Những nghiên cứu khoa học lạ đời nhất năm 2018

Linh Trần |

Vì sao người thời đồ đá cũ ăn thịt đồng loại? Các nhà khoa học đã dùng... tàu lượn siêu tốc để đào thải sỏi thận như thế nào? Vì sao bánh pizza nướng bằng lò than truyền thống lại có hương vị thơm ngon hơn pizza nướng bằng lò điện?

Dưới đây là những ý tưởng được BuzzFeed bình chọn vào top các nghiên cứu khoa học lạ lùng nhất năm 2018. Trong số này có cả những nghiên cứu được giải IgNobel, một phiên bản của giải Nobel ra đời năm 1991 để vinh danh các nghiên cứu khác lạ lẫn ngớ ngẩn nhất thế giới.

"Đào thải" đồ chơi Lego khỏi cơ thể

6 người lớn tham gia nuốt những cái đầu Lego nhỏ và theo dõi nó sẽ được thải ra ngoài trong bao lâu, đó là đề tài của một nghiên cứu của đại học Melbourne (Úc) được xuất bản trên tạp chí Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em (Journal of Pediatrics and Child Health) hồi tháng 11 năm ngoái (2018).

Điều thú vị là các tác giả nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm với chính mình, họ cũng chính là những người tham gia.

Kết quả là các đầu Lego đã đi qua hệ tiêu hóa của các nhà nghiên cứu trong vòng một đến ba ngày mà không gặp khó khăn.

Thói quen đi vệ sinh trước đó của những người tham gia được ghi nhận và đo lường bằng điểm số Vận chuyển và Độ cứng phân (SHAT), với biến phụ thuộc là điểm số Thời gian thu hồi và Tìm thấy (FART).

Các tác giả đã khẳng định lại với các phụ huynh đang lo lắng trước những tình huống tương tự rằng, các vật thể sẽ đi qua cơ thể những người lớn tham gia nghiên cứu mà không có biến chứng nào. Do đó, phụ huynh cũng không nên "kỳ vọng tìm kiếm (vật thể) trong phân của trẻ để chứng minh sự thu hồi vật thể".

Các tác giả cũng lưu ý rằng, nghiên cứu này có một giới hạn rõ ràng về phương pháp luận. Đó là, những người tham gia không thể không nhìn thấy "đầu ra" vì họ "cảm thấy không công bằng khi để cho các đồng nghiệp hay đối tác tìm kiếm sản phẩm chất thải của họ".

Những nghiên cứu khoa học lạ đời nhất năm 2018 - Ảnh 1.

MAMILS

Mamil (middle-aged man in Lycra) là từ dùng để chỉ những người đàn ông trung niên có thú chơi thời thượng là cuarơ xe đạp, thường đi xe đắt tiền, mặc đồ thể thao chuyên nghiệp và đổi xe mỗi năm.

Sự phân bố Mamil ở Úc là mục tiêu nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đại học Sydney trong công trình mang tên "Sự trỗi dậy và đặc điểm của Mamil Úc".

Theo nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí y khoa Úc (Medical Journal of Australia), tỉ lệ đàn ông trung niên ở Úc được xếp vào nhóm Mamil ít nhất mỗi tuần một lần đã tăng từ 6,2% năm 2002 lên 13,2% năm 2016.

"Nơi cư trú của Mamil chủ yếu là các vùng phụ cận giàu có của các thành phố lớn, thường ở gần hồ" và các thói quen thể thao của họ có thể không đóng góp đáng kể cho các hoạt động thể chất toàn diện ở Úc nói chung.

Những nghiên cứu khoa học lạ đời nhất năm 2018 - Ảnh 2.

(Ảnh: Wikipedia)

Thử nghiệm cho bạch tuộc dùng thuốc lắc!

Giữa người và bạch tuộc có những sự giống nhau nào trong phản ứng hành vi khi dùng thuốc lắc, đó là đề tài của một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Sinh học hiện đại (Current Biology) hồi tháng 9 năm ngoái.

Khi cho bạch tuộc dùng MDMA (loại ma túy tổng hợp thường được gọi là ecstasy hay thuốc lắc), các nhà khoa học nhận thấy chúng dành nhiều thời gian hơn với các con khác và hứng thú với việc tiếp xúc cơ thể với nhau hơn.

Thông qua phân tích gen, các nhà nghiên cứu đại học Johns Hopkins University ở Baltimore thấy rằng, bạch tuộc cũng có gen vận chuyển serotonin, là vị trí liên kết chủ yếu với ecstasy như con người. Sự tương đồng này là điều rất bất ngờ, vì bạch tuộc và người cách nhau đến 500 triệu năm về mặt tiến hóa.

Những nghiên cứu khoa học lạ đời nhất năm 2018 - Ảnh 3.

(Ảnh: Getty Images)

Tàu lượn siêu tốc đánh bay sỏi thận

Giải Ig Nobel y khoa năm 2018 đã được trao cho nghiên cứu về việc dùng... tàu lượn siêu tốc để đào thải và đẩy nhanh sự bài tiết sỏi thận.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã làm một mô hình thận người lớn bằng silicone gồm đoạn đường nối thận với bọng đái và các viên sỏi thận. Mô hình thận được thí nghiệm 60 lượt chạy ở mặt trước/ sau của một chiếc tàu lượn siêu tốc trong công viên giải trí. Các viên sỏi thận được đặt tại một trong ba vị trí khác nhau của ống dẫn thận bằng silicon: cao, thấp, trung bình.

Ở mặt trước của tàu lượn, tỉ lệ đánh bay sỏi thận không cao, chỉ 4 trên 24 lượt chạy.

Còn ở mặt sau tàu lượn, tỉ lệ sỏi bị đánh bật vào bọng đái là 23/36 lượt chạy.

Khi thực hiện thí nghiệm có phần ngộ nghĩnh này, các nhà khoa học cũng lưu ý việc "quan tâm bảo vệ và duy trì sự thưởng ngoạn của du khách ở công viên".

Những nghiên cứu khoa học lạ đời nhất năm 2018 - Ảnh 4.

Khám phá giá trị dinh dưỡng của thịt người!

Còn giải Ig Nobel dinh dưỡng 2018 đã được trao cho nghiên cứu về calorie trong... thịt người của đại học Brighton do bác sĩ James Cole dẫn đầu. Mục đích của nghiên cứu này là để tìm hiểu nguyên nhân của nạn ăn thịt người thời đồ đá cũ.

Bác sĩ Cole cho rằng, thịt người có giá trị dinh dưỡng không kém thịt động vật có cùng trọng lượng cơ thể. Tuy vậy, việc tiêu thụ thịt người có thể không phải chỉ vì hàm lượng calorie bởi vì so với thịt các loại động vật có sẵn, thịt người vẫn kém dinh dưỡng hơn.

Lý do người nguyên thủy ăn thịt người có thể là vì tập quán văn hóa, xã hội, cơ hội (một thành viên chết vì nguyên nhân tự nhiên).

Mùi cơ thể và niềm tin chính trị có liên quan tới nhau

Đó là ý kiến của các nhà khoa học đại học Stockholm (Thụy Điển) trong một nghiên cứu hồi tháng 2/2018.

Trong thí nghiệm với 201 người tham gia, các nhà khoa học giả định rằng, cảm giác ghét bỏ mùi cơ thể càng cao thì càng có niềm tin vào chủ nghĩa độc tài bởi vì sự ghét bỏ xã hội và sự ghét bỏ bệnh tật thật sự có liên quan tới nhau và các xã hội độc tài sẽ làm giảm sự tiếp xúc giữa các nhóm khác nhau.

Để đánh giá các phản ứng với mùi cơ thể của người lạ, các nhà khoa học đã sử dụng phòng thí nghiệm mùi của đại học Stockholm. Còn khác biệt cá nhân về thái độ được đo lường bằng một thang đo chủ nghĩa độc tài cánh tả (Right-Wing Authoritarianism-RWA).

Từ đó, nghiên cứu kết luận rằng, phản ứng ghét bỏ mùi cơ thể có thể dự báo thành công xu hướng ưa thích đối với chủ nghĩa độc tài.

Nghiên cứu về những cái chết trong "Trò chơi vương quyền"

Cái chết của các nhân vật chính trong "Trò chơi vương quyền" (Game of Thrones) trình chiếu trên HBO đã trở thành đề tài cho các nhà nghiên cứu đại học Macquarie (Sydney, Úc).

Để tìm ra các yếu tố dự báo tỉ lệ tử vong, các nhà nghiên cứu đã quan sát 330 nhân vật trong toàn bộ loạt phim đầy đủ từ mùa 1 đến mùa 7.

Trong đó, 56,4% trong số này đã chết trước thời điểm nghiên cứu. Tỉ lệ sống sót thấp hơn ở các nhân vật nam, nhân vật hạ lưu, những người không hề thay đổi nhiệm vụ trong suốt loạt phim, những nhân vật xuất sắc. Còn xác suất nhân vật chết trong vòng một giờ ngay sau lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh là 14%.

Những nghiên cứu khoa học lạ đời nhất năm 2018 - Ảnh 5.

(Ảnh: FIlm Book)

Thông tin này sẽ "có khả năng cao trong việc ngăn chặn những cái chết bạo lực trong thế giới Trò chơi vương quyền", các nhà nghiên cứu kết luận.

"Vật lý học trong việc nướng bánh pizza ngon"

Đó là tiêu đề của một nghiên cứu xuất bản hồi tháng 9 năm ngoái. Trong nghiên cứu này, ba nhà vật lý đến từ Ý cùng tham gia lý giải vì sao bánh pizza pizzeria nướng bằng lò thang truyền thống lại có hương vị thơm ngon hơn pizza nướng bằng lò điện.

Để xây dựng phương trình tối ưu cho một chiếc pizza Margherita, các nhà nghiên cứu đến từ học viện siêu dẫn và Thiết bị và vật liệu sáng tạo khác (Institute of Superconductors, Oxides, and Other Innovative Materials and Devices) ở Rome đã đưa vào các tham số như: nguyên tắc dẫn nhiệt, phóng xạ nhiệt, thời gian nướng.

Những nghiên cứu khoa học lạ đời nhất năm 2018 - Ảnh 7.

(Ảnh: Getty Images)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại