Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao?

TOÀN NGUYỄN - THU HƯỜNG |

Không chỉ những thế hệ học trò 8x, 9x mà cả những thế hệ cuối 7x đã từng say đắm với những cuốn báo Hoa đầy thi vị và màu sắc. Dù Hoa Học Trò đã qua thời vàng son, nhưng chắc hẳn trong mỗi chúng ta vẫn còn lưu giữ rất nhiều những kỷ niệm đẹp về tờ báo này.

Có những thứ gắn liền với cả một thế hệ. Có những con người dù bao năm trôi qua vẫn cứ hiện hữu trong tâm trí ta dù chẳng một lần gặp mặt.

Hẳn nhiều bạn vẫn còn nhớ cái cảm giác háo hức chạy ra sạp báo cầm trên tay cuốn Hoa Học Trò nóng hổi vừa thổi vừa xem.

Và để mua được cuốn báo bé tẹo đó là cả một quá trình nhịn ăn sáng mấy ngày trời, có khi là mấy đứa góp vốn lại mới đủ tiền mua.

Thế rồi chuyền tay nhau đọc, mê mẩn, say đắm với những trang báo ngọt lịm.

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 1.

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 2.

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 3.

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 4.

Những số báo H2T gây thương nhớ một thời.

Ngày đó hâm mộ một tác phẩm, yêu quý một tác giả thì chúng ta chỉ có thể hình dung họ trong trí tưởng tượng. Anh Chánh Văn, chị Trang Hạ, anh Dương Bình Nguyên... bằng cách nào đó họ đã len lỏi và trở thành một phần của tuổi học trò.

Giờ đây sau rất nhiều năm, có người vẫn tiếp tục đi cùng nghề báo, có người chuyển sang công việc mới, nhưng chắc chắn họ vẫn luôn dành một tình cảm nhất định cho báo Hoa.

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 5.

Một số cây bút tiêu biểu của báo Hoa.

Chị Trang Hạ - Hương Đầu mùa

Chị Trang Hạ là một trong những cây viết thuộc thế hệ đầu của báo Hoa, dù đã xa Hoa Học Trò khá lâu nhưng những ký ức về những ngày đầu vẫn cứ vẹn nguyên. Chị viết:

"Hoa Học Trò là hành trình chinh phục đầu tiên của đời tôi. Rất may mắn và hạnh phúc sau 25 năm nhìn lại, tôi vẫn có nhiều độc giả yêu thương từ thời đó tới nay.

Có nhiều người U50 bây giờ gặp Trang Hạ vẫn nói cảm ơn, vì những trang viết của tôi tạo ra niềm hạnh phúc và mong mỏi cho tuổi hoa của họ ngày xưa ấy.

Dù tuyệt đối không còn ai nhớ đã đọc những gì của Trang Hạ. Nhưng độc giả "nhớ cảm giác hạnh phúc" đã là một thứ quà tặng quá lớn dành cho tôi rồi!

7 năm gắn bó với HHT với tư cách cộng tác viên, Bút trưởng Hương Đầu Mùa, biên tập viên mảng Văn học... những khó khăn là chuyện ngày nào tôi cũng gặp nhưng ở tòa soạn, ai cũng yêu thương, chiều chuộng Trang Hạ.

Anh Đoàn Công Huynh – Thư ký tòa soạn HHT còn ví, "Trang Hạ giống hệt bông hoa hồng vừa nở ra đã được bứng vào lọ cắm, đặt trong tủ kính bảo vệ, đến gió quạt trần còn chẳng thổi vào được nữa là mưa gió ngoài trời!".

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 6.

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 7.

Chị Trang Hạ thời còn làm ở báo Hoa.

Báo Hoa Học Trò có hai người vô cùng đặc biệt, một là chú Nguyễn Như Mai, trưởng Ban biên tập hồi đó.

Chú Mai là người đọc, nâng đỡ các bài viết mới, gặp gỡ những người viết trẻ như Trang Hạ.

Chú Mai là người hàng tuần đều đưa ra lời khuyên với bất kỳ người viết trẻ nào, chú cư xử với chúng tôi rất trân trọng, chú vô cùng tận tâm và tận tình với những cây viết trẻ như Trang Hạ, Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Phương Mai, Nguyễn Vĩnh Tiến, Đặng Thiều Quang…

Người đặc biệt thứ hai là anh Đoàn Công Huynh, là anh Chánh Văn trong suốt mười năm quan trọng nhất của thế hệ Hoa Học Trò đầu tiên, lại chính là người dẫn dắt các bước tiến đột phá trong tư duy và sáng tạo của lứa người viết văn, viết báo trẻ tại HHT.

Anh Huynh là hình mẫu tính cách, sự dũng cảm trong nghề, sự sâu sắc trong ngôn từ, tư duy sáng tạo đột phá, khả năng mở rộng biên độ tiếp nhận những thứ mới mẻ, khao khát làm mới bản thân, khao khát sống trong một thế giới văn minh… giúp cho những người viết như Trang Hạ học hỏi…

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 8.

Hồi còn làm ở HHT, nhiều người vẫn quen với hình ảnh hàng tuần tôi mặc áo dài trắng đi họp. Sau này, tôi vẫn khép nép sống cho tới khi đi lấy chồng. Hai mươi năm nay ông xã tôi chính là người thay đổi tôi nhiều nhất.

Rời khỏi báo HHT rồi, Trang Hạ cũng đã thay đổi rất nhiều. Có nhiều người giờ đây không còn nhớ tôi đã từng làm cho tờ báo ấy, viết những truyện ngắn mộng mơ như thế nhưng tôi thấy mình có rất nhiều tương lai để đi tới và chưa khi nào ăn mày dĩ vãng.

Nếu là bạn, bạn có thèm muốn một tương lai luôn dịch chuyển, sống và yêu như thế không hay chúng ta chỉ sống với những gì đã qua?".

Anh Chánh Văn - Hoàng Anh Tú

Anh Chánh Văn có lẽ là nhân vật bí ẩn được nhiều đọc giả của báo Hoa yêu quý nhất. Hiện tại anh đã không làm việc ở Hoa Học Trò nhưng khoảng thời gian ở báo đã cho anh rất nhiều kỷ niệm đẹp:

"Chúng ta luôn không thể biết lý do vì sao ta yêu người này mà không thể yêu người kia đúng không?

Cho dẫu người ta yêu cũng "hại não" chúng ta lắm lắm. Tôi có 12 năm gắn bó với hình ảnh anh Chánh Văn đến mức nhiều khi tôi nghĩ tên thật của mình là anh Chánh Văn.

Thế nên có nhiều người cứ hỏi tôi, suốt quãng thời gian đó, kỉ niệm nào làm tôi nhớ nhất nhưng tôi không bao giờ thích trả lời câu hỏi này.

Vì 12 năm làm Chánh Văn không một ngày nào trôi qua là không để lại một đến vài kỷ niệm. Và trong dằng dặc ký ức của mỗi chúng ta, sẽ thật bất công nếu như ta xếp thứ hạng cho kỷ niệm của mình.

Thứ mà tôi có được hôm nay đều bắt đầu từ 12 năm trải lòng như thế. Thứ khiến tôi nhớ lại nhiều nhất không phải là trường hợp này hay trường hợp nọ, mà là tình cảm của mình và tình cảm của bạn đọc dành cho mình.

Tôi thấy mình thật sự may mắn khi có 12 năm như thế.

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 9.

Anh Hoàng Anh Tú hiện chuyển sang làm truyền thông.

Năm 2000 khi tôi được giao làm anh Chánh Văn thì lúc đó tôi mới chỉ là phóng viên- biên tập viên. Tôi giữ nhiều chuyên mục khác trên báo Hoa Học Trò.

Đến năm 2002, toà soạn lập ra tờ Hoa Học Trò 2!, tôi đồng thời đưa anh Chánh Văn lên đó, nhằm trả lời nhiều hơn nữa những thắc mắc cho lứa tuổi lớn hơn - 19 đến 24 tuổi và nói về tình yêu - lý tưởng tuổi trẻ - hướng nghiệp.

Hàng ngày, đọc đến cả trăm cả ngàn bức thư tâm sự, rồi dốc ruột dốc gan ra trả lời, tôi coi mỗi bạn đọc gửi thư cho mình là một người thân, một người em của mình. Đó là lý do tôi sẽ rất buồn nếu ai đó cho đấy là công việc.

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 10.

Giờ tôi nghỉ báo ở nhà nhưng vẫn tham gia viết bài cộng tác cho nhiều báo - tạp chí - trang tin. Tôi cũng tham gia vào thị trường xuất bản với vai trò Giám đốc sáng tạo cho công ty sách Đinh Tị tham gia phụ trách mảng sách Thiếu Nhi.

Kinh nghiệm 21 năm làm báo cho giới trẻ cùng 12 năm làm anh Chánh Văn giúp tôi có được những góc nhìn chuyên gia..

Nhưng trên hết, tôi không thấy có vấn đề gì khi mọi người vẫn gọi mình là anh Chánh Văn. Tôi luôn nghĩ đó là phần thưởng lớn của đời mình.

Thực ra kể cả trước đây hay bây giờ, với mỗi công việc, ở mỗi vai trò, tôi vẫn cứ là một Chánh Văn tận tuỵ và tâm huyết. Tôi chưa bao giờ coi đó là cái bóng bao trùm lên mình. Tôi nghĩ nó chính là mình".

Chàng sinh viên trường An ninh mê văn chương - Dương Bình Nguyên

Dương Bình Nguyên (tên thật là Dương Văn Toàn) là một cây bút quen thuộc với độc giả báo Hoa qua các tác phẩm truyện ngắn và thơ.

Hiện tại, anh Bình Nguyên đang giữ vị trí trưởng văn phòng đại diện ở TP.HCM của ANTV, tuy không còn viết báo nữa nhưng những năm tháng làm việc ở HHT đã cho anh rất nhiều thứ về kỹ năng, mối quan hệ, công việc... đó thật sự là những năm tháng vô cùng ý nghĩa.

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 11.

Anh Bình Nguyên hiện là Trưởng văn phòng đại diện ở TP.HCM của ANTV.

Anh kể: "Quê anh ở vùng núi Thái Nguyên, điều kiện để được tiếp xúc với báo chí thời bấy giờ là rất hạn chế.

Năm 1993, lúc đó anh đang học lớp 9 thì báo Hoa bắt đầu xuất bản những số đầu tiên. Ngày đó khi báo đến tay mình thì đã nhàu nát, vì bị truyền tay khá nhiều, nhưng anh vẫn trân trọng đọc từng chữ một, thấy rất hứng thú".

Có thể nói Hoa học trò là một trong những tờ báo dành cho tuổi teen thành công nhất trong thời điểm đó.

Đơn giản là vì HHT dám vượt rào để tiếp cận với những đề tài về tình yêu, giới tính, tâm tư tình cảm tuổi học trò - những đề tài mà giới trẻ rất có nhu cầu tiếp cận nhưng không có báo nào khai thác.

"Thời đó chuyện được đăng bài trên HHT là một điều vô cùng đáng tự hào, vì mỗi ngày có hàng trăm bài viết, thư từ được gửi về toà soạn.

Ban đầu anh chỉ có thể cộng tác cho Mực Tím, về sau khi vào đại học thì anh mới có cơ hội viết cho HHT" - anh tâm sự.

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 12.

Có một kỷ niệm khá thú vị đó là những năm học nội trú trong trường Học viện An ninh, thì quy định của trường là không cho phép sinh viên tự do ý ra bên ngoài.

Nhưng anh Bình Nguyên vẫn thường trèo qua bức tường sau trường để trốn lên toà soạn làm việc.

Anh hóm hỉnh bảo: "Không may mà bị phát hiện là kỷ luật nặng. Thế nên nếu lúc đó không có đủ đam mê thì chắc sẽ không dám làm điều đó.

Ban đêm lúc các bạn đã đi ngủ thì mình trùm mền lại bật đèn để viết truyện, thức cả đêm nhưng chẳng thấy mệt mà còn thấy hạnh phúc khi nhìn thấy tác phẩm của mình trên báo".

Chị Đỗ Khoa Mai Lâm - Một trong những người tiên phong của Hoa Học Trò2!

Cộng tác với báo Hoa Học Trò 2! từ năm 2002, chị Đỗ Khoa Mai Lâm hiện đang giữ vị trí Thư ký toà soạn báo 2!.

Dù khá bận rộn với công việc, nhưng khi chúng tôi đề cập đến những kỷ niệm trước đây chị Mai Lâm vẫn luôn sẵn lòng dành một ít thời gian kể về những kỷ niệm tuyệt vời của những năm tháng thanh xuân.

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 13.

Chị Mai Lâm hiện là thư ký toà soạn của báo 2!

Cơ duyên đưa chị Mai Lâm đến với nghề báo cũng rất tình cờ. Chị vốn là nhân vật của báo HHT và thời điểm lúc bấy giờ chị Phan Hồn Nhiên chính là người đã thực hiện bài phỏng vấn.

"Chị Phan Hồn Nhiên đã trở thành nguồn cảm hứng để chị quyết tâm đi cùng với nghề báo" - chị Mai Lâm tâm sự.

Những năm 2001 -2002 mạng internet ở Việt Nam chưa phát triển, điều kiện viết báo khá khó khăn. Hình được chụp từ máy film, sau khi chụp xong thì cắt film đem đi rửa, ghi chú thích ở phía sau từng tấm ảnh, rồi ra bưu điện gởi đến toà soạn.

Mọi thứ đều vất vả nhưng lại rất vui.

Chị Mai Lâm kể: "Ngày đó mỗi ngày toà soạn nhận được cả bao tải thư của độc giả gửi về. Thành ra phải thuê một người làm công việc cắt thư, rồi phân loại gửi đến từng phòng ban.

Ngày nào mà nhân sự làm công việc cắt thư bị ốm là coi như hôm đó thư bị ứ đọng, không biết phải giải quyết như thế nào". Thời gian sau này lượng thư tay gửi về không con nhiều, thay vào đó độc giả đã chuyển sang viết mail để tâm sự với báo.

Những cây bút Hoa Học Trò từng gây thương nhớ với thế hệ học sinh ngày xưa giờ ra sao? - Ảnh 14.

"Hoa Học Trò, 2! đã đem đến cho chị rất nhiều điều ý nghĩa trong công việc lẫn cuộc sống. Mình đã cùng báo đi qua những năm tháng vàng son, thì bây giờ mình có trách nhiệm đi cùng với nó đến hết con đường" - chị cười.

Hẳn rất nhiều độc giả 8x, 9x sẽ tiếc nuối về một thế hệ vàng của Hoa Học Trò.

Thế nhưng cho dù hôm nay có xuất hiện hàng trăm tờ báo, trang báo khác nhau thì báo Hoa và những cây bút thân thương của tuổi ô mai vẫn cứ tồn tại mãi trong tim thế hệ học trò 8x, 9x như những kỷ niệm rực rỡ nhất tuổi học trò.

----

"Mùa này có một chòm mây rất cũ

Chợt xanh trong đến ngơ ngẩn giữa trời

Chiều nay có một người rất cũ

Sao lạ lẫm quá thời gian ơi !..." - Trích bài thơ "Với thời gian" được đăng trên báo Hoa Học Trò của tác giả Thuỵ Thảo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại