Nước nào sở hữu 5.000 tổ hợp tên lửa Igla-S của Nga?

Đức Dũng (lược dịch) |

Bối cảnh tình hình bất ổn chính trị ở Venezuela và Brazil hiện nay đang khiến khu vực Nam Mỹ trở nên rối ren. Reuters mới đây có được nguồn tin cho biết Venezuela đang sở hữu khoảng 5.000 tên lửa vác vai Igla-S do Nga sản xuất.

Hãng thông tấn Reuters mới đây đã đăng tải thông tin cho biết chính quyền Venezuela hiện đang sở hữu khoảng 5 nghìn tổ hợp tên lửa vác vai Igla-S (SA-24 theo phân loại của NATO).

Tài liệu này chỉ rõ, kho Igla-S của Venezuela hiện đang lưu giữ số lượng Igla-S lớn nhất trong kho vũ khí của tất cả các quốc gia Nam Mỹ. Đây chính là lý do khiến Mỹ phải quan ngại khi tình hình nước này đang trở nên bất ổn.

Theo Reuters, Chính phủ Venezuela từ lâu đã sử dụng mối đe dọa “can thiệp đế quốc” của Mỹ để giải thích cho các hành động tăng cường tiềm lực kho vũ khí của mình.

Phần lớn số vũ khí hiện có trong kho vũ khí của quốc gia Nam Mỹ này có được nhờ nhập khẩu từ Nga dưới thời cựu Tổng thống Hugo Chavez, người đã lãnh đạo Venezuela từ năm 1999 đến năm 2013.

Số tên lửa Igla-S mà Venezuela đang sở hữu thực sự tạo ra mối đe dọa đáng kể đến các máy bay quân sự và chở khách. Ngoài ra, các chuyên gia về vũ khí cũng bày tỏ quan ngại rằng số tên lửa vác vai này có thể rơi vào tay các lực lượng cực đoan khi Venezuela đang trải qua giai đoạn đầy bất ổn về chính trị và khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Một cựu tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội Venezuela và là cựu bộ trưởng nước này tiết lộ với Reuters rằng số Igla-S được bố trí chủ yếu ở các khu vực dọc bờ biển nước này vì lo ngại các hành động tấn công có thể xuất phát từ Mỹ.

Nguồn tin này cũng khẳng định với Reuters rằng hiện Venezuela còn sở hữu khoảng 1,5 nghìn ống phóng cho Igla-S.

Hiện quan chức chính quyền Venezuela vẫn chưa có phản hồi đối với đề nghị của Reuters trong việc cung cấp thông tin về vị trí và các chi tiết khác của kho Igla-S.

Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tháng 5 đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này và đã báo cáo lên Thượng viện Mỹ trong một phiên điều trần. Theo ông Mike Pompeo, tình hình ở Venezuela đang ngày càng xấu đi.

Một số chính trị gia Mỹ đang cáo buộc Venezuela cung cấp vũ khí cho nhóm vũ trang Hezbollah và “Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia” (FARC). Caracas đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Tình hình ở Venezuela trở nên căng thẳng từ cuối tháng 3/2017 sau khi Tòa án Tối cao nước này cho phép Tổng thống Nicolas Maduro được quyền hành động mà không cần thông qua quốc hội nước này và Tòa án tối cao tự cho mình có được các chức năng của quốc hội.

Sau đó, do chịu sức ép của Hội đồng An ninh Quốc gia Venezuela nên cơ quan này đã phải xem lại quyết định của mình.

Tuy nhiên, hành động này của Tòa án Tối cao Venezuela được coi là căn nguyên dẫn đến các vụ biểu tình quy mô lớn kéo dài chống chính phủ từ đầu tháng 4/2017.

Những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Maduro phải từ chức và tiến hành các cải cách dân chủ ở quốc gia này. Quá trình đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Tình hình càng trở nên căng thẳng khi ông Maduro triệu tập một cuộc họp của Đại hội đồng Hiến pháp để cải cách hệ thống điều hành nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại