Ông Kim Jong-un củng cố quyền lực tuyệt đối với chức danh mới

N.V |

Ngày 29.6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được bầu làm Chủ tịch một uỷ ban nhà nước mới được phục hồi, tạm gọi là Uỷ ban Quốc vụ.

Nhà lãnh đạo trẻ này đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) và Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng (NDC).

Tại cuộc họp kín của Đoàn Chủ tịch Quốc hội Nhân dân Tối cao (tức Quốc hội) hôm 29.6, ông Kim đã được bầu vào vị trí mới là Chủ tịch Uỷ ban Quốc vụ, thay thế chức danh trước đây là Chủ tịch thứ nhất Uỷ ban Quốc phòng, vốn được trao cho nhà lãnh đạo này tại kỳ họp của Quốc hội Triều Tiên diễn ra vào năm 2012.

Theo giới phân tích, với việc nắm giữ chức vụ cao nhất của nhà nước và chức vụ cao nhất của đảng, ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên.

Ủy ban Nhân dân Trung ương (tức Uỷ ban Quốc vụ theo cách gọi mới) thực chất được thành lập vào năm 1972 để giám sát quân đội cũng như các bộ phận khác của chính quyền dân sự.

Ông Kim Nhật Thành, người sáng lập đã qua đời của đất nước này và là ông nội của nhà lãnh đạo hiện thời, từng là người đứng đầu ủy ban này.

Nhưng con trai của ông là Kim Jong-il đã dẹp bỏ ủy ban này trong thời gian lãnh đạo đất nước và củng cố thêm vai trò của Ủy ban Quốc phòng với chính sách ưu tiên cho quân đội, "tiên quân".

Việc phục hồi cơ cấu quyền lực của ông nội của ông Kim Jong-un, theo giới phân tích, có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của quân đội và làm cho những người cố vấn chính trị của Đảng Công nhân có tiếng nói mạnh hơn.

Vào tháng 5, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã ngả về phong cách lãnh đạo của ông nội ông qua việc triệu tập Đại hội Đảng Lao động sau 36 năm, và đó được coi là một bước tiến để củng cố thêm quyền lực và thúc đẩy cho chương trình nghị sự của mình.

Bố của ông, ông Kim Jong-il, cũng đã giữ cả 2 chức danh của đảng và của quân đội nhưng không hề triệu tập đại hội đảng.

Từ khi lên nắm quyền năm 2011, ông Kim Jong-un đã đề ra chính sách của riêng mình là đặt ưu tiên cho việc phát triển cùng một lúc vũ khí và phát triển kinh tế, được gọi là “byeongjin” (song tiến).

Việc Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân tên lửa đạn đạo đã làm gia tăng những mối căng thẳng với cộng đồng quốc tế.

Đầu tuần này Triều Tiên đã đề nghị thực hiện lại cuộc thương thuyết liên Triều để cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, nhưng bị Seoul bác bỏ.

Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên trước tiên phải ngừng chương trình hạt nhân thì mới có thể tiến hành đàm phán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại