"Nội chiến" vì S-400 với Mỹ, "cái búng tay" của Thổ Nhĩ Kỳ không thể đưa mọi thứ trở lại như xưa?

Quốc Vinh |

Ngay cả khi cách giải quyết bế tắc S-400 được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra, nó vẫn có thể làm thay đổi vĩnh viễn nhiều thứ.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia các tiến trình ngoại giao sâu rộng trong hơn 1 năm qua để cố gắng giải quyết tranh cãi liên quan đến quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tiên tiến từ Nga.

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần nói về vấn đề này, kể cả trong một cuộc gọi điện thoại vào cuối tháng trước. Nhưng sự rạn nứt giữa hai người vẫn còn quá lớn để có thể hàn gắn, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ Iyad Dakka, viết trên World Politics Review.

Mặc dù vậy, theo nhà phân tích này, ngay cả khi cách giải quyết bế tắc S-400 được đưa ra, nó vẫn có thể làm thay đổi vĩnh viễn quỹ đạo của quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, mà rộng hơn nữa là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO và cùng với mối quan hệ với các nước phương Tây khác.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành "tấm gương xấu" cho NATO?

Trong những tuần gần đây, Mỹ đã tăng áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu tháng 4, Mỹ đóng băng việc giao hàng F-35 cho đến khi tìm thấy giải pháp về S-400.

Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng sau đó đã đưa ra tối hậu thư về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải quyết định vào cuối năm nay họ sẽ chọn S-400 hay F-35, bởi vì Ankara sẽ không được phép có cả hai.

Từ quan điểm của Mỹ, việc một đồng minh NATO mua và vận hành một hệ thống phòng thủ tiên tiến của Nga không chỉ là vấn đề kỹ thuật. Một hợp đồng như vậy có tầm quan trọng về địa chính trị và mang tính biểu tượng lớn. Nó sẽ đưa ra thông điệp làm lung lay mối quan hệ quốc phòng của Mỹ với các đồng minh.

"Hôm nay, Thổ Nhĩ Kỳ không nể mặt Mỹ để mua vũ khí tối tân của Nga. Ngày mai có thể sẽ là một đồng minh NATO khác", chuyên gia Dakka nhận xét.

Theo đó, S-400 trông giống như một chiến thuật gây chia rẽ, làm nổi bật các vết nứt hiện có của NATO, từ vấn đề Syria, Ukraine, cho đến lo ngại của đồng minh về việc Tổng thống Trump liên tục đưa ra những tuyên bố làm sụp đổ liên minh, thậm chí là đưa nước Mỹ rời khỏi khối quân sự.

Với viễn cảnh đầy rủi ro như vậy, sẽ là không hợp lý nếu như Washington chấp nhận cho Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa này từ Moscow.

Tuy nhiên, không có gì bất ngờ khi Thổ Nhĩ Kỳ đã gia cố gấp đôi lập trường của mình và đe dọa sẽ mở các cuộc đàm phán về lô hàng S-400 thứ hai với Nga nếu các đối tác phương Tây tiếp tục chiến thuật gây áp lực.

Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đã úp mở về việc mua máy bay chiến đấu tiên tiến từ các nhà cung cấp khác, kể cả ở Nga hoặc Trung Quốc, nếu người Mỹ "rút phích cắm" với thỏa thuận F-35.

Cái kết nào cho Ankara?

Trên thực tế, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã phàn nàn về sự phụ thuộc một chiều của họ vào phương Tây về mua sắm quân sự và nhu cầu quốc phòng. Trong Chiến tranh Lạnh, Ankara cảm thấy bắt buộc phải chấp nhận những gì tình hình đề ra lúc ấy.

Nội chiến vì S-400 với Mỹ, cái búng tay của Thổ Nhĩ Kỳ không thể đưa mọi thứ trở lại như xưa? - Ảnh 3.

Tổng thư ký NATO đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để giảm nhiệt căng thẳng.

Ngày nay, người Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét lại đánh giá chiến lược của họ và tìm cách phòng ngừa, nhìn xa hơn về phía Đông, không chỉ đến Moscow mà trên khắp châu Á.

Nhưng chi phí đa dạng hóa địa chính trị cho một quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ - đặc biệt là ở các khu vực quân sự nhạy cảm - có thể khá cao.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng Mỹ có phương tiện để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ bị cấm nhận bất kỳ chiếc F-35 nào trong tương lai, mà các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan đến việc sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm một số thành phần của máy bay cũng sẽ bị mất hàng tỷ USD.

Cùng với đó, lệnh trừng phạt rộng lớn hơn của Mỹ sẽ làm tổn thương các hoạt động xuất khẩu không liên quan khác đối với các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD cho 30 máy bay trực thăng T129 ATAK do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất cho Pakistan.

T129 bao gồm các công nghệ động cơ quan trọng được Mỹ cấp phép theo yêu cầu nghiêm ngặt của bộ Ngoại giao. Cuối cùng, các thị trường toàn cầu đang theo sát tình hình do lo ngại những tác động tiềm tàng đáng kể đối với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã mất giá đáng kể so với ngoại tệ trong năm qua.

Nga cũng là vấn đề mà Thổ Nhĩ Kỳ phải lo lắng. Tổng thống Pu tin sẽ phản ứng thế nào nếu người đồng cấp Erdogan tự đảo ngược thỏa thuận S-400?

Trong một nỗ lực để giúp Erdogan thoát khỏi bế tắc, nhà lãnh đạo Nga liệu có vui khi thấy Moscow chỉ đơn giản nhận được số tiền còn nợ theo nghĩa vụ hợp đồng trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thỏa thuận? Hay ông cũng sẽ chuyển sang thái độ cứng rắn và đe dọa chấm dứt hợp tác trên các lĩnh vực chung, bao gồm cả phía Bắc Syria?

Tất cả các bên vẫn tiếp tục đàm phán trong nỗ lực để tìm ra cách thoát khỏi mớ hỗn độn này. Có một cuộc thảo luận về cách giải quyết hợp lý nhất là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể mua S-400, nhưng sẽ không triển khai vũ khí hoặc thậm chí gửi chúng đến một nước thứ ba.

Các quan chức Mỹ cũng đang đề nghị cung cấp hệ thống tên lửa Patriot. Hôm 6/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tới Ankara để vận động hành lang ủng hộ lựa chọn tên lửa Patriot của Mỹ, nhằm hạn chế sự xuống cấp hơn nữa trong quan hệ an ninh với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, bất kể kết quả như thế nào, sẽ có nhiều câu hỏi hơn được đặt ra ở Washington và Brussels về vai trò và giá trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO, về việc liệu nước này có thực sự là một phần của liên minh hay không.

Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ song phương với Mỹ ngày càng u ám, với chủ nghĩa chống Mỹ dường như đang gia tăng trong mọi tầng lớp.

Cuộc "nội chiến" vì tên lửa Nga có thể kết thúc, nhưng những căng thẳng và thất vọng tiềm ẩn đang khiến tình bạn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại