Pancor Jackhammer - Khẩu súng kỳ quái nhưng "đoản mệnh"

A.Vĩ |

Hộp tiếp đạn tròn của Pancor Jackhammer có thể sử dụng như một quả mìn, kích hoạt cả 10 viên đạn bên trong, gây bán kính sát thương đáng kể.

Thiết kế của một khẩu súng săn uy lực lớn

Nhà chế tạo vũ khí cầm tay John Andersen (đôi khi gọi là Anderson) đã đưa ra một bản thiết kế súng săn tự động hoàn toàn, nạp đạn bằng khí nén dành cho quân đội và cảnh sát.

Bản vẽ khẩu súng này xuất hiện lần đầu tiên vào đầu thập niên 1980. Theo Andersen, đây là thứ vũ khí cho phép thay đạn nhanh, đủ nhỏ gọn để lính bộ binh lẫn cảnh sát dễ dàng mang theo khi chiến đấu trong không gian hẹp.

Để hoàn thành thiết kế khẩu súng độc đáo này, Andersen đã sử dụng cơ chế nòng chuyển động (không cố định như các khẩu súng khác) với một piston khí kèm theo một trục xoay. Khi khai hỏa, nòng bị đẩy về phía trước, đạn sẽ được bắn đi, phần khí nén truyền theo piston về phía sau, xoay ổ đạn và nạp viên tiếp theo lên buồng đạn.

Pancor Jackhammer - Khẩu súng kỳ quái nhưng đoản mệnh - Ảnh 1.

Bản vẽ cấu tạo của Pancor Jackhammer

Trên thực tế súng hoạt động rất phức tạp, cách thức vận hành kết hợp với thiết kế đặc trưng làm cho nó được biết đến rộng rãi với tên gọi Jackhammer, có nghĩa là là "Phát ra tiếng búa to và lặp lại" thay vì cái tên đơn điệu MK3 ban đầu.

Súng không có chốt chọn chế độ bắn mà chỉ có chế độ tự động hoàn toàn, điều này tạo ra hỏa lực lớn và áp đảo, phù hợp với triết lý thiết kế ban đầu của Andersen.

Jackhammer có khối lượng cơ bản 4,57 kg, chiều dài tổng thể 787 mm, nòng dài 525 mm. Polymer được sử dụng rất nhiều trên khẩu súng này, đây cũng là vật liệu được ưa chuộng trong giai đoạn đầu những năm 1980.

Thiết kế bullbup làm cho súng trông nhỏ gọn nhưng vẫn giữ được chiều dài nòng phù hợp. Đầu nòng có một bộ phận được kẹp vào thông qua đai xiết, vừa để che chớp sáng lại vừa đóng vai trò hãm nảy.

Pancor Jackhammer - Khẩu súng kỳ quái nhưng đoản mệnh - Ảnh 2.

Tháo rời một khẩu Jackhammer

Súng có hộp tiếp đạn rất "dị" với dạng hình trống sức chứa 10 viên, được gắn vào khe giữa tay cầm và báng. Hộp tiếp đạn làm bằng nhựa, đạn được nạp theo dạng ổ xoay, xạ thủ có thể thay băng đạn trong thời gian cực nhanh, không như các khẩu súng nạp đạn theo kiểu bơm khác.

Ngoài ra, hộp tiếp đạn tròn này còn có thể sử dụng như một quả mìn khi kích nổ cả 10 viên đạn bên trong, gây ra bán kính sát thương đáng kể. Đây có lẽ là lần đầu tiên mà hộp tiếp đạn của một khẩu súng có thể sử dụng như chiếc bẫy nổ đa mục đích.

Khẩu súng chưa bao giờ được đưa vào sản xuất hàng loạt

Mặc dù có thiết kế và phương thức hoạt động độc đáo, nhưng Jackhammer lại chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt. Công ty Pancor Corporation of Albuquerque đã giành quyền chế tạo khẩu súng này và cho xuất xưởng 2 nguyên mẫu vào năm 1984, tuy nhiên khi thử nghiệm thì chúng lại không hoạt động.

Khẩu súng này thường xuyên bị kẹt đạn, dẫn đến việc Quân đội Mỹ dưới thời Tổng thống Regan đã mua Mossberg 500 và Remington 870 thay vì Jackhammer.

Pancor Jackhammer - Khẩu súng kỳ quái nhưng đoản mệnh - Ảnh 3.

Nhân vật Richter sử dụng Jackhammer trong phim Total Recall (1990)

Bên cạnh đó, cách thức hoạt động khiến Jackhammer có vai trò như một khẩu súng máy, dẫn tới việc bị ngăn chặn bán ra thị trường dân sự, đây được coi là dấu chấm hết cho Jackhammer. Tuy nhiên Andersen cũng đã hoàn thành các nguyên mẫu của mình vào năm 2000 và bán cho các nhà sưu tập tư nhân với mức giá 350.000 USD cho mỗi khẩu.

Hình ảnh của Jackhammer vẫn rất phổ biến. Khẩu súng này đã xuất hiện trong nhiều bộ phim hành động thời điểm những năm 2000. Các game thủ cũng không xa lạ gì khẩu súng này qua các tựa game bắn súng nổi tiếng như Counter Strike, Battlefield hay Far Cry.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại