Những điều ít người biết về Jack Ma

Lê Tiên Long |

Xuất thân từ giáo viên tiếng Anh ở Hàng Châu, khởi nghiệp từ công ty dịch thuật, từng nhận khoản đầu tư đầu tiên của Goldman Sachs hay thích Thái Cực Quyền... là những thông tin nhiều người biết về tỷ phú nổi tiếng Trung Quốc Jack Ma. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thông tin về vị tỷ phú này mà không phải ai cũng biết.

Từng buôn hoa tươi và quà tặng

Ai cũng biết công ty đầu tiên Jack Ma thành lập năm 1992 là Công ty dịch thuật Hải Bác, có vốn đăng ký chỉ là 3.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, công ty rất khó khăn, doanh thu tháng đầu tiên chỉ được 1.000 tệ, trong khi tiền thuê nhà đã là 1.500 tệ. Để có tiền, Jack Ma đã tính cách bán hoa tươi và quà tặng.

Theo tác giả Vương Lợi Phân trong cuốn sách Jack Ma giày vải, Jack Ma đã phải vác bao tải lên tàu hỏa đến chợ đầu mối Nghĩa Ô ở Hàng Châu để nhập hàng. Văn phòng được ông chia làm đôi, một nửa vẫn dành cho công ty dịch thuật, một nửa dùng để bán hoa tươi và quà tặng. Jack Ma còn từng vác bao tải đựng quà tặng là các mặt hàng tiểu thủ công đi rao bán khắp thành phố Hàng Châu. Ông cũng từng bán máy móc y tế và thuốc tân dược trong hơn một năm trời.

Việc bán quà tặng đem lại cho Jack nguồn thu 3.000-4000 tệ mỗi tháng, tuy nhiên, công việc dịch thuật vẫn chỉ mang lại doanh thu vài trăm tệ. Phải sau 3 năm, công ty dịch thuật của ông mới bắt đầu có lãi.

Những điều ít người biết về Jack Ma - Ảnh 1.

Từng làm cho Bộ Ngoại thương

Nhờ thành công của sản phẩm Trang vàng Trung Quốc, năm 1997, Jack Ma nhận được lời mời đến làm việc tại Bộ Ngoại thương Trung Quốc, với chức Tổng giám đốc bộ phận thông tin của Trung tâm thương mại điện tử quốc tế Trung Quốc (EDI).

Jack Ma cùng 8 cộng sự đã gia nhập trung tâm này, và được nắm 30% cổ phần. Tại đây, Jack Ma đã tiếp thị và giới thiệu thành công hàng loạt trang web của các doanh nghiệp Trung Quốc. Gần như toàn bộ các trang web đầu tiên của Bộ Ngoại thương nước này đều do Jack Ma và các cộng sự hoàn thành. Trong đó, chợ giao dịch hàng hóa Trung Quốc trên internet là dự án xuất sắc nhất của ông, đã thu được lợi nhuận ngay từ năm đầu tiên.

Tuy nhiên, do chỉ là một giám đốc hợp đồng, không có quyền quyết định, Jack Ma và các cộng sự đã phải ngậm ngùi chia tay môi trường nhà nước. Khi ông quyết định quay trở về Hàng Châu khởi nghiệp trở lại năm 1999, tất cả các cộng sự đều đồng lòng đi theo!

Vì sao đặt tên doanh nghiệp là Alibaba

Điều này có thể không lạ với nhiều người, khi Jack Ma đã từng giải thích: Đây là cái tên mà gần như người ở tất cả các nước trên thế giới đều có thể cùng đọc được, cùng viết và phát âm giống nhau. Nhân vật trong Nghìn lẻ một đêm này cũng quá nổi tiếng, bằng chứng là khi ở Mỹ, Jack Ma đã phỏng vấn trên 60 người từ khắp các nước, không ai là không biết.

Đặc biệt, cái tên này còn gợi nhớ đến một khẩu hiệu nổi tiếng: "Vừng ơi, mở ra!". Jack Ma từng chia sẻ: "Alibaba là một thanh niên lương thiện, chính trực, anh ta muốn san sẻ kho báu cho mọi người chứ không muốn độc chiếm làm của riêng".

Những điều ít người biết về Jack Ma - Ảnh 2.

Cực kỳ đúng hẹn

Vương Lợi Phân, trong cuốn sách của bà, tiết lộ, trong suốt 3 năm đồng hành cùng bà trong chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp Win in China, Jack chưa từng một lần trễ hẹn. Có lần, năm 2011, khi Jack có hẹn đối thoại với sinh viên Đại học Ngoại thương nhưng bị sốt, ông vẫn cố gắng đến để thuyết trình trong bộ dạng xanh xao.

Thậm chí, để giữ lời hứa đến diễn thuyết tại một doanh nghiệp ở Đài Loan, Jack Ma đã phải hoãn việc đưa nghiệp vụ B2B của Alibaba lên sàn chứng khoán Hong Kong một ngày, dù tất cả sự chuẩn bị đã hoàn tất.

Thuyết trình trong 6 phút để giành khoản đầu tư 20 triệu USD

Sau khi CFO Thái Sùng Tín thu xếp được khoản đầu tư nước ngoài 5 triệu USD vào Alibaba từ quỹ Goldman Sachs, Softbank đã là nhà đầu tư tiếp theo, góp 20 triệu USD vào công ty này. Đặc biệt, trong buổi gặp mặt đầu tiên với Chủ tịch Softbank Masayoshi Son, Jack Ma chỉ trình bày có 6 phút mà đã khiến Masayoshi Son quyết định đầu tư 40 triệu USD. Sau quá trình thương lượng, với sự tư vấn của Thái Sùng Tín, Softbank chốt lại mức đầu tư 20 triệu USD.

Nhờ uy tín của Kim Dung, tổ chức thành công Tây Hồ luận kiếm

Năm 2000, Alibaba mới thành lập 1 năm, tên tuổi còn chưa đáng kể. Vậy mà Jak Ma đã thuyết phục được nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng Kim Dung đến Hàng Châu, tham dự sự kiện Tây Hồ luyện kiếm vào tháng 9. Nhờ danh tiếng của Kim Dung, mà rất nhiều lãnh đạo các công ty internet, kinh doanh trực tuyến của Trung Quốc đã tham dự, từ My8848, Netease, Sohu, Sina, đến các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc. Sự kiện còn được tổ chức thường niên đến năm 2005, rồi cách quãng đến năm 2010.

Thành công của sự kiện này đã nâng cao vị thế của Alibaba và cá nhân Jack Ma. Giới truyền thông đánh giá, sau sự kiện Tây Hồ luận kiếm, Jack Ma được tôn làm một trong các chưởng môn của "ngũ đại môn phái" trong giới internet Trung Quốc.

Không "ảo tưởng" về nhan sắc của mình

Jack Ma không bao giờ tự nhận là đẹp trai. Trong cuốn sách Tôi là Jack Ma của Trần Vỹ, trợ lý của Jack, có ghi lại phát biểu của ông: "Người không có nhan sắc cố gắng đến mấy cũng chỉ có thể làm ông chủ. Còn người có nhan sắc chỉ cần cố gắng là có thể trở thành thư ký của ông chủ, ha ha!".

Câu chuyện này liên hệ với một "mỹ nữ" mang vẻ đẹp ngây thơ trong sáng nhất trong lớp tiếng Anh của Jack Ma ở Hàng Châu - Chu Lam, sau trở thành thư ký thứ hai của Jack Ma, rồi sau trở thành Giám đốc phòng dịch vụ của Alibaba.

Tinh nghịch

Những điều ít người biết về Jack Ma - Ảnh 3.

Trong một lần tham dự lễ khai mạc một giải cờ tướng, Jack Ma được mời viết lưu niệm bằng bút lông. Thấy chữ của mình quá xấu, ông đã ký vào dưới chữ "Trương Kỷ Trung". Đến khi đạo diễn, nhà sản xuất nổi tiếng Trương Kỷ Trung tới, nhìn thấy bức "thư pháp" kinh khủng, đã phải hét lên: "Chữ viết gớm ghiếc thế kia mà còn dám ký tên tôi! Tôi biết rồi, chắc chắn là do tay Mã Vân kia!".

Tuy nhiên, có khi, khả năng vẽ "kinh dị" của Jack Ma lại đem lại kết quả đáng kinh ngạc. Đó là khi ông vẽ bức "Mã họa đằng" (Mã vẽ mây) tháng 12/2013, là những hình vân mây dạng xoáy trôn ốc mà không ai hiểu gì.

Khi được đưa lên bán đấu giá trên mạng Laiwang để thu tiền làm từ thiện, đã đạt được mức giá 2,4 triệu tệ, khiến CEO Giant Sử Ngọc Trụ, bạn của Jack Ma, phải gọi điện than thở với ông: "Đắt hơn cả tranh của Tề Bạch Thạch, thật là đau xót cho nền nghệ thuật!"

Rất nể vợ

Vợ Jack Ma, bà Trương Anh, là bạn học cùng ông ở Đại học Sư phạm Hàng Châu, tốt nghiệp xong về dạy cùng ông tại Học viện Công nghiệp điện tử Hàng Châu. Sau khi Jack thành lập Alibaba, bà Trương lui về làm hậu phương cho ông, lo cho ông từ quần áo, bữa ăn.

Theo lời kể của Trần Mỹ, bữa trưa của Jack Ma tại công ty chủ yếu mang từ nhà đi, và quá giờ ăn là bà Trương sẽ gọi điện giục. Cho nên, nếu đến văn phòng của Jack vào giờ ăn trưa, người ta sẽ nghe thấy vị tỷ phú có tài sản hàng chục tỷ USD này "báo cáo" với vợ: "Thịt đã ăn hai miếng, trứng hấp đã ăn một nửa, rau ăn rất nhiều, hoa quả thì đang ăn!".

Những điều ít người biết về Jack Ma - Ảnh 4.

'Tay không rời kiếm'

Do chơi thân với đạo diễn Trương Kỷ Trung, Jack Ma được đạo diễn tặng cho hai thanh kiếm đạo cụ để quay phim, tên là kiếm Long Tuyền. Theo Trần Vỹ, do mê kiếm hiệp, đi đâu Jack Ma cũng mang kiếm theo. Thỉnh thoảng, ông còn vung kiếm chém loang loáng, đi đi lại lại trong công ty. Do đó, trợ lý Trần đùa gọi ông là dân giang hồ "ăn cơm tay cũng không rời vũ khí".

Khi còn trẻ, Jack Ma đã từng chia sẻ với học trò, ước mơ lớn nhất của ông là trở thành... cao thủ võ lâm.

Sau này, khi đã 40 tuổi, có điều kiện, ông mới theo học Thái Cực Quyền từ Đại sư Vương Tây An. Từ đó, Thái Cực Quyền trở thành phương pháp rèn luyện thân thể chủ yếu của Jack.

Thích sưu tập muối

Jack Ma có một sở thích lạ là thích sưu tập muối ăn từ khắp các nơi trên thế giới. Dù đến Ấn Độ, Nga, Nhật hay các nước châu Âu, ông đều mua muối về. Khi mời bạn đến ăn cơm ở nhà, nhắc đến nước nào, Jack Ma liền hào hứng rủ: "Ăn muối của nước đó đi!".

Sau khi một đĩa muối nhỏ được bưng lên bàn, Jack Ma liên yêu cầu mọi người rửa tay, sau đó ông sẽ là người đầu tiên lấy tay chấm một ít muối đưa lên miệng nhấm nháp. Theo Jack Ma, vừa thưởng thức muối của quốc gia đó, vừa bàn luận về quốc gia đó, đem lại cảm giác rất đặc biệt.

Mê nghệ thuật

Theo trợ lý Trần Vỹ, Jack Ma rất thích xem các bộ phim về chiến tranh thế giới thứ hai. Có bộ phim, ông xem đi xem lại tới mấy lần một ngày. Ông cũng thích xem Kinh kịch, Việt kịch và Côn kịch cũng như hát Bel Canto. 

Jack cũng thích xem biểu diễn ảo thuật và hâm mộ nghệ sĩ ảo thuật Lưu Khiêm. Khi có người muốn giúp Jack Ma giải mã các bí mật trong màn ảo thuật của Lưu Khiêm, Jack Ma đều gạt đi. Jack Ma cũng từng tập luyện và biểu diễn ảo thuật với bộ bài cho các doanh nhân thưởng thức.

Jack Ma cũng mê chó, đặc biệt là giống chó chăn cừu Đức Alsace. Dưới ảnh hưởng của ông mà nhiều doanh nhân Trung Quốc cũng bắt đầu nuôi chó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại