Vì sao TQ 'chĩa búa rìu' về phía Canada thay vì Mỹ trong vụ CFO Huawei bị bắt?

Minh Thu |

Giới phân tích nhận định thay vì mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích Mỹ, việc Trung Quốc quyết định tổng công kích Canada trong vụ bắt giữ CFO Tập đoàn Công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu là nhằm mở lối tháo gỡ căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay.

Sau khi bà Mạnh bị bắt giữ ở Canada vào ngày 1/12, Trung Quốc đã liên tiếp gây sức ép để buộc Canada thả Giám đốc Tài chính (CFO) Tập đoàn Công nghệ Huawei. Bà Mạnh còn là con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Huawei, ông Nhậm Chính Phi.

Vào tối ngày 8/12, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng đã triệu tập đại sứ Canada John McCallum tới để bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” và chính thức đưa ra lời yêu cầu chính phủ Canada thả bà Mạnh.

Hàng loạt hãng truyền thông lớn của Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu và Nhân dân nhật báo đều đưa tin phản đối mạnh mẽ việc Canada bắt giữ bà Mạnh đồng thời đe dọa Canada chịu “hậu quả nặng nề” nếu không thả người.

Tiếp đó, Trung Quốc còn cho triệu tập đại sứ Mỹ Terry Branstad để tiếp tục bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” về vụ việc liên quan tới bà Mạnh. Dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ rút lại lệnh bắt bà Mạnh, nhưng lại không đe dọa Washington sẽ phải chịu “hậu quả nặng nề” như từng đưa ra với phía Canada.

Thay vào đó, ông Le chỉ nhấn mạnh với ông Branstad rằng, “Trung Quốc sẽ có thêm phản ứng đối với hành động của Mỹ”.

Trước đó, một tòa án quận ở New York đã đề nghị chính phủ Canada bắt giữ và dẫn độ bà Mạnh, người bị cáo buộc nói dối về mối quan hệ với SkyCom, một công ty cố tình bán các công nghệ do Mỹ sản xuất cho Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Washington với Tehran.

Điều đáng nói, bà Mạnh bị bắt vào ngày 1/12, đúng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Argentina.

Ông Wang Yiwei, Giáo sư tại Đại học Renmin, Trung Quốc nhận định vụ việc bà Mạnh bị bắt giữ đã gây cản trở cho tiến trình đàm phán giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Theo ông Wang, Trung Quốc cần "khôn ngoan" né tránh vụ bắt giữ bà Mạnh để có thể đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại trong vòng 90 ngày như ông Tập và ông Trump đã đồng thuận trong sự kiện G20.

“Chúng ta cần nhìn tổng thể hoàn cảnh và biết điều gì cần ưu tiên trước. Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nhà lãnh đạo là không thể bị ngắt quãng”, ông Wang nói.

Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc cũng chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào nhắc tới mối liên hệ giữa vụ bà Mạnh bị bắt giữ với cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Nhà nghiên cứu cấp cao Chen Fengying tại Viện Các mối quan hệ quốc tế đương thời Trung Quốc nhấn mạnh thêm, không cần thiết để liên kết vụ việc của bà Mạnh với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà “tốt hơn hết là nói chuyện thông qua các kênh ngoại giao”.

Trong ngày 9/12, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng cho rằng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung không nên bị ảnh hưởng vì vụ bà Mạnh bị bắt giữ.

Đây chính là lý do Bắc Kinh tiếp tục gia tăng sức ép với phía Canada.

Cụ thể, hôm 9/12, tờ Thời báo Hoàn Cầu viết, “Canada không thu lại được bất cứ lợi ích quốc gia nào nếu có ý định nịnh bợ Mỹ thông qua vụ đối xử bất công với bà Mạnh. Nếu bà Mạnh bị dẫn độ tới Mỹ, Canada sẽ chỉ nhận được sự biết ơn ít ỏi từ phía Mỹ nhưng nhận lại sự phản đối mạnh mẽ nhất từ phía Trung Quốc.

Dư luận Trung Quốc sẽ đặc biệt quan tâm tới vấn đề này và sẽ đề nghị chính phủ Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt mạnh mẽ với Canada. Canada nên cân nhắc những được mất khi để mối quan hệ Trung Quốc – Canada bị ảnh hưởng vì vụ việc bắt giữ bà Mạnh”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại