraq và Syria, với dự định tuyên bố lãnh thổ trong tương lai bao trùm cả khu vực Levant – tức cả Liban, Israel, Jordan, Syria, Síp và nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhóm này còn nhận trách nhiệm nhiều vụ tấn công khủng bố ở châu Âu, châu Á và châu Phi. Doanh thu của IS đến từ sản xuất dầu và buôn lậu, thuế, tiền chuộc từ các vụ bắt cóc, tống tiền và bán các cổ vật bị đánh cắp.

(*) Hà Minh Thu là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova, châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại