Những lần quá trình tiến hóa “đảo ngược” khó tin trên thế giới!

Mỹ Huyền |

Chim cánh cụt và rệp là hai trong số ít loài đã tiến hóa lùi để có hình dạng như chúng ta thấy ngày nay.

Những loài cá,cua, kỳ nhông sống trong hang động, ở môi trường ánh sáng yếu, qua nhiều thế hệ sẽ mất dần khả năng thị giác. Ví dụ, loài cá Hagfish sống ở đáy biến gần như bị mù, chúng tìm đường chủ yếu bằng khứu giác và xúc giác.

Đáng ngạc nhiên, mẫu hóa thạch 300 triệu năm tuổi của cá Hagfish cho thấy, loài này từng có mắt bình thường, nhưng tiến hóa lùi đã lấy đi đôi mắt đó.

Không chỉ thị lực, dưới đây là những trường hợp đáng chú ý hơn về sự "đảo ngược" của quá trình tiến hóa:

Những lần quá trình tiến hóa “đảo ngược” khó tin trên thế giới! - Ảnh 1.

1. Chim cánh cụt không còn biết bay

Tổ tiên của chim cánh cụt từng biết bay, nhưng chúng mất khả năng này rất nhanh sau khi những loài khủng long khổng lồ biến mất.

Loài chim cánh cụt cổ xưa nhất được biết đến, hóa thạch có niên đại khoảng 60 triệu năm trước, đã biết bơi nhưng không biết bay, với đôi cánh ngắn và mập.

Chim cánh cụt hiện đại vẫn giữ những dấu ấn của tổ tiên bay lượn của chúng, bao gồm xương cánh, đầu nhọn ở xương ức cho phép mang kèm cơ cánh và lông. Chim cánh cụt không bay được nữa, điều này cho phép chúng to béo hơn, để phù hợp với điều kiện sống.

Chim cánh cụt không biết bay phát triển cơ bắp khỏe hơn để bơi trong nước, xương đặc hơn các loài chim khác có thêm sức mạnh và giảm sức nổi, cánh ngắn và cứng biến thành mái chèo mạnh mẽ và giảm sức cản của nước.

Daniel Ksepka, một nhà cổ sinh vật và sinh vật học tiến hóa tại Bảo tàng Bruce ở Connecticut (Mỹ) cho biết:

"Trở nên to lớn hơn cho phép chim cánh cụt giữ nhiệt hiệu quả hơn, có khả năng lặn sâu và lâu hơn, giúp chúng có thể bắt được những con mồi lớn hơn".

Những lần quá trình tiến hóa “đảo ngược” khó tin trên thế giới! - Ảnh 2.

2. Rắn mất chân

Nhiều bằng chứng cho thấy từng có chân, mặc dù các nghiên cứu hiện đại vẫn đang tranh luận có phải rắn ngày nay tiến hóa từ một tổ tiên có chân sống trên đất liền hoặc trên biển.

Gần đây nhất, một bài báo đăng trên Science Advances năm 2015, đưa ra nghiên cứu đối với trường hợp rắn sống trong hang.

Bằng cách quét CT, các nhà nghiên cứu so sánh các mô hình 3D của một số loài rắn nước, rắn đào hang, thằn lằn và hóa thạch họ hàng của chúng.

Nhóm nghiên cứu tìm ra cấu trúc đặc biệt trong các mẫu hóa thạch cổ giống như ở rắn đào hang hiện đại sử dụng để tiếp nhận những rung động ở tần số thấp do con mồi phát ra.

Kết quả cho thấy rắn có nguồn gốc từ một tổ tiên đào hang, chân của chúng tiêu biến để luồn lách trong đất dễ dàng hơn.

Những lần quá trình tiến hóa “đảo ngược” khó tin trên thế giới! - Ảnh 3.

3. Rệp thiếu cơ quan bài tiết

Hầu hết các loài côn trùng đều có cơ quan bài tiết, gọi là ống Malpighi, giúp dự trữ nước, thải các chất thải chứa nitơ, giải độc và khả năng miễn dịch, ngoại trừ loài rệp.

Hệ thống bài tiết của loài rệp không được nghiên cứu rộng rãi, cho đến nay, các nghiên cứu cho thấy gen của loài rệp vẫn khá giống những loài côn trùng có ống Malpighi khác. Nhưng vì lí do nào đó, ống này mất đi trong tiến trình rệp tiến hóa.

Một nguyên nhân được các nhà khoa học ủng hộ nhất là chế độ ăn của loài rệp. Chúng ăn nhựa cây, chất lỏng này thường có thành phần đồng nhất, cấu tạo phân tử đơn giản. Vì thế rệp không cần cơ quan bài tiết chuyên biệt của côn trùng.

Những lần quá trình tiến hóa “đảo ngược” khó tin trên thế giới! - Ảnh 4.

4. Chim không có răng

Chim tiến hóa từ khủng long, loài chim cổ đại Archaeopteryx là loài chuyển tiếp nổi tiếng nhất giữa chim hiện và khủng long có lông, chúng có móng vuốt và răng.

May thay, ngay cả loài chim săn mồi hung dữ nhất ngày nay cũng không có răng, mặc dù các nhà khoa học không chắc chắn vì sao các loài chim mất bộ răng của chúng.

Một giả thuyết cho rằng răng của chim biến nhỏ dần, rồi bị thay thế bằng mỏ để giảm trọng lượng, giúp chim có thể bay. Nhưng một nghiên cứu năm 2014 đã phản bác lại giả thuyết này, vì hình thành mỏ và biến mất răng xảy ra cùng một khoảng thời gian.

Bất kể lý do vì sao chim mất răng, một vài hướng nghiên cứu cho thấy cấu trúc gen của chim không thay đổi nhiều để thực hiện sự biến đổi này.

Trong một bài báo cáo đăng trên Evolution năm ngoái, các nhà khoa học có thể tinh chỉnh phôi của gà, cho phép chúng mọc răng và diện mạo giống khủng long hơn, chỉ bằng vài thay đổi trong cấu trúc di truyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại