ODA từ rẻ hóa đắt

Ngọc Linh |

Theo ước tính của ADB, cứ mỗi năm chậm triển khai dự án ODA Việt Nam sẽ phải chịu thêm 17,6% chi phí phát sinh và nếu dự án kéo dài hơn hai năm thì chi phí đầu tư sẽ tăng thêm một nửa, đẩy mức nợ công tăng lên cao hơn và khiến nguồn vốn ODA trở lên đắt đỏ hơn.


Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014, giải ngân nguồn vốn ODA ở Việt Nam có những tiến triển tích cực, vượt quá mức 4 tỷ USD từ năm 2012 và xấp xỉ 5 tỷ USD vào năm 2014.

Những tưởng rằng các vướng mắc về giải ngân nguồn vốn giá rẻ được các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ đã từng bước được gỡ bỏ, dù tốc độ giải ngân vẫn chưa đạt kỳ vọng đặt ra, nhưng sang đến giai đoạn năm 2015 và 2016 thì bức tranh giải ngân vốn ODA lại dần chuyển sang gam màu tối.

Giải ngân thụt lùi

Số liệu từ Bộ KH – ĐT cho thấy vốn ODA giải ngân năm 2015 chỉ còn hơn 3 tỷ USD và trong chín tháng đầu năm nay vốn giải ngân chỉ đạt hơn 2,6 tỷ USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rõ ràng, tốc độ giải ngân vốn ODA đang theo xu hướng giảm dần trong khi đáng lẽ ra việc giải ngân này phải tăng mạnh hơn nhằm bù đắp khoản thiếu hụt vốn đầu tư phát triển và đảm bảo tính hiệu quả của nguồn vốn giá rẻ.

“Việt Nam vẫn chưa đạt được mức giải ngân trung bình của khu vực, làm mất đi các cơ hội phát triển cho chính Việt Nam”, Giám đốc WB phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi cùng với sáu ngân hàng phát triển tài trợ vốn ODA đầu tuần này.

Ông Remi Genevey, GĐ quốc gia AFD tại Việt Nam cũng cho rằng: “Đặc biệt là trong bối cảnh nợ công đang tăng cao, để giữ được nợ công ở ngưỡng 65% GDP thì vấn đề giải ngân vốn ODA có ảnh hưởng không nhỏ”.

Tính tới cuối năm 2015, tổng số vốn ODA giải ngân ở Việt Nam mới trên 50 tỷ USD, vẫn còn đó 22 tỷ USD chưa được giải ngân. Hơn thế nữa, số vốn ODA và vốn vay ưu đãi vẫn sẽ được ký kết thêm trong những năm tới, đẩy số vốn chưa giải ngân lên cao hơn.

Theo ông Rustam Ishenaliev, Trưởng phòng quản lý dự án Văn phòng ADB tại Việt Nam, vấn đề chậm giải ngân bắt đầu từ khởi động dự án, trung bình mất 8 tháng mới phê duyệt các thỏa thuận vay, trung bình theo số thống kê của ADB là 7 tháng. Nhưng trong 2015 mất 9-12 tháng, chậm hơn rất nhiều. mất khoảng 2 năm hợp đồng tư vấn khoản vay đầu tiên.

Việc chậm trễ này cũng được nhận thấy trong quá trình khởi động dự án. Đơn cử, theo các số liệu của ADB cho thấy, hợp đồng đầu tiên đối với tư vấn cần trung bình 24 tháng để được ký kết kể từ khi phê duyệt khoản vay.

Hợp đồng xây lắp cần khoảng 36 tháng từ khi phê duyệt khoản vay. Những số liệu đó cho thấy các dự án do sáu ngân hàng tài trợ sẽ cần khoảng 2-3 năm từ khi khoản vay được phê duyệt đến khi bắt đầu xây dựng và xây lắp.

Nguyên nhân chậm trễ này là do thiết kế dự án, các cơ quan chủ quản và ban quản lý dự án không chấp nhận rủi ro để thực hiện đầy đủ các hành động trước mà đã được cho phép hoặc được phê duyệt.

Các thủ tục phê duyệt của Chính phủ còn phức tạp, quyền hạn của phía chủ đầu tư có giới hạn và năng lực của ban quản lý dự án còn hạn chế. Ngoài ra còn có nguyên nhân chậm trễ bắt nguồn từ việc thu hồi đất và tái định cư.

Giá rẻ thành không rẻ

Các dự án hiện nay thường xuyên phải gia hạn thêm thời gian so với các nước khác.

“Việc chậm trễ trong quá trình khởi động và thực hiện dự án sẽ dẫn đến tăng chi phí thực hiện dự án. Vì vậy, không chỉ các dự án phải chịu thêm chi phí mà Việt Nam cũng phải chịu thêm các chi phí gián tiếp như chi phí cam kết,” nhóm sáu ngân hàng phát triển tài trợ vốn ODA cho Việt Nam nhấn mạnh trong báo cáo gửi Chính phủ.

Bà Lee Yoon Mee, Phó trưởng đại diện KEXIM Bank tại Việt Nam, cho rằng chậm giải ngân sẽ làm tăng chi phí và lệ phí, tăng tổng chi phí dự án, nhất là phần chi phí xây dựng, tăng thêm các khoản chi phí tư vấn, quản lý dự án, lãi suất phải trả trong thời gian thi công.

Chưa kể cơ quan Chính phủ đứng trước rủi ro phải nộp phạt do vi phạm hợp đồng. Tất cả những điều đó sẽ làm suy giảm mức độ tín nhiệm của Việt Nam.

Theo nghiên cứu của ADB, cứ mỗi năm việc thực hiện bị chậm trễ sẽ dẫn đến phát sinh thêm 17,6% chi phí. Trong đó, 6,5% chi phí lạm phát đối với các hạng mục chi phí chính, chưa bao gồm chi phí hoạt động tái định cư, và 11,1% là các chi phí dự án đối với các khoản lợi nhuận trong tương lai thu được chậm hơn so với dự kiến.

Nhưng đáng ngại hơn nữa, ông Ishenaliev của ADB cảnh báo rằng nếu dự án ODA chậm tiến độ hơn hai năm thì chi phí đầu tư của dự án này sẽ tăng thêm một nửa so với dự toán ban đầu. Có nghĩa rằng Việt Nam sẽ phải vay thêm vốn để đầu tư vào dự án đó và cũng phải tìm kiếm thêm khoản vốn đối ứng tương xứng trong ngân sách eo hẹp.

“Trong bối cảnh Việt Nam đã “tốt nghiệp IDA” – “hay nói cách khác là việc dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) thuộc WB – PV”, thì Việt Nam ít nhận được các khoản vay ưu đãi hơn vì thế cần quản lý và giám sát chi phí các khoản vay hiệu quả hơn.

Liệu Chính phủ có chấp nhận 50% dự án bị chậm trễ và làm tăng chi phí so với ban đầu hay không? Câu trả lời là không, vì thế chúng ta phải làm sao để sử dụng tốt nhất vốn ODA và ưu đãi”, ông Ishenalivev nói.

Nhưng làm sao để sử dụng vốn ODA tốt nhất vẫn là bài toán chưa giải xong. Những kiến nghị mà các nhà tài trợ đưa ra không có gì mới. Vẫn là cách phải đơn giản thủ tục và cơ cấu triển khai dự án, giảm thiểu các cấu trúc phức tạp và cần có các quy định rõ ràng liên quan đến trách nhiệm và chủ sở hữu các bên.

Ngoài ra, các nhà tài trợ cũng kiến nghị Chính phủ đảm bảo được tính khả thi về tài chính đối với các dự án và công tác thu hồi đất. Với những kiến nghị như vậy, phần còn lại sẽ phụ thuộc vào cách mà các nhà tài trợ và Chính phủ sẽ thực hiện tháo gỡ vướng mắc như thế nào để nguồn vốn ODA thực sự là nguồn vốn rẻ và hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại