Những “tử huyệt” chiến tranh của NATO ở châu Âu

Thùy Dương |

Những thách thức hậu cần cơ bản như hạ tầng giao thông cũ kỹ cùng với sự phức tạp trong thủ tục hành chính trong các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể là trở ngại giảm khả năng phản ứng nhanh của lực lượng này trước cuộc tấn công tiềm tàng từ đối thủ vào lãnh thổ các quốc gia Baltic.

Hệ thống giao thông yếu kém

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 26/6 chỉ ra rằng, dù không ngừng mở rộng hiện diện quân sự trên toàn châu Âu, NATO bị cho là đã thất bại trong việc duy trì những tuyến đường vận tải quân sự trong trường hợp xảy ra đụng độ lớn.

Hạ tầng cơ sở đường sá, trong đó có nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, cầu cũ kỹ không thể đảm bảo trọng tải lớn lưu thông hay hệ thống ray đường sắt không đồng bộ là rất nhiều trong số các yếu tố có thể làm trì hoãn phản ứng của quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới trước một cuộc tấn công từ đối thủ.

Cụ thể, tình hình nghiêm trọng đã được chỉ ra trong cuộc tập trận vào năm ngoái của NATO tại Đức khi các xe thiết giáp phải di chuyển hơn 1.600km trong điều kiện tương đối khó khăn.

Việc điều động binh lực dự kiến 2 tuần lại kéo dài tới 4 tháng vì nhiều lý do, trong đó có các thủ tục nghiêm khắc của Đức liên quan tới hoạt động vận chuyển phương tiện quân sự bằng đường sắt.

“Chúng ta phải có khả năng di chuyển nhanh hoặc nhanh hơn Nga để có thể ngăn chặn hiệu quả”, ông Ben Hodges, cựu Tư lệnh hàng đầu của Mỹ ở châu Âu nhận định và cho rằng, những trở ngại về hậu cần sẽ tạo ra sự tổn thất lớn cho quân đội NATO trong trường hợp leo thang quân sự.

Còn theo cựu đặc phái viên Mỹ tại NATO, Douglas Lute, khả năng cơ động của quân đội NATO trên khắp châu Âu đã bị giảm sút. Giao thông là một vấn đề rất thực tế và “là triệu chứng của vấn đề lớn” tại một châu Âu không còn thống nhất, tự do và hòa bình.

Một thách thức khác cho những nhiệm vụ di chuyển quân sự trong lòng châu Âu là từ Thụy Điển, một quốc gia không thuộc NATO nhưng vẫn thường trợ giúp liên minh quân sự và tham gia trong một số chiến dịch. Thụy Điển yêu cầu liên quân do Mỹ dẫn đầu phải báo trước 3 tuần mới cho phép di chuyển các phương tiện quân sự chạy qua lãnh thổ nước mình.

Hơn nữa, các tuyến đường sắt của các quốc gia Baltic có rộng hơn so với tiêu chuẩn chung phương Tây. Vì thế, hàng hóa, khí tài quân sự... đều phải được dỡ xuống và chuyển sang một đoàn tàu tương thích khi tới gần biên giới Ba Lan với Lithuania, gây cản trở về mặt thời gian cho một chiến dịch quân sự lớn.

Thủ tục hành chính quan liêu

Tại các nước thành viên NATO ở châu Âu chỉ duy trì một lượng nhỏ quân lực. Vì thế, quân đội NATO trên khắp châu Âu sẽ phải di chuyển hàng trăm km nếu đụng độ xảy ra.

“Nếu anh có thể đến đó (các quốc gia Baltic) trong 45 ngày, anh đã quá muộn cho cuộc chiến. Thua cuộc là điều dễ hiểu”, Thiếu tướng Steven Shapiro phụ trách hậu cần và công tác bảo trì của quân đội Mỹ ở châu Âu nhận định.

Tướng Shapiro lưu ý rằng, gần đây ông đã phải nộp 17 mẫu đơn để thông qua thủ tục chuyển quân từ cảng Bremerhaven của Đức đến Ba Lan. Còn Trung tá Adam Lackey, người đứng đầu một trung đoàn thiết giáp của Mỹ cho hay: “Họ không quan tâm dù bạn là lực lượng Mỹ đang hiện diện ở châu Âu”.

Ông Lackey cho biết, Đức chỉ cho phép các đoàn xe hộ tống quân sự mang theo xe tăng và các thiết bị hạng nặng khác đi trên đường cao tốc vào ban đêm. Hay sự không thống nhất giữa Hungary và Romania khi cho phép đoàn xe bọc thép Stryker được đưa xe lửa để di chuyển cũng làm mất rất nhiều thời gian.

Trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh của NATO chuẩn bị được tổ chức ở Brussels (Bỉ) vào tháng 7 tới, các nhà lãnh đạo NATO mới chỉ bắt đầu giải quyết các vấn đề cơ bản khi làm việc với Liên minh châu Âu để thúc đẩy kinh phí cho cơ sở hạ tầng và giảm rào cản hành chính quan liêu.

Các quan chức NATO dự kiến ​​sẽ phê chuẩn hai quyết định mới có thể giúp giảm thời gian triển khai quân sự bên trong lãnh thổ các quốc gia đồng minh; Đồng thời, có thể tăng số lượng quân dự bị lên tới khoảng 30 nghìn chỉ trong vòng 30 ngày.

Tuy nhiên, điểm khó khăn nhất để bảo vệ tất cả các quốc gia NATO là một dải đất hẹp nối Lithuania với Ba Lan, rộng 65km và được bao bọc bởi một bên là vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga và bên kia là Belarus, một đồng minh mật thiết của Moscow.

Dải đất “mong manh” nối các quốc gia Baltic với phần còn lại của NATO thông qua một tuyến đường sắt duy nhất và một đường cao tốc hai làn trên một khu vực địa hình hiểm trở.

Giả sử như trường hợp quân đội Moscow ồ ạt băng qua biên giới tại đây, Nga có thể chiếm được Thủ đô Riga của Latvia trong vòng 60 giờ hoặc ít hơn. Điều này, đòi hỏi các nhà lãnh đạo NATO cần “thức giấc” trước khi có thể bị đánh trúng “tử huyệt” bất cứ lúc nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại