PGS Nguyễn Phương Mai, từ Hà Lan: Góc nhìn hoàn toàn khác vụ tranh cãi Mr Đàm, Tùng Dương

PGS-TS Nguyễn Phương Mai |

Tôi hy vọng vào những nghệ sĩ có thể nâng tầm cho nhạc vàng, và biết đâu, biến dòng nhạc uỷ mị này thành một thứ vũ khí văn hoá có khả năng cạnh tranh ngoài biên giới.

Ca sĩ Tùng Dương gần đây gây sóng dư luận khi anh, một mặt rất trân trọng dòng nhạc bolero (nhạc vàng), nhưng cũng cho rằng nếu cả xã hội ai cũng mê đắm nó thì là một bước thụt lùi. 

Ngay lập tức, dư luận chia làm hai phe. Một bên (có thể là không đọc hết phát ngôn) cho rằng anh kiêu ngạo khi xúc phạm một dòng nhạc đẹp, môt bên ủng hộ Tùng Dương, và cho rằng mục đích của âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung là đem lại điều mới mẻ hơn là chiều chuộng thị hiếu của số đông.

Để công bằng, tôi xin lùi bước và bắt đầu từ một điểm quan sát xa vấn đề đang bàn luận một chút. Đó là, mục đích của âm nhạc là gì? Chúng ta sẽ tìm câu trả lời từ những nghiên cứu mới nhất của ngành sinh học tiến hoá.

Các tranh cãi về gốc tiến hoá của âm nhạc vốn được chia thành hai trường phái. Trường phái exaptation (Steven Pinker) cho rằng âm nhạc chỉ là sản phẩm phụ của tiến hoá, vì nó không giúp gì cho sinh tồn cả. 

Trường phái adaptation (Robin Dunbar) cho rằng âm nhạc có tác dụng như ngôn ngữ, liên kết các thành viên của cộng đồng với nhau. Các nghiên cứu gần đây ngày càng thiên về trường phái thứ hai. 

Dù âm nhạc không trực tiếp làm ra gạo, không phải là công cụ để vót chông hay săn đuổi kẻ thù, nhưng cũng giống như tôn giáo và các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc giúp con người có thêm nghị lực để trồng cây, vót chông, hay đánh tan quân địch.

Đặt vấn đề một cách đơn giản thế này, hai bộ lạc giao tranh với nhau. Một bộ lạc ra trận với cái bụng no và vũ khí sắc bén, phần thưởng cho kẻ chiến trắng là một vùng đất phì nhiêu.

 Bộ lạc thứ hai ra trận bụng hơi đói, vũ khí không tối tân bằng, nhưng có những bài ca làm rung động lòng chiến sĩ, những nhạc cụ khuấy động tinh thần quả cảm, và phần thưởng của kẻ chiến thắng là một xuất lên thiên đường để sống một cuộc đời hạnh phúc đầy đủ đến vô tận. Thử hỏi, xác suất thắng trận của bộ lạc nào sẽ cao hơn?

PGS Nguyễn Phương Mai, từ Hà Lan: Góc nhìn hoàn toàn khác vụ tranh cãi Mr Đàm, Tùng Dương - Ảnh 1.

 Như vậy, âm nhạc bản chất là một vũ khí văn hoá, sinh ra là để phụ trợ cho cuộc chiến sinh tồn của các cộng đồng nguời trên Trái Đất. Vũ khí mạnh và có tầm ảnh hưởng thì sẽ giúp cộng đồng đó lan toả, thống trị và cai quản nhiều tài nguyên hơn.

Chúng ta hay nhớ lại thời chiến tranh lạnh. Khi đó hai khối tư bản và xã hội chủ nghĩa kình địch nhau dữ dội. Phe xã hội tuyên truyền một hình ảnh rất thậm tệ về nước Mỹ với nạn phân biệt chủng tộc, sự nghèo nàn về gốc rễ văn hoá, sự to mồm và nông cạn về tính cách, và trên hết là thái độ hiếu chiến hay gây gổ của một kẻ hay bắt nạt người xung quanh.

Đối diện với thách thức này, Mỹ quyết định tung ra một thứ vũ khí văn hoá (sonic weapon) tuyệt chiêu: Nhạc Jazz.

Và thế là suốt những năm 60 và 70, những nghệ sĩ thiên tài như Louis Armstrong, Dizzy Gillespie và Duke Ellington biểu diễn hàng trăm buổi ở khắp nơi trên thế giới. Hình ảnh một nước Mỹ phân biệt chủng tộc được hoá giải bởi hình ảnh những nghệ sĩ da đen tài năng làm chủ sân khấu. 

Nước Mỹ không thể nghèo nàn về văn hoá hay nông cạn về tính cách với những bản nhạc Jazz đẹp và sâu lắng nhường kia. Nhạc Jazz với đặc tính nổi bật về sự sáng tạo và tôn vinh tính cách cá nhân khiến văn hoá Mỹ ngay lập tức được kết nối với sự tiến bộ và văn minh quyền con người.

Cho đến nay, dù Jazz lúc thịnh lúc suy, nhưng âm nhạc vẫn luôn là thứ vũ khí văn hoá cực kỳ hiệu quả. Mỹ, Anh và Pháp trong ba năm vừa qua liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng quyền lực mềm trên thế giới một phần lớn nhờ công của nền công nghiệp âm nhạc đồ sộ.

Quay trở lại nhạc vàng tại Việt Nam. Từ khía cạnh sinh học tiến hoá trong nội bộ cộng đồng, dòng nhạc này có tác dụng kết nối thành viên, thể hiện tâm trạng, chia sẻ tinh thần. Sự sống mãnh liệt của nó có lý do hoàn toàn chính đáng. 

Bối cảnh xã hội Việt Nam làm cho những nỗi buồn thương, niềm than thở, sự cô độc và bất lực trong trái tim chưa bao giờ vơi cạn trong tâm khảm những người dân nước Việt, kể cả người xa xứ lẫn kẻ sống nơi quê nhà. 

Nếu muốn hỏi lý do tại sao nhạc vàng sống dai như vậy, câu trả lời không phải vì nó hay (theo cách nhìn tiến hoá, vì hay hay dở không quan trọng), mà là bởi vì nó là một phương thức hiệu quả để sinh tồn, để chống chọi với những vui buồn của cuộc chiến trong đời.

PGS Nguyễn Phương Mai, từ Hà Lan: Góc nhìn hoàn toàn khác vụ tranh cãi Mr Đàm, Tùng Dương - Ảnh 2.

 Tuy nhiên, từ khía cạnh sinh học tiến hoá trong việc cạnh tranh với các cộng đồng khác, câu hỏi chúng ta cần đặt ra là: liệu nhạc vàng kiểu Việt Nam có thể được coi là thứ vũ khí văn hoá khi "ra trận" được không? 

Trong cuộc cạnh tranh sự ảnh hưởng với các cộng đồng khác, chúng ta có thể dùng nhạc vàng để khẳng định chỗ đứng, xác nhận tầm vóc, thâu nạp tín đồ, lan toả quyền năng, xây dựng quyền lực? Câu trả lời, theo tôi, là có.

Vấn đề là làm thế nào? Nếu chúng ta cứ bao năm hát những ca khúc cũ, à ơi suớt mướt kiểu cũ, thậm chí mặc những bộ quần áo kiểu chuẩn truyền thống để biểu diễn mà không cố gắng khai phá, phát triển thêm một chút nhân tố mới nào, thì nhạc vàng mãi chỉ là một liều thuốc tinh thần chiều chuộng những cư dân trong luỹ tre làng.

Để liều thuốc tinh thần ấy bật phá thành một thứ vũ khí văn hoá cần có những nghệ sĩ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám xoá bỏ, dám đương đầu, và có tầm nhìn quốc tế. Tùng Dương không thích nhạc vàng, chúng ta nên tôn trọng gu thẩm mỹ đó của anh. 

Cá nhân tôi, vốn là kẻ lạc quan, hy vọng vào những nghệ sĩ có thể nâng tầm cho nhạc vàng, và biết đâu, biến dòng nhạc uỷ mị này thành một thứ vũ khí văn hoá có khả năng cạnh tranh ngoài biên giới.

PGS-TS Nguyễn Phương Mai 

ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại