Nợ thuế khó thu các địa phương tăng gần 6.000 tỷ đồng, TP.HCM chiếm gần 1/3

Thảo Nguyên |

Tổng số nợ thuế do ngành Thuế quản lý đến 31/12/2015 là 79.276,2 tỷ đồng, do Hải quan quản lý là 6.529,9 tỷ đồng.

Báo cáo quyết toán Ngân sách nhà nước 2015 của Kiểm toán Nhà nước trong phiên họp Quốc hội chiều nay cho biết chỉ ra một số vấn đề về nợ Thuế do ngành Thuế và Hải quan quản lý.

Trong đó, nợ thuế do ngành Thuế quản lý: Tổng số nợ thuế đến 31/12/2015 là 79.276,2 tỷ đồng, tăng 4,2% (3.203,1 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2014, trong đó:

Nợ có khả năng thu giảm 2% (1.048,8 tỷ đồng), 31/63 địa phương có mức dư nợ có khả năng thu giảm, bên cạnh đó một số địa phương có mức dư nợ có khả năng thu tăng cao.

Báo cáo chỉ ra những địa phương mức dư nợ có khả năng thu giảm như: Thành phố Hồ Chí Minh giảm 16% (số tuyệt đối giảm 2.539,5 tỷ đồng); tỉnh Sóc Trăng giảm 88% (265,8 tỷ đồng); thành phố Đà Nẵng giảm 26% (445,8 tỷ đồng); tỉnh Phú Thọ giảm 74% (327,2 tỷ đồng).

Ngược lại, dư nợ có khả năng tăng thu cao tại Thành phố Hà Nội tăng 17% (số tuyệt đối tăng 3.078,7 tỷ đồng); tỉnh Gia Lai tăng 549% (249 tỷ đồng); Lạng Sơn tăng 398% (55,8 tỷ đồng); Hà Tĩnh tăng 189% (287,3 tỷ đồng)...

Nợ khó thu tăng 42% (5.742,6 tỷ đồng), 56/63 địa phương có mức dư nợ khó thu tăng.

Cụ thể theo Kiểm toán nhà nước, nợ khó thu của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 52% (số tuyệt đối tăng 1.882 tỷ đồng); thành phố Hà Nội tăng 25% (532,4 tỷ đồng); tỉnh Quảng Nam tăng 392% (482,6 tỷ đồng); Phú Thọ tăng 172% (241,9 tỷ đồng); Bình Định tăng 86% (204,6 tỷ đồng); Bắc Kạn tăng 702% (54,1 tỷ đồng); Yên Bái tăng 713% (122,4 tỷ đồng)...

Nợ chờ xử lý giảm 33,8% (1.490,7 tỷ đồng), 40/63 địa phương có dư nợ chờ xử lý giảm, 23/63 địa phương có dư nợ chờ xử lý tăng.

Báo cáo còn cho biết thêm: Mặc dù năm 2015 về tỷ trọng nợ thuế so với thu nội địa (trừ dầu thô) có giảm nhưng vẫn tiếp tục tăng về quy mô qua các năm; 40/63 địa phương có nợ thuế cuối năm 2015 tăng so với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; một số doanh nghiệp chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, để nợ thuế kéo dài, khoản tiền phạt chậm nộp tăng lên; một số trường hợp kinh doanh thua lỗ đã tự giải thể, phá sản, bỏ khỏi địa chỉ sản xuất, kinh doanh, còn nợ thuế.

Nợ thuế tăng còn do một số Cục thuế hoặc Chi cục thuế thực hiện không triệt để các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Ngoài ra, công tác phân loại nợ thuế thiếu cơ sở, căn cứ và bằng chứng; 23/46 Cục thuế địa phương tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế 1.618 tỷ đồng.

Về Nợ thuế do ngành Hải quan quản lý: Nợ thuế quá hạn đến 31/12/2015 là 6.529,9 tỷ đồng, giảm 8,18% (581,2 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2014, cụ thể: (i) Nợ quá hạn về thuế chuyên thu giảm 9,5% (470,4 tỷ đồng), trong đó 23/34 Cục Hải quan có số nợ thuế chuyên thu giảm, 11/34 Cục Hải quan có số nợ đọng thuế chuyên thu tăng; (ii) Nợ quá hạn về thuế tạm thu giảm 5,1% (110,8 tỷ đồng).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại