Nước sâu thì chảy chậm, nói thận trọng mới là người khôn ngoan: 12 điều quyết định thành - bại trong đời nhờ bản lĩnh uốn lưỡi, đừng quên "miệng vàng lời ngọc"

Phương Thúy |

Một lời nói cũng có thể mang đến sức mạnh để quyết định sự nghiệp thành bại, vận mệnh giàu nghèo.

"Thủy thâm tắc lưu hoãn" là có ý nói rằng, nước càng sâu thì chảy càng chậm. Trên mặt nước cho dù gió thổi làm sóng trào dâng cuồn cuộn nhưng những dòng nước ở bên dưới sâu vẫn luôn duy trì tốc độ chảy chậm rãi, thong dong.

Mà "Nhân quý tắc ngữ trì" ý nói rằng, người sang quý thì lời nói thường chậm rãi, hơn nữa còn không dễ dàng tỏ thái độ, không dễ dàng kết luận, thận trọng từ lời nói đến việc làm.

Làm người gặp phải chuyện lo lắng, việc khó khăn thì đều phải bảo trì một tâm thái bình tĩnh và tường hòa. Nói chuyện chậm rãi một chút thật sự có thể giúp chúng ta tránh được rất nhiều tai họa và sai lầm không đáng có.

"Động" và "tĩnh", "nhanh" và "chậm" là thuộc về lý tương sinh tương khắc, trời đất vì có chúng mà trở nên cân bằng. "Động" sẽ khiến tiêu vong xảy ra nhanh hơn, "tĩnh" mới có thể lâu dài, cho nên người xưa mới giảng rằng "tĩnh lặng mới có thể đi xa".

Cho dù thông minh, giàu có hay bản lĩnh đến mấy mà tâm không an tĩnh, lời không trí tuệ thì vẫn khó có thể thành công. Nói là một loại năng lực nhưng không nói chính là một loại khôn ngoan. Chính vì vậy, hãy nhớ kỹ 12 điều quan trọng trong nghệ thuật giao tiếp sau đây:

Nước sâu thì chảy chậm, nói thận trọng mới là người khôn ngoan: 12 điều quyết định thành - bại trong đời nhờ bản lĩnh uốn lưỡi, đừng quên miệng vàng lời ngọc - Ảnh 1.

1. Việc gấp, nói từ từ

Khi gặp chuyện gấp, nếu chúng ta hành xử tỉnh táo bình tĩnh, suy nghĩ rõ ràng thì mới có thể để lại một hình tượng trưởng thành chững chạc, không bốc đồng và thiếu ổn định trong mắt người khác, từ đó làm gia tăng mức độ và khả năng tin tưởng của đối phương.

2. Việc nhỏ, nói hài hước

Những chuyện nhỏ không đáng xé ra to, đặc biệt trong trường hợp muốn nhắc nhở thiện chí thì nên dùng giọng điệu hài hước, pha chút bông đùa để nói ra, vừa không làm người nghe cảm thấy mất mặt, giúp họ dễ dàng chấp nhận sự giúp đỡ của chúng ta hơn, vừa có thể tạo điều kiện xây dựng quan hệ thân mật giữa cả hai.

3. Việc chưa chắc chắn, nói thận trọng

Với những việc mà chúng ta không thể chắc chắn 100% hoàn thành tốt đẹp, tốt nhất hãy nói ra một cách thận trọng và nghiêm túc về khả năng của mình để đem lại cảm giác đáng tin chứ không phải hình tượng một kẻ đạo đức giả, không dám nhận việc.

4. Việc chưa xảy ra, đừng nói trước

Những người đáng ghét nhất chính là kẻ cố tình sinh sự, gây chuyện vì những điều còn chưa xảy ra mà chỉ dựa trên sự phỏng đoán và những lời đồn đoán lung tung. Nếu bạn biết giữ im lặng và kín miệng trước những những trường hợp ấy, người ngoài nhìn vào có thể đánh giá sự trưởng thành, năng lực tu dưỡng đại biểu cho tinh thần trách nhiệm và nhân phẩm tốt đẹp của chính bạn.

5. Việc không làm được, đừng nói lung tung

Như người ta thường nói: "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Đừng tùy tiện hứa hẹn những gì mình không thể làm nếu không muốn trở thành kẻ bất tín. Đừng nói lung tung sẽ khiến người nghe cảm thấy bạn là người "nhất ngôn cửu đỉnh, đã nói là làm" và tạo dựng niềm tin vững chắc trong lòng người ta.

6. Điều hại người khác, không thể nói

Đừng bao giờ dùng lời nói của mình để cố tình nhắm vào, gây tổn thương người khác, cho dù đó là người xa lạ hay thân thiết. Điều này sẽ thể hiện tính cách thiện lương, nhân phẩm tốt đẹp của bạn, giúp duy trì mối quan hệ đôi bên.

7. Chuyện buồn, đừng có gặp ai cũng nói

Khi gặp vấn đề đau khổ, chúng ta đều có mong muốn được trò chuyện, được sẻ chia, nhưng bạn cần biết cách chọn mặt gửi lời chứ không phải gặp ai cũng nói.

Một người không đủ thân thiết phải nghe chuyện buồn của bạn dễ cảm thấy áp lực về tâm lý, không muốn nói chuyện, thậm chí là dần dần xa lánh bạn. Đồng thời, than vãn kể lể quá nhiều sẽ biến bạn thành một nguồn năng lượng tiêu cực trong mắt những người xung quanh.

8. Chuyện của người khác, đừng đưa chuyện

Hãy giữ khoảng cách an toàn vừa đủ để đảm bảo sự riêng tư cho mọi người xung quanh. Đừng tùy tiện phán xét và lan truyền những vấn đề của người khác để tránh gây ra những mâu thuẫn không đáng có.

9. Chuyện của chính mình, nghe người khác nói

Với những vấn đề của bản thân, đừng quên tham khảo cái nhìn khách quan từ người khác và chân thành lắng nghe ý kiến của họ. Hành động của bạn có thể đem lại ấn tượng khiêm tốn, biết tiếp thu và hiểu lý lẽ cho những người xung quanh.

10. Chuyện của người lớn, nghe nhiều nói ít

Người lớn tuổi thường không thích bị áp đặt, kiểm soát hay bị người khác chỉ đạo mình phải làm gì. Nếu chúng ta nói nhiều hoặc liên tục nhận xét họ nên làm gì, không nên làm gì, những người lớn tuổi sẽ cảm thấy bạn không tôn trọng họ. 

Thay vào đó, hãy yên lặng lắng nghe và đúc rút ra kinh nghiệm từ những bài học từng trải quý giá của các trưởng bối xung quanh.

11. Chuyện vợ chồng, hãy nói cùng nhau

Giữa chồng và vợ, điều đáng sợ nhất là sự yên lặng. Không trao đổi, không giao tiếp và thảo luận sẽ khiến tình cảm đôi bên hao mòn nhanh chóng, thiếu sự thấu hiểu, dễ nảy sinh xung đột. 

Tới lúc đó, hai bên lại không ngừng đổ lỗi, chỉ trích lẫn nhau. Vì vậy, trong ngày thường, hãy cùng nhau thương lượng, giải quyết mọi vấn đề trong gia đình.

12. Chuyện của con trẻ, nói dần dần

Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thời kỳ thay đổi, trở nên nổi loạn và khó kiểm soát hơn. Nếu cha mẹ biết giữ thái độ nhẹ nhàng và kiên định để từ từ khuyên bảo thì mới có thể thuyết phục trẻ hiểu rõ đúng sai thị phi. 

Ngược lại, một mực áp đặt hoặc dùng thái độ cưỡng ép để bắt trẻ nghe lời sẽ chỉ làm phản tác dụng.

Có thể thấy rằng, chẳng phải tự nhiên mà người xưa có câu "Miệng vàng lời ngọc". Mỗi tiếng nói ra phải có trí tuệ, có tu dưỡng, phải chú ý tránh làm tổn thương người khác, thất đức, đánh mất niềm tin của mọi người xung quanh. 

Đôi khi, chỉ một lời nói cũng có thể quyết định thành - bại đời người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại