Nhờ một sáng kiến nhỏ, Nutella và Nike đã khiến người Hồng Kông phải xếp hàng dài mua hàng

Tại Hồng Kông, các thương hiệu cao cấp đang ồ ạt mở các điểm bán tạm thời để bày bán các sản phẩm của mình và thu hút khách hàng. Chiến lược này đang tỏ ra cực kỳ hiệu quả.

Vì sao Lorraine sẵn sàng xếp hàng trong 2 tiếng đồng hồ tại một trung tâm thương mại ở Hồng Kông chỉ để mua một sản phẩm Nutella – thứ có ở vô số các cửa hàng bình thường với giá rẻ hơn rất nhiều?

Lý do là để cô ấy có thể điền tên bạn mình lên trên vỏ hộp!

Các điểm bán tạm thời của Nutella trong trung tâm Pacific Place thu hút một lượng lớn khách hàng sẵn sàng bỏ ra 80 đô HK (khoảng 10 USD) cho một lọ mứt hạt phỉ 350 gram được cá nhân hóa như thế này. Ferrero SpA đã bán được gần 1000 lọ mứt trong 1 ngày tại các quầy bán hàng của mình.

“Tôi hiếm khi đến trung tâm thương mại bởi lẽ phải tốn mất 1 giờ đi xe bus để tới đây. Nhưng lần này thì tôi thấy rất đáng để làm việc đó", Lam - một sinh viên 21 tuổi nói.

Trước tình trạng doanh số bán lẻ tại Hồng Kông đã sụt giảm liên tiếp trong 16 tháng vừa qua, những thương hiệu như Nutella và Havaianas đã tận dụng ngay việc giảm giá thuê nhà đất để mở các cửa hàng tạm thời trong các quận mua sắm cao cấp nhất của thành phố.

Cùng thời điểm đó, các “ông lớn” như Nike cũng đang cố gắng tạo ra khối lượng vận chuyển hàng hóa lớn hơn thông qua các cửa hàng tạm thời trước các trung tâm thương mại với các sản phẩm giới hạn của mình.

“Các nhà bán lẻ đang nỗ lực hết sức để điều chỉnh nhu cầu khách hàng bằng cách cung cấp các sản phẩm độc đáo và có chất lương cao hơn”, Angel Young – giám đốc của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen khu vực Hồng Kông và Macau nói. “Các cửa hàng tạm thời này sẽ đem đến những trải nghiệm thú vị kích thích người tiêu dùng.”

Những trung tâm thương mại như Pacific ở Admiralty và Wharf Holdings của Harbour City tại Kowlooan đều dựa vào lượng khách hàng ổn định từ Trung Quốc Đại lục để tiêu thụ các sản phẩm như túi Louis Vuitton và đồng hồ Cartier.

Tuy vậy, những khách hàng “sộp” nhất của Hồng Kông đang dần hướng sự chú ý đến thị trường Tokyo và Paris, trong khi người tiêu dùng cũng lo lắng về nền kinh tế đang sụt giảm của Trung Quốc cùng những căng thẳng về chính trị và xã hội của thành phố sau các cuộc biểu tình bạo lực.

Lượng khách du lịch Trung Quốc tới thành phố đã sụt giảm trong 13 tháng vừa qua tính tới tháng 6 với con số 3,2 triệu lượt, theo báo cáo của Ban Du lịch Hồng Kông.

Điều này cũng tạo nên sự tuột dốc về doanh số bán lẻ, với tỉ lệ sụt giảm lên đến gần 11% trong 6 tháng đầu năm, theo công bố của chính phủ Hồng Kông. Doanh số tháng 6 cũng giảm 8,9% theo đánh giá của các nhà phân tích.

Nhờ một sáng kiến nhỏ, Nutella và Nike đã khiến người Hồng Kông phải xếp hàng dài mua hàng - Ảnh 1.

Sự sụt giảm của ngành bán lẻ Hồng Kông

Để làm dịu đi tình hình, các chủ đất đang tìm kiếm các giải pháp để thu hút khách hàng đến với trung tâm thương mại. Họ cung cấp khoảng trống để các nhãn hiệu thường chẳng phục vụ khách hàng cao cấp và đồng thời cho phép nhiều thương hiệu khác lập cửa hàng để người dùng thử nghiệm.

Công ty của Hysan Place hoạt động trong lĩnh vực du lịch Causeway Bay đã chủ trì các cửa hàng mang nhãn hiệu của Nuke, Kiehl’s, Uniqlo và Nespresso. Ngoài ra, Lululemon Athletica cũng đã giới thiệu các lớp dạy yoga vào sáng chủ nhật tại các nơi công cộng để thu hút đám đông.

Nike thậm chí còn lắp đặt một sân bóng rổ thu nhỏ để có thể quảng bá cho các sản phẩm giày sneaker. Công ty đã sử dụng hình thức bán lẻ tạm thời này trên khắp thế giới để đưa ra các sản phẩm độc đáo, phân tích phong cách chạy bộ của người dùng và hỗ trợ các tour quảng bá thông qua các ngôi sao NBA như Kevin Durant.

Nhờ một sáng kiến nhỏ, Nutella và Nike đã khiến người Hồng Kông phải xếp hàng dài mua hàng - Ảnh 2.

Siêu sao bóng rổ của giải NBA Kevin Durant tại một sự kiện quảng bá tại Hồng Kông tháng 7/2016

“Đây là một phương án tuyệt vời để đưa ra những trải nghiệm hấp dẫn cho người dùng.”, Beaverton – công ty đặt tại Oregon nói qua một email.

Tại trung tâm APM của doanh nghiệp bất động sản Sun Hung Kai tại Kwun Tong, một ngôi sao địa phương đang sử dụng điểm bán tạm thời để ra mắt nhãn hiệu bánh quy của mình. Diễn viên ca sĩ Nicholas Tse cũng đang bán 4 hương vị khác nhau tại cửa hàng của mình từ ngày 1/12.

Các cửa hàng như thế này xuất hiện ở Hồng Kông khá muộn sau khi bị ảnh hưởng bởi hình thức cố định của Mỹ và châu Âu trong gần 2 thập kỷ.

Việc mở những điểm bán tạm thời tại những địa điểm mới lạ có thể giúp các thương hiệu kết nối với người dùng, điều họ không thể làm được với các cửa hàng truyền thống, theo lời Michael Cheng – người phụ trách mảng bán lẻ và tiêu dùng khu vực châu Á Thái Bình Dương và Hồng Kông/Trung Quốc Đại lục của PwC.

Cheng nói: “Đây là một bước khởi đầu khá tốt cho các nhà bán lẻ. Nếu họ có thể xoay chuyển lượng mua hàng ở cửa hàng không cố định trở thành các khách hàng online lâu năm, mô hình này có thể giúp tăng doanh số một cách hiệu quả mà không cần đến các cửa hàng cố định cần phải có hợp đồng thuê nhà đất.”

Nutella, thương hiệu được sở hữu bởi Ferrero, đã mở các điểm bán tạm thời tại Pacific Place từ 1/8. Những ngày trung tuần, chúng ta có thể thấy hàng dài người mua hàng dọc theo trung tâm trái ngược với các cửa hàng cố định thưa thớt.

Lam nói rằng cô đang mua các lọ mứt để tặng quà sinh nhật. Sau khi đặt mua xong, cô phải đợi khoảng 20 phút để có thể đề tên theo nhu cầu cá nhân.

Nhờ một sáng kiến nhỏ, Nutella và Nike đã khiến người Hồng Kông phải xếp hàng dài mua hàng - Ảnh 3.

Rất nhiều người xếp hàng dài để mua được lọ mứt Nutella

Công ty đã bán được hơn 170.00 lọ mứt được cá nhân hóa này từ các điểm bán tạm thời, các cửa hàng này sẽ đóng cửa vào thứ 4.

Công ty phát biểu qua một email rằng: “Chúng tôi rất ngạc nhiên và vui mừng khi thấy rằng chiến dịch đang được đón nhận rộng rãi bởi các khách hàng Hồng Kông”.

Ở ngay gần đó là một quán café Mexico đã tăng gấp đôi doanh thu nhờ việc mở điểm bán tạm thời để kinh doanh dép tông Havaianas.

Cuối đường, mọi người đang thưởng thức những vại bia và khoai tây chiên được chuyển đổi từ nhà hàng Brickhouse. Một nơi khác, các khách hàng đang lựa chọn những đôi dép tông rực rỡ treo đầy bức tường.

Một cửa hàng như vậy đã bán được nhiều hơn 40% lượng giày dép so với các địa điểm bán hàng truyền thống, theo lời Peter Solomon – giám đốc của nhà phân phối Havaianas tại Hồng Kông Electric sekki. Đối với các cửa hàng thông thường, nhà bán lẻ phải trả tiền để nâng cấp, cung cấp hệ thống ánh sáng và kho dự trữ. Còn các điểm bán tạm thời thì chỉ cần một quầy hàng và bày biện đơn giản.

Solomon nói: “Chắc chắn chúng tôi sẽ mở các điểm bán thế này nhiều hơn ở Hồng Kông. Chúng tôi có thể sử dụng mô hình này ở mọi địa điểm và tái sử dụng nhiều lần”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại