Những căn hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968

Thanh Tâm |

Những căn nhà bình thường nhưng bên dưới là hầm giấu vũ khí đã góp phần làm nên những chiến thắng vang dội của Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cách đây 50 năm.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là xác định mục tiêu trọng yếu và chuẩn bị vũ khí, phương tiện chiến đấu, có sẵn ở khu vực tác chiến, nhiều tổ chức và cơ sở cách mạng.

Công tác đảm bảo mọi mặt phải tiến hành ngay trong lòng địch, nên nhiệm vụ này được xác định là "phần chìm", hạn chế tối đa người biết, ngay những người trực tiếp làm cũng chỉ biết được phần việc của mình.

Đây là một đội quân hoạt động thầm lặng nhưng rất dũng cảm, thông minh, bền bỉ, đóng một vai trò quan trọng vào thành công của các trận đánh ở nội đô, nhất là trong những thời điểm mang tính quyết định.

Tính đến cuối năm 1967, ta đã thiết lập được 19 cơ sở cách mạng quần chúng ngay sát những mục tiêu trọng yếu của địch, bao gồm 325 gia đình, tạo nên 400 điểm ém quân và 12 kho vũ khí.

Với kỹ thuật ngụy trang tài tình, khôn khéo và mưu trí, các đơn vị đảm bảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển vào nội thành một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược phục vụ các đơn vị chiến đấu.

Những cơ sở ém vũ khí quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân gồm hiệu may Quốc Anh của gia đình đồng chí Trần Phú Cương và Trần Thị Út tại số 65 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1);

Kho nhà 436/58 Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám - quận 3) do đồng chí Lê Tấn Quốc (Bảy Rau Muống) phụ trách. Kho này kết hợp với kho của đồng chí Trần Văn Lai phục vụ tiến công Dinh Độc Lập. Các kho chứa vũ khí trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tiêu biểu là:

Hầm nhà số 287/70 Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần – quận 3) của biệt động Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế, Năm U-Som) phục vụ tấn công Dinh Độc Lập.

Hầm nhà số 248/27 Nguyễn Huỳnh Đức (nay là Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận) do bà Bùi Thị Lý xây dựng, kết hợp hai hầm và kho khác phục vụ tiến công Bộ Tổng Tham mưu ngụy;

Hầm kho nhà số 281/26/29 Trương Minh Ký – Phú Nhuận (nay là Lê Văn Sĩ – Tân Bình) của đồng chí Phan Văn Bảy, sau giao lại cho con gái Phan Thị Thúy;

Hầm nhà số 438/38B ấp Bác Ái, xã Bình Hòa (nay là đường Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh) của đồng chí Trần Văn Miêng (đồng chí mất trước Tết Mậu Thân nên giao lại cho vợ là đồng chí Võ Thị Sang).

Những căn hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968 - Ảnh 1.

Hầm chứa vũ khí của biệt động Năm Lai nay đã là di tích lịch sử cho người dân, du khách tới tham quan.

Hầm nhà 59 Phan Thanh Giản, Đa Kao, quận 1 (nay là đường Điện Biên Phủ) của chị Nguyễn Thị Huệ (Hai Phê) phục vụ tiến công tòa Đại sứ quán Mỹ.

Hầm nhà 93/22 Cường Để (nay là Ngô Đức Kế, quận Bình Thạnh) phục vụ tiến công Bộ tư lệnh Hải quân ngụy;

Nhà số 171 đường Bạch Đằng, Hàng Xanh, quận Bình Thạnh của gia đình đồng chí Vũ Bá Tài. Đây là nơi trú đóng của 8 cán bộ, chiến sĩ cơ yếu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.

Đặc biệt, tiệm phở Bình số 7 Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng, quận 3) của gia đình ông Ngô Toại là Sở chỉ huy tiền phương của Phân khu 6 (ngay trước giờ xuất phát quân và trong đợt 1 có mặt các đồng chí Võ Văn Thạnh – Chính ủy Phân khu và Nguyễn Đức Hùng – Tham mưu trưởng Phân khu).

Bên cạnh các cơ sở trên, còn có các cơ sở quan trọng khác đã phục vụ những trận đánh nổi tiếng trước 1968 hoặc nằm trong phương án phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nhưng do những điều kiện, tình huống cụ thể không phục vụ được như:

Kho hầm số 8/4 đường Vườn Chuối, quận 3 do chị Lân Thị Ẩn (Chín Lộc) phụ trách, đã chứa khẩu cối 82mm pháo kích Dinh tướng Oét-mo-len;

Hầm tại đường Tôn Thất Đạm, quận 1 do đồng chí Ba Tường phụ trách, có khẩu cối 61mm; Hầm ở nhà tang lễ nghĩa địa Triều Châu Phú Thọ do Trần Thị Bi xây dựng, có khẩu cối 82mm, phục vụ pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất;

Hầm nhà 47 Nguyễn Đình Chiểu do đồng chí Hà Văn Xưng xây dựng; Hầm số 183/4 đường Trần Quốc Toản, quận 3 (nay là đường 3-2, quận 10) của đồng chí Đỗ Văn Căn (Ba Mủ) nằm trong phương án phục vụ tiến công Tổng nha cảnh sát ngụy.

Vũ khí được ém trong các hầm, kho chủ yếu là thuốc nổ, súng AK, lựu đạn, mìn, kíp nổ, súng ngắn, một số hầm có súng cối, B40…

Những căn hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968 - Ảnh 2.

Khách tham quan khám phá căn hầm của biệt động Đỗ Văn Căn (Ba Mủ) - Ảnh Internet.

Qua hơn hai năm chuẩn bị công phu, phức tạp, lực lượng bảo đảm tác chiến cho biệt động Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng những cơ sở đứng chân, cất giấu vũ khí cho các cuộc tiến công ở nội đô, phục vụ đắc lực các mũi tiến công vào các mục tiêu trọng yếu như Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Đài phát thanh Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy…

Tháng 12/1989, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã công nhận ba di tích: Tiệm Phở Bình tại nhà số 7 đường Lý Chính Thắng (quận 3); hầm vũ khí tạ nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3; hầm vũ khí tại nhà số 183/4 đường 3-2, quận 10 là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Như vậy, nhờ công tác tổ chức được tiến hành khẩn trương, chu đáo, cẩn mật cùng với tinh thần tận tụy, sẵn sàng hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ, những căn hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn đã góp phần làm nên những chiến công vang dội của quân và dân Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại