Nín thở chờ Pháp “giải cứu” sức ép hạt nhân Iran giữa Washington

Minh Đức |

Ông Emmanuel Macron liệu có thể thuyết phục người đứng đầu nước Mỹ ngừng việc rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã ít nhiều phát triển một mối quan hệ khá tích cực với người đứng đầu nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, liệu sự thân tình giữa hai nguyên thủ quốc gia có giúp Paris giữ lại được thoả thuận hạt nhân Iran - hiện đang bị ông Trump đe doạ phá bỏ?

Điều trên sẽ được kiểm chứng vào 23/4 khi nhà lãnh đạo Pháp bắt đầu chuyến công du chính thức tới Washington. Trong khi đó, giới ngoại giao châu Âu dường như đã đầu tư quá nhiều công sức vào nhiệm vụ đầy thách thức này.

Không còn nhiều thời gian. Ông Trump sẽ đưa ra quyết định vào ngày 12/5 về việc, liệu các cuộc nói chuyện với Paris, Berlin và London để đạt được những biện pháp cứng rắn hơn dành cho Iran – có tiến triển tốt hay không.

Nếu cảm thấy thoả thuận 2015 không còn sửa chữa được, Tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ dừng sự ủng hộ của mình và mở đường cho các lệnh trừng phạt mới của Mỹ - có thể khiến toàn bộ hiệp định bị đổ vỡ.

Châu Âu coi viễn cảnh trên là một thảm hoạ, không chỉ đối với chiến lược không phổ biến vũ khí hạt nhân của họ, mà còn trong cả mối quan hệ với Washington.

Nếu ai có thể thuyết phục được ông Trump, đó sẽ là Macron. Tổng thống Pháp được đánh giá là có mối quan hệ thân thiết hơn với Nhà Trắng, so với những người đồng cấp đến từ Anh và Đức là Thủ tướng Theresa May và Angela Merkel.

Paris là đồng minh châu Âu đầu tiên đề nghị các biện pháp cứng rắn hơn đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, để bổ sung cho thoả thuận hạt nhân. Tuy nhiên liệu điều đó đã đủ? Ông Trump còn muốn thay đổi hiệp định để kết thúc cái gọi là “các điều khoản hoàng hôn”, cho phép Iran tái khởi động một phần chương trình hạt nhân của mình sau năm 2025.

Nhưng phương Tây không thể đơn phương sửa đổi văn kiện.

Iran tuyên bố, thoả thuận hạt nhân 2015 là bản cuối; đồng thời cảnh báo, họ sẽ tái kích hoạt chương trình hạt nhân nếu hiệp định này bị đổ vỡ.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CBS, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói, Iran có nhiều lựa chọn nếu Mỹ rút khỏi thoả thuận, bao gồm cả việc “tái khởi động các hoạt động hạt nhân nhưng ở tốc độ nhanh hơn rất nhiều”.

Ngoài ra, thoả thuận cũng là kết quả của những tháng ngày hoạt động ngoại giao cường độ cao giữa Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ - dưới sự bảo hộ của châu Âu.

Và giờ đây, chỉ có ông Trump muốn xé bỏ nó.

Đại diện của Anh, Pháp và Đức đã có những cuộc đàm phán sâu với người đứng đầu cơ quan chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ Brian Hook về nội dung của thoả thuận bổ sung.

“Ông Trump ghét thoả thuận này”.

Tuy nhiên, các đại diện châu Âu cho biết, bất chấp những tiến triển với phía Mỹ, họ không biết rõ liệu mình đã đến gần được một hiệp định mà Tổng thống Mỹ sẽ chấp nhận hay chưa.

Để làm hài lòng ông Trump, châu Âu đang nghiên cứu một văn bản bao gồm những điều khoản, ngăn cản Iran quay trở lại với chương trình hạt nhân vào sau năm 2025 – thời điểm thoả thuận hạt nhân 2015 kết thúc.

Ngoại trưởng Zarif nói, thoả thuận gốc bao gồm một “lời thề” rằng Iran sẽ không bao giờ sản xuất bom hạt nhân, và một lần nữa khẳng định quyết tâm thực hiện điều này của Tehran.

Châu Âu thậm chí có thể gọi tuyên bố này là một thoả thuận mới, nếu nó đủ khả năng thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ bằng lòng với các điều khoản trong văn bản nguyên gốc.

Tuy nhiên, “ông Trump ghét thoả thuận này”, một nhà ngoại giao châu Âu thừa nhận.

Trong khi đó, ông Brian Hook cho biết: “Nếu chúng ta có thể đạt được một hiệp định, nó sẽ được đệ trình lên ngài Tổng thống bởi Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh quốc gia, và sau đó ông ấy sẽ đưa ra quyết định liệu Mỹ sẽ ở lại hoặc là tiếp tục trừng phạt Iran”.

Ông John Bolton – một chính trị gia được đánh giá là có lập trường khá “diều hâu” trong vấn đề Iran, được bổ nhiệm làm tân Cố vấn An ninh Quốc gia mới của Mỹ, có vẻ càng khiến châu Âu bi quan hơn. Điều tương tự đã xảy ra khi Tổng thống Trump tuyên bố chọn giám đốc CIA Mike Pompeo làm Ngoại trưởng Mỹ, thay Rex Tillerson.

Pompeo luôn tỏ ra cứng rắn với Iran. “Tôi muốn sửa đổi thoả thuận này. Đó là mục tiêu,” ông Pompeo phát biểu trước các nhà lập pháp Mỹ. “Nếu không có khả năng thay đổi nó, tôi khuyến nghị ngài Tổng thống cố gắng hết sức làm việc với các đồng minh, để đạt được một kết quả và thoả thuận tốt hơn. Thậm chí ngay cả sau ngày 12/5”.

Không có kế hoạch B

Khi hạn cuối đang cận kề, ngay cả một số chính trị gia theo trường phái “diều hâu” tại Washington, cũng đề xuất việc Mỹ áp dụng lại trừng phạt Iran, có thể được trì hoãn.

Tuy nhiên, nếu thương thảo bất thành, và ông Trump quyết định rời khỏi thoả thuận hạt nhân, có vẻ như sẽ không có Kế hoạch B – ít nhất là từ phía châu Âu.

“Bất kỳ ai muốn huỷ bỏ thoả thuận Iran, đầu tiên cần phải nói với chúng tôi rằng, anh ta sẽ làm gì nếu Iran tái khởi động chương trình làm giàu uranium của họ,” Đại sứ Pháp tại Mỹ Gerard Araud viết trên Twitter.

Sau chuyến thăm của ông Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có mặt tại Washington. Và sau đó, trái bóng sẽ hoàn toàn nằm trong tay của ông Trump.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại