Những đứa trẻ ở bãi rác Tóc Tiên

Đức Anh |

Cả đám trẻ thất thểu vui chơi với những đồ nhặt được ở bãi rác. Đứa đói bụng cuống quýt gặm bánh mỳ để khi xe rác đến còn kịp làm việc… Những hình ảnh đó quen thuộc đến mức xót xa ở khu chôn lấp rác tập trung (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành).

Một lần đến khu xử lý rác thải của Công ty TNHH KBEC Vina (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà rịa-Vũng tàu), chúng tôi ghi nhận hàng chục trẻ em đang bới rác lượm ve chai mưu sinh.

Bắt đầu từ 5 giờ sáng, các em theo cha mẹ đến bãi rác tìm phế liệu, 4 giờ chiều chở ve chai đến bán ở các điểm thu mua. Ngày nào cũng vậy, các em phải “làm việc” khoảng 8 tiếng đồng hồ trong điều kiện môi trường ô nhiễm.

Em Trần Trần Quốc Huy (11 tuổi, quê An Giang) cho biết, ngày kiếm được nhiều ve chai thì bán được 150 ngàn đồng, còn bình thường thì chỉ khoảng 60 đến 70 ngàn đồng.

Trung bình mỗi ngày, ở bãi rác rộng 5ha này có 100 lượt chuyến xe chở gần 1.000 tấn rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đổ xuống chờ xử lý. Ngày nào ở đây cũng có hàng chục trẻ em theo cha mẹ đến lượm phế liệu mưu sinh.

Hầu hết trẻ em ở đây theo cha mẹ từ các tỉnh Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang… đến. Họ căng bạt làm chỗ tá túc, sinh sống quanh khu vực xử lý rác, không ai có hộ khẩu tại địa phương và vì thế ít có đứa trẻ nào ở đây được học quá lớp 5.

“Năm nay em chuẩn bị học lớp 6, ngôi trường khá xa với “nơi làm việc”, nếu đi học sẽ không phụ giúp được cho gia đình, nên em dự định không tiếp tục đi học nữa”, Quốc Huy cho biết.

Ngoài việc phải đối mặt với nguy cơ bị các bệnh truyền nhiễm (bệnh ngoài da, mắt, bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa,...) ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, các em còn luôn phải đối mặt với các nguy cơ về tai nạn lao động.

Không khẩu trang, không quần áo bảo hộ lao động, các em dường như không có khái niệm bảo vệ bản thân trước những nguy hại từ bãi rác, trong khi đó, lẫn với rác sinh hoạt còn có cả những vật sắc nhọn.

Ngay cả việc ăn uống cũng diễn ra trong khu vực bãi rác, xung quanh đầy ruồi, chưa kể các vi sinh vật nguy hại khác.

Anh Nguyễn Văn Út (quê Vĩnh Long) 17 năm nhặt rác tại bãi rác cho biết: “Ở dưới quê không có việc làm nên tôi đưa vợ, 2 con lên bãi rác kiếm sống. Cũng muốn cho các con đi học nhưng hoàn cảnh khó khăn quá, nên các cháu học đến lớp 4 phải nghỉ theo cha mẹ đi làm”.

Theo bà Đỗ Thị Lê, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Tân Thành, hiện nay có khoảng 25 em tham gia phụ giúp cha mẹ, kiếm sống bằng việc nhặt rác tại khu xử lý rác thải của Công ty TNHH KBEC Vina.

Những năm qua Phòng LĐTBXH huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương nhằm giải quyết tình trạng trẻ em tại bãi rác; đã tuyên truyền, vận động cha mẹ các em cho con đến trường, tuy nhiên do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc tham gia của các em không được thường xuyên.

Giải quyết tình trạng trẻ lao động sớm ở khu vực bãi rác Tóc Tiên là không dễ vì hầu hết gia đình cư ngụ ở đây đều không có việc làm ổn định, cuộc sống rày đây mai đó.

“Quan trọng nhất vẫn là cha mẹ các em phải có ý thức, trách nhiệm với con cái mình, quan tâm, tạo điều kiện để các em có cuộc sống an toàn hơn, được đến trường”, bà Đỗ Thị Lê nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại