Phạm Thu Hà: "Họa mi bán cổ điển" sẽ bay đến đâu?

T.Oanh |

Nếu đánh giá thành công của ca sĩ bằng độ nổi tiếng, chắc hẳn Phạm Thu Hà còn rất nhiều thứ cần làm, bởi lẽ cô khó được xem là vượt trội giữa bức tranh âm nhạc đầy màu sắc.

Không phải nhân vật "triệu view" như một số đồng nghiệp cùng tên, Phạm Thu Hà như một nàng họa mi trong khu vườn của riêng mình. Ở đó, cô thong dong cất giọng và mải miết đi theo thanh âm của dòng nhạc bán cổ điển đã theo đuổi từ những ngày đầu.

Phạm Thu Hà có thể là cái tên lạ với nhiều người hâm mộ nhạc trẻ nhưng lại là "gương mặt thân quen" của giới mộ điệu dòng nhạc giao thoa kén chọn - semiclassical.

Phạm Thu Hà: Họa mi bán cổ điển sẽ bay đến đâu? - Ảnh 1.

Từ "Classic meets Chillout" đến "cổ điển hòa nhạc đỏ"

Năm 2012, khi hợp tác với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho "Classic meets Chillout", nữ ca sĩ thu hút khán giả bởi chất giọng soprano (giọng nữ cao) thánh thót trên nền nhạc chillout, kỹ thuật hát opera được đào tạo bài bản kết hợp tư duy nhạc nhẹ đang thịnh hành.

Đánh dấu thành công của "Classic meets chillout" là chiến thắng hạng mục "Album của năm" tại giải thưởng Cống hiến thứ lần 8.

Trong khi đó, đĩa than với 8 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy mang tên "Đường em đi" được Phạm Thu Hà và ê-kíp ra mắt vào tháng 5/2017 cũng nhận nhiều quan tâm nhờ hợp tác cùng nhạc sĩ Duy Cường, con trai nhạc sĩ Phạm Duy.

Dấu ấn mới nhất của Phạm Thu Hà trong năm nay là album "Giai điệu tự hào", giới thiệu vào dịp kỷ niệm 30/4 vừa qua. Từ cái tên và thời điểm phát hành, không khó để đoán album mang chủ đề ngợi ca quê hương, đất nước; thể hiện niềm tự hào dân tộc, lòng biết ơn đến thế hệ cha anh.

Ngoài ca khúc "Miền xa thẳm" nhạc sĩ Đức Trịnh sáng tác năm 2003, các bài hát còn lại trong album đều được sáng tác trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Nhiều bài đã được nữ ca sĩ biểu diễn thành công trong chương trình "Giai điệu tự hào" trên VTV3.

Nếu so với những sản phẩm âm nhạc trước của Phạm Thu Hà, 10 ca khúc của "Giai điệu tự hào" không thật sự nổi bật.

Không đầu tư kỳ công như "Classic meets Chillout" hay truyền thông mạnh mẽ như đĩa than "Đường em đi". Nhưng với album "Giai điệu tự hào", cô đã thêm một bước dài trên cuộc dạo chơi với nhạc bán cổ điển của riêng mình.

Phạm Thu Hà đưa bán cổ điển vào nhạc cách mạng - một thử nghiệm thú vị để lan tỏa thêm dòng nhạc kén người nghe này đến công chúng.

Vẫn theo "công thức" ứng dụng các kỹ thuật thanh nhạc opera vào loạt ca khúc quen thuộc với khán giả nhiều thế hệ.

Tuy vậy, nếu những bài trữ tình với chủ đề tình yêu giúp cô huy mạnh mẽ nét tinh tế, tình cảm; thì nhạc đỏ giúp nữ ca sĩ khai thác nét tươi vui, hào hứng, nguồn năng lượng cuộn chảy nồng nhiệt của giọng hát.

Phạm Thu Hà: Họa mi bán cổ điển sẽ bay đến đâu? - Ảnh 2.

"Họa mi bán cổ điển" sẽ bay đến đâu?

Phạm Thu Hà hoạt động khá chăm chỉ, khu vườn của nàng họa mi này dường như chưa từng vắng tiếng hát. Từ 2011, mỗi năm cô đều có 1-2 sản phẩm, hoặc album phòng thu, hoặc single.

Mỗi sản phẩm đều là sự kết hợp giữa hát cổ điển với các dòng nhạc khác, như chillout, jazz, thậm chí cả một số tác phẩm có âm hưởng dân gian và mới đây là nhạc cách mạng.

Nếu đánh giá thành công của ca sĩ bằng độ nổi tiếng, chắc hẳn Phạm Thu Hà còn rất nhiều thứ cần làm, bởi lẽ cô khó được xem là vượt trội giữa bức tranh âm nhạc đầy màu sắc.

Nhưng hướng đi bán cổ điển mà nữ ca sĩ theo đuổi lại rất phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện tại, thậm chí bây giờ còn nhiều cơ hội hơn so với thời điểm mới bắt đầu.

Nhạc cổ điển hay bán cổ điển luôn kén người nghe, đặc tính này xuất hiện ở hầu hết thị trường âm nhạc, không riêng gì Việt Nam. Song, ở Việt Nam lại có một xu hướng thú vị trong nhóm bạn trẻ, vốn là số đông nghe nhạc.

Họ thích khẳng định cái tôi thông qua gu âm nhạc, từ đó tìm kiếm kiểu nhạc "chất và lạ": không quá phổ biến như sản phẩm của đa số ca sĩ trẻ, nhưng không quá khó nghe như classical, mà vẫn có kỹ thuật, nghe "sang". Hướng đi của Phạm Thu Hà hoàn toàn bắt kịp xu hướng này.

Nữ ca sĩ hát bán cổ điển, sử dụng kỹ thuật hát opera theo cách mềm mại và dễ tiếp nhận hơn. Đồng thời, "cổ điển" chỉ là một nửa, Phạm Thu Hà có rất nhiều lựa chọn cho nửa còn lại.

Từ đó tạo ra những sản phẩm mang tính giao thoa, đúng gu của giới trẻ, vừa đậm tinh thần cổ điển, vừa thoáng hơi thở hiện đại, kiêu sa đấy mà vẫn gần gũi.

Đó có thể tiếp tục cổ điển và nhạc điện tử, như cách cô đã hát classical trên nền ambient và trip-hop trong "Classical meets Chillout"; hoặc bắt tay một DJ, nghệ sĩ indie nào đó chẳng hạn.

Chỉ cần giữ được sự nồng nàn với âm nhạc, cuộc dạo chơi với nhạc bán cổ điển của nàng họa mi giọng soprano này chắc hẳn sẽ còn dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại