Những ‘cái chết vì gái’ của chính trị gia thế giới

TRÙNG QUANG |

Chính trường Úc vừa chứng kiến một nghị sĩ rút khỏi nội các vì hẹn hò với gái trẻ qua mạng. Vị này trở thành chính khách mới nhất “chết êm ái” trong thời gian gần đây.

Ông Andrew Broad , 43 tuổi là thành viên của đảng Quốc gia Úc. Ông được bổ nhiệm giữ chức trợ lý bộ trưởng cho phó thủ tướng vào tháng 9 năm nay. Theo báo South China Morning Post, Phó Thủ tướng Michael McCormack hôm 17-12 cho biết đã chấp nhận đơn từ chức của ông Broad, coi đây là hành động phù hợp “do tính chất của các cáo buộc được đưa ra”.

Trong tuyên bố từ chức đưa ra hôm qua, chính trị gia 43 tuổi nói rằng ông đã khiến gia đình, đảng và cộng đồng thất vọng, đồng thời tuyên bố sẽ không tranh cử quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.

Từ “chàng trai Úc” lầy

Quyết định của ông Broad được đưa ra sau khi tạp chí New Idea đăng bài phỏng vấn một phụ nữ cáo buộc đã gặp ông Broad tại một nhà hàng ở Hong Kong hồi tháng trước. Cô gái có tên Amy, bí danh Sweet Sophie Rose. Cô này cáo buộc ông Broad duy trì hồ sơ trên một website được những người đàn ông lớn tuổi và giàu có sử dụng để cặp kè phụ nữ trẻ. Cũng theo New Idea, Amy trẻ hơn ông Broad đến 20 tuổi.

Theo lời của Amy, cô nhận lời đi ăn với ông Broad do hai người đã nhắn tin qua lại trong hơn một tháng. Ban đầu Amy chỉ nghĩ đó là một cuộc trò chuyện bình thường và rằng ông ấy “sẽ nói với tôi về cuối tuần và việc đi xem phim”.

Khi cuộc hẹn được ấn định, ông Broad đã “oanh tạc” Amy bằng những tin nhắn “lầy” hơn. “Anh là chàng trai Úc. Anh biết cưỡi ngựa, lái máy bay và xxx người phụ nữ của mình” - ông Broad nói. Trong một tin nhắn khác gửi đến cô gái trẻ sau đó, ông Broad thậm chí nói sẽ đặt một căn phòng sặc sỡ để “dụ em quay lại”.

Cuộc gặp vẫn diễn ra như đã hẹn. Tại đó, ông Broad đã “bốc phét” về vị trí quan trọng của ông tại quốc hội, vận dụng những bài phát biểu chính thức và thậm chí tự nhận mình là “James Bond”. Tuy nhiên, ông lại luôn than phiền về giá cả khiến mọi thứ trở nên “đáng xấu hổ” ngay từ đầu.

Sau khi ông Broad liên tục có những hành động sờ soạng, Amy cáo lỗi để đi toilet và sau đó quyết định rời đi. Sau khi gửi tin nhắn cám ơn về bữa ăn tối, Amy đã quyết định chặn số ông Broad. Tờ Herald Sun ngày 18-12 đưa tin có ít nhất ba phụ nữ đã liên lạc với các quan chức của đảng Quốc gia trong 12 tháng qua để than phiền về những hành vi không phù hợp của ông Broad trên mạng cũng như trong khách sạn và các quán bar.

Những ‘cái chết vì gái’ của chính trị gia thế giới - Ảnh 1.

Ông Andrew Broad. Ảnh: The Guardian

Đến vụng trộm, luồn tay…

Ông Broad đã khiến dư luận chú ý do là nghị sĩ liên bang đầu tiên của đảng Quốc gia kêu gọi cựu phó thủ tướng Barnaby Joyce từ chức do một cuộc tình vụng trộm với cựu nhân viên Vikki Campion. Theo trang tin Úc News, lời chỉ trích công khai của ông Broad cách đây chín tháng đã khiến ông Joyce phải từ chức sau đó vài ngày.

Vụ bê bối của ông Banaby đơn giản hơn so với ông Broad nhưng hậu quả là “hữu hình”. Chuyện bắt đầu vào ngày 7-12-2017, khi ông Joyce thông báo kết thúc cuộc hôn nhân với vợ cũ vào cuối năm này. Đến đầu tháng 2 năm nay, giới truyền thông Úc phát hiện ông đang sống như vợ chồng cùng Vikki Campion, nhân viên cũ của Joyce. Campion đang mang thai đứa con cùng với Joyce và dự kiến hạ sinh tháng 4.

Vụ bê bối đã dẫn đến cuộc điều tra liệu ông Banaby có vi phạm bộ quy tắc ứng xử dành cho bộ trưởng hay không. Đến ngày 26-2, trước sức ép của dư luận, ông quyết định từ chức lãnh đạo đảng Quốc gia cũng như phó thủ tướng Úc, theo hãng tin Reuters. Trong phát biểu phá tan sự im lặng về vụ việc này hồi tháng 6, bà Campion cho biết đã phải chịu áp lực ghê gớm từ chính đảng Quốc gia buộc bà phá thai nhưng bà đã làm tất cả để giữ lại giọt máu với ông Banaby vì điều đó “xứng đáng”, theo báo New Zealand Herald.

Chính trường xứ chuột túi tiếp tục “nóng bỏng” vào tháng trước với vụ bê bối của một lãnh đạo đảng đối lập. Ông Luke Foley, lãnh đạo Công đảng New South Wales, đã bị buộc tội tấn công khiếm nhã một nữ nhà báo tại một bữa tiệc Giáng sinh.

Trong một tuyên bố gây bùng nổ hồi đầu tháng 11 của đài ABC, một trong các phóng viên của đài này cho biết ông Foley đã đặt tay lên phần sau váy của cô và luồn tay vào quần lót tại một cuộc tiếp tân hồi năm 2016.

Vụ bê bối trên được đưa ra ánh sáng sau khi đảng Tự do cầm quyền sử dụng đặc quyền tại quốc hội để nêu những cáo buộc về hạnh kiểm xấu của ông Foley trước đó ba tuần, tạo ra một cơn bão chính trị và một loạt tố cáo. Phóng viên Ashleigh Raper, người bị ông Foley tấn công, sau đó đã gọi điện thoại cho cô và hứa sẽ từ chức. Tuy nhiên, ông này đã không làm thế với lý do đây chỉ là một vụ bôi nhọ, buộc nữ phóng viên này công bố thông tin gây sốc trên ABC.

Những ‘cái chết vì gái’ của chính trị gia thế giới - Ảnh 2.

Ông Tony Clement trong một lần phát biểu tại Hạ viện Canada. Ảnh: REUTERS

Những ‘cái chết vì gái’ của chính trị gia thế giới - Ảnh 3.

Cựu bộ trưởng Nội vụ Nam Phi Malusi Gigaba. Ảnh: The Citizen

Và những nơi khác…

Cũng trong tháng 11, Canada rúng động với vụ bê bối tình dục liên quan đến một chính khách nổi tiếng lâu năm. Theo báo The New York Times, ông Tony Clement, một cựu thành viên nội các và là nghị sĩ quốc hội của đảng Bảo thủ, ngày 6-11 đã bị buộc rời khỏi nhóm họp kín của lãnh đạo đảng này sau khi thừa nhận đã gửi những hình ảnh gợi dục và một video cho một phụ nữ trong suốt ba tuần lễ.

Ông cũng nói mình hiện là “nạn nhân bị tống tiền” và rằng “phía bên kia” đòi ông đưa 50.000 euro để không công bố những hình ảnh đó. Không lâu sau đó, ông Clement đã từ chức khỏi nhiều vị trí tại quốc hội, bao gồm một ủy ban có quyền tiếp cận thông tin tình báo về an ninh quốc gia.

Vào tháng 10, báo chí Nam Phi đăng tải thông tin về vụ bê bối tình dục của bộ trưởng Nội vụ nước này, ông Malusi Gigaba. Cụ thể đó là một đoạn video quay một cảnh không hay ho của ông này.

Trong phản ứng đưa ra trên mạng Twitter, ông Gigaba viết rằng điện thoại của ông bị xâm nhập vào khoảng năm 2016 hoặc 2017 và đoạn video mà ông nói là để gửi cho vợ mình đã bị đánh cắp. Đoạn phim sau đó đã nhanh chóng được phát tán trên mạng Internet khiến dư luận nước này phản ứng mạnh.

Dù đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi nhưng trước sức ép từ chức ngày càng lớn sau khi bị tòa phán quyết là không trung thực khi tuyên thệ, ông cuối cùng đã phải rời khỏi nội các của Tổng thống Cyril Ramaphosa.

Trước ông Gigaba, nhiều chính trị gia Nam Phi cũng đã “vấy bẩn” tương tự. Theo trang News 24, vào năm 1998, cựu tổng thống Nam Phi Frederik Willem de Klerk và vợ là bà Marike đã ly dị sau khi ông này ngoại tình với một người bạn thân của vợ chồng họ là bà Elita Georgiades. Cả hai đã kết hôn sau khi ông de Klerk ly dị và hiện vẫn sống chung.

Năm 2006, ông Narend Singh, khi đó là bộ trưởng Hội đồng hành pháp về văn hóa, nghệ thuật và du lịch của tỉnh KwaZulu-Natal, đã từ chức sau khi một đĩa DVD quay cảnh ông và một nhân vật nổi tiếng ở TP Durban quan hệ tình dục bị phát tán rộng rãi. Năm 2009, xuất hiện thông tin tổng thống khi đó là Kgalema Motlanthe đã dan díu với hai phụ nữ khác ngoài vợ và một trong hai người này đã mang thai.

Sau đó, ông này đã ly dị và kết hôn với bà Gugu Mtshali vào năm 2011. Trong thời gian dẫn đến hội nghị tuyển chọn ứng viên tổng thống của Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vào năm 2017 đã xuất hiện những tin đồn về một cuộc vụng trộm giữa ông Ramaphosa khi đó là phó tổng thống và một phụ nữ trẻ. Ông Ramaphosa sau đó thừa nhận vụ việc và thông tin này cuối cùng “theo gió bay đi”.

Nhà Trắng cũng bao phen lao đao

Các vụ bê bối tình dục trong giới chính trị gia không phải mới và đã xuất hiện từ trước năm 1918, khi Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt bị bắt quả tang ngoại tình với thư ký của vợ mình. Danh sách các chính trị gia Mỹ bị phát hiện trong những tình huống "nếu không nói ra thì chẳng ai biết" gần như vô tận, trong đó nổi tiếng nhất là vụ ngoại tình của Tổng thống Bill Clinton với nữ thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky vốn cuối cùng dẫn đến việc luận tội ông Clinton vào năm 1998.

Tháng 10 vừa qua, ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels đã cho ra mắt cuốn hồi ký có tựa đề Full Disclosure (tạm dịch Tiết lộ đầy đủ) mô tả quan hệ tình dục giữa cô với ông Donald Trump trước khi ông này trở thành tổng thống Mỹ. Báo Anh The Independent nhận định cuốn sách chứa nhiều thông tin gây sốc, khác thường và phần lớn không thể thẩm định về tỉ phú Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại