Những giai thoại chẳng ai biết đằng sau truyện cổ tích "Tấm Cám"

J |

Đằng sau truyện cổ tích Tấm Cám gắn liền với tuổi thơ là những dị bản thú vị. Đúng sai chưa biết, nhưng nếu ngẫm nghĩ sẽ thấy thật hợp lý.

Cơn sốt từ bộ phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" đã lắng xuống, nhưng ít nhiều vẫn để lại trong lòng khán giả những ấn tượng, cả tốt lẫn xấu.

Nhưng hãy bỏ qua bộ phim đã tốn quá nhiều giấy mực và nước bọt của dư luận này đi. Dưới con mắt của những nhà sử học hoặc những ai thích đào sâu tìm tòi về văn hoá, truyện Tấm Cám chứa nhiều điều sự thật thú vị hơn thế. 

Trong đó, có những giai thoại kỳ lạ, những chi tiết bí ẩn chưa rõ tính đúng sai, nhưng ngẫm nghĩ sẽ thấy đôi phần hợp lý.

Sự thật về gốc tích câu chuyện Tấm Cám ngày nay

Trước tiên, cần phải hiểu rằng Tấm Cám vốn là một câu chuyện dân gian truyền miệng, tức là không ai có thể rõ được nó có tự bao giờ, đến từ đâu. Chỉ biết rằng, câu chuyện về cô Tấm cũng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, dưới cái tên "Lọ lem" (Cinderella), hoặc Tro bếp.

Tùy theo nền văn hoá, cái tên này sẽ có sự sai khác như ở Pháp là Cendrillon, Ý là Cenerentola.... nhưng tất cả đều mang một ý nghĩa chung là chỉ "Tro bếp" - thứ ám chỉ số phận gắn liền với lao động khổ cực của nhân vật.

Những giai thoại chẳng ai biết đằng sau truyện cổ tích Tấm Cám - Ảnh 1.

Tấm Cám là một phiên bản khác của Tro bếp - Lọ Lem Cinderella của châu Âu

Ngay cả ở Việt Nam, theo như một nguồn tin chưa xác thực, cũng có đến 35 dị bản. Phiên bản phổ biến nhất ngày nay tất nhiên chẳng thể nào là bản gốc, mà chỉ là phiên bản ghi lại của 2 nhà văn Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Đổng Chi, được cải tiến từ bản của G. Jeanneau (1886), của A. Landes (1886), hoặc của Đỗ Thận (1907).

Nêu vậy để thấy rằng truyện Tấm Cám chúng ta vẫn được nghe ngày nay không thể là chính xác tuyệt đối, và những dị bản, những giai thoại xung quanh câu chuyện vẫn đáng được tôn trọng theo một cách nào đó.

Những giai thoại, chi tiết ít người biết đến về Tấm Cám

Một trong những chi tiết mà phiên bản phổ biến không có, đó là về con cá bống. Trong bản của Vũ Ngọc Phan, cá bống chỉ là sinh vật bầu bạn cùng Tấm, là một diễn biến trung gian giúp Tấm có được váy áo, ngựa cưỡi... để dự lễ hội.

Tuy nhiên theo một số dị bản, cá bống thực chất là mẹ Tấm đầu thai, nhưng bị mẹ con Cám sát hại. Hơn nữa, một số dị bản không có sự hiện diện của Bụt, mà chính mẹ Tấm sẽ là phép màu giúp Tấm lấy được hoàng tử và có một cuộc sống hạnh phúc.

Những giai thoại chẳng ai biết đằng sau truyện cổ tích Tấm Cám - Ảnh 2.

Chi tiết này xét ra cũng có thể hợp lý, vì các phiên bản Lọ Lem của châu Âu cũng nhận được phép màu bên mộ mẹ, còn phiên bản Tấm Cám tại các nước Đông Nam Á đều có chi tiết mẹ cô đầu thai thành con vật bầu bạn cùng cô.

Những giai thoại chẳng ai biết đằng sau truyện cổ tích Tấm Cám - Ảnh 3.

Một số dị bản còn không có Bụt xuất hiện (Ảnh minh họa).

Tiếp đến là về mối quan hệ giữa Tấm và Cám. Chúng ta vẫn biết Tấm phải sống trong "ách cai trị" của mẹ con dì ghẻ. Nhưng lại có dị bản, trong đó bao gồm bản của Jeanneau cho rằng Tấm và Cám là chị em sinh đôi.

Tất nhiên, việc quan hệ Tấm Cám như thế nào sẽ khiến nội dung thay đổi đôi chút, như việc Cám sẽ đóng giả Tấm vào làm vợ vua, và chi tiết về cá bống là mẹ Tấm sẽ bị loại bỏ.

Và cuối cùng, chính là chi tiết gây tranh cãi nhất: số phận của Cám.

Trong phiên bản của Vũ Ngọc Phan thì sau khi Tấm trở về từ cõi chết và trở nên trắng, đẹp hơn xưa, Cám vì quá ghen ghét bèn hỏi: "Chị ơi, sao chị trắng thế". Tấm trả lời: "muốn trắng thì để chị giúp cho", sau đó lừa Cám nhảy xuống hố rồi đổ nước sôi xuống. Cám tàn đời hoa từ đó.

Những giai thoại chẳng ai biết đằng sau truyện cổ tích Tấm Cám - Ảnh 4.

Sau nhiều lần bị hãm hại, Tấm vùng lên trả thù

Tuy nhiên, trong các dị bản khác, như bản của Jeanneau thì Tấm không hề lừa Cám. Khi Cám hỏi, Tấm chỉ thật thà bảo bị giội nước sôi nên vậy, Cám nghe theo, tự tắm một mình và vô tình cũng... tự hoại luôn.

Với phiên bản này, việc hại chết Cám chỉ là vô tình, còn câu nói "hiền như cô Tấm" vẫn đúng. Và nếu xét theo quan niệm của nhân loại vào thời kỳ xa xưa, nhiều nơi tồn tại niềm tin: 

"Chết trong nước sôi rồi tái sinh", thì chi tiết này có thể xem là hợp lý. Ở New Ghine, Victoria, Melanedi… vẫn còn lưu lại tàn tích niềm tin này.

Hơn nữa trong bản của Jeanneau, đoạn Tấm ngã cây cũng là "ngã vào hồ nước sôi" (thay vì xuống giếng như của Vũ Ngọc Phan) - càng làm tăng thêm tính thuyết phục của luận điểm này.

Kết

Như đã nêu đầu bài, truyện cổ tích Tấm Cám là một câu chuyện đã có từ thời xa xưa và được truyền miệng, do đó sẽ xuất hiện nhiều dị bản sao cho phù hợp với thời đại.

Bạn có thể tin hay không tin những gì được viết ở trên, nhưng xét cho cùng mục đích của cổ tích là giúp con người có thể hy vọng vào những gì tốt đẹp, đem lại những bài học mang giá trị đạo đức cao đẹp. Hãy tin vào phiên bản nào phù hợp nhất với hình ảnh "Cô Tấm" trong lòng bạn, vậy là đủ.

Nguồn: Tổng hợp, Karin Schmidt: Cinderella in Vietnam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại