Chiếc mũ màu đỏ với slogan "Make America Great Again" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành biểu tượng nổi tiếng cho chiến thắng của nhà tỷ phú chưa từng có kinh nghiệm chính trường trước đối thủ kỳ cựu Hillary Clinton. Có giá bán từ 20-30 USD, chiếc mũ được quảng cáo là "chỉ có một kích cỡ, nhưng phù hợp với tất cả mọi người".
Mặc dù ngay trong lễ nhậm chức của tân Tổng thống, báo chí Mỹ đã “phanh phui” một sự thật trớ trêu là chiếc mũ mang khẩu hiệu đậm chất bảo hộ này lại được sản xuất ở Việt Nam và một số nước khác, nhưng không thể phủ nhận rằng tinh thần “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) và “America First” (Nước Mỹ trước hết) đã xuyên suốt đường lối đối nội và đối ngoại của ông Trump.
Có thể nhiều người không hoàn toàn thích ông Trump, nhưng họ lại không thể phủ nhận rằng sau 1 năm ông vào Nhà Trắng, kinh tế Mỹ đang khởi sắc, lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng trên dưới 3% sau nhiều năm. Có vẻ như “Make America Great Again” bắt đầu có những kết quả thực chất.
Sáng ngày 10/11/2017, trước khi bắt đầu ngày làm trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã thưởng thức bánh mì tại một cửa hàng vỉa hè ở Đà Nẵng.
Ông Turnbull cho biết đây là lần đầu tiên ông ăn bánh mì Việt Nam. Vị thủ tướng đã thốt lên "Tôi thực sự yêu thích vị tươi mới trong các món ăn Việt Nam".
Chiếc bánh mì vỉa hè Đà Nẵng là hình ảnh có thể liên hệ trực tiếp đến mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Australia, bởi Việt Nam là thị trường xuất khẩu các mặt hàng bột mì và thịt bò lớn thứ hai của Australia.
Và trong Tuần lễ Cấp cao APEC, những "chiếc bánh mì" tương tự - theo cách này hay cách khác - đại diện cho hàng loạt quan hệ song phương và đa phương, giữa Việt Nam với các đối tác hội tụ về Đà Nẵng.
Tuần lễ Cấp cao APEC vừa qua đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Chủ đề và những ưu tiên do Việt Nam khởi xướng được đánh giá tiếp tục dẫn APEC đi đúng hướng. Trong cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công sự kiện APEC một cách “tuyệt vời”.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Triều Tiên đã tiến hành tất cả 23 vụ thử tên lửa. Trong đó, ba lần nước này phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và hai lần có tên lửa bay qua Nhật Bản.
Đặc biệt, ngày 29/11, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo mạnh nhất mang tên Hwasong-15, đạt độ cao 4.475 km và bay được quãng đường 950 km. Theo giới chuyên gia, nếu phóng ở quỹ đạo tiêu chuẩn, Hwasong-15 sẽ đạt độ cao 13.000km, có thể đưa toàn bộ nước Mỹ vào tầm bắn.
Trước sức đe dọa không thể phủ nhận của tên lửa Triều Tiên, Liên hợp quốc nhiều lần phải tiến hành các cuộc họp khẩn. Mỹ cùng các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bày tỏ quyết tâm ngăn chặn Bình Nhưỡng bằng các lệnh trừng phạt cứng rắn, cùng sự thị uy rầm rộ của các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên bán đảo Triều Tiên.
Năm 2017, thế giới còn chứng kiến màn đấu khẩu kịch tính giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên liên tục báo động khi chiến lược ngoại giao được đặt ở mức thấp lịch sử trong mối quan hệ Mỹ- Triều Tiên.
15.000 con lạc đà đã trở thành nạn nhân "bất đắc dĩ" trong khủng hoảng vùng Vịnh giữa Qatar và các nước thuộc khối Ả Rập.
Ngày 4/6/2017, Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với lí do nước này tiếp tay cho các phần tử cực đoan Hồi giáo và hậu thuẫn Iran. Ngay sau đó, Riyadh đã yêu cầu trục xuất đoàn lạc đà của Doha, đẩy những đàn gia súc vào tình cảnh thiếu thức ăn và nước uống nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho những chủ chăn nuôi.
Dù đa phần đàn gia súc đã được cứu sống, nhưng số phận bầy lạc đà cũng thể hiện phần nào sự gay gắt và quyết liệt trong chính sách của khối Ả Rập với Doha.
Cho đến nay, sau nhiều giằng co, những cuộc thương thuyết nhiều bên và cả các tối hậu thư, khủng hoảng ngoại giao Qatar vẫn chưa được xử lí triệt để và vẫn là vấn đề nổi cộm tại khu vực này.
Hai khung cửa kính bị đập vỡ trên tầng thứ 32 khách sạn Mandalay Bay là nơi tay súng Stephen Paddock ngắm bắn vào đám đông dự đại nhạc hội Route 91 Harvest (Las Vegas, Mỹ). Chỉ trong 15 phút, kẻ tấn công đã cướp đi sinh mạng của 59 người và khiến hơn 500 người khác bị thương.
Đây chỉ là một trong 208 vụ thảm sát diễn ra tại Mỹ trong năm 2017, biến năm này trở thành năm đẫm máu nhất tại Mỹ trong một thập kỷ qua, theo thống kê của USA Today.
Tuy nhiên, tấn công đẫm máu không phải câu chuyện của riêng nước Mỹ. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Esri, trong năm 2017, khắp thế giới có 1.099 vụ tấn công khủng bố, gây thương vong cho 7.455 người.
Học giả Amarnath Amarasingam của Viện Đối thoại Chiến lược cho rằng, con người đang ngày càng mất cảm giác trước các vụ tấn công dù các sự vụ này xảy ra thường xuyên hơn.
"Ban đầu, tôi nghĩ rằng chiến thuật của ISIS có thể làm gieo rắc, gia tăng nỗi sợ hãi, buộc mọi người phải tránh xa các sự kiện cộng đồng, nơi đông người. Nhưng có vẻ nó lại mang tới tác động trái ngược. Tôi nghĩ nhiều người đã tìm được cách phản ứng tích cực khi đối mặt với tất cả những chuyện đó", ông Amarasingam nói.
Cuối năm 2017, Đà Nẵng đã đón hàng chục nhà lãnh đạo thế giới đến tham dự Diễn đàn APEC, và đây cũng là nơi những quyết định quan trọng nhất về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thống nhất giữa 11 quốc gia thành viên, sau khi Mỹ rời bỏ cuộc chơi.
Theo cách ví von của báo The Malaysian Times, diễn biến sự kiện lớn này cũng biến chuyển như thời tiết Đà Nẵng, từ mưa to gió lớn những ngày đầu đến nắng đẹp những ngày cuối. Việc Thủ tướng Canada Justin Trudeau không xuất hiện trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo TPP đã làm nảy sinh những lo ngại rằng TPP sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Nhưng cuối cùng, hơn 8.000 trang tài liệu đã được thông qua mà chỉ có 20 điều khoản tạm hoãn.
Một phiên bản TPP mới hơn với tên gọi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ra đời, mà theo cách gọi của Forbes là sự “tái sinh” của TPP. Hiệp định mới này đảm bảo được tinh thần và những điều khoản cốt lõi của TPP, giúp đảm bảo, cân bằng lợi ích kinh tế của các nước tham dự, mở ra môi trường giao thương lành mạnh, nhiều chiều cho cả khu vực.
Deir Ezzor là nơi chứng kiến sự hồi sinh thần kì của Lực lượng Quân đội Syria (SAA) trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Với nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào và có sân bay quân sự, Deir Ezzor là cứ điểm quan trọng mà bất kì phe nào ở Syria cũng muốn đạt được. Rộng hơn 33.000 km2 và có khoảng hơn 1 triệu dân số, đây cũng là một trong những thủ phủ quan trọng cuối cùng của IS tại Syria.
Trước năm 2017, quân chính phủ SAA liên tục vấp phải thất bại trước hỏa lực đáng gờm từ IS. Nhưng trong những tháng qua, với nguồn hỗ trợ lớn từ Nga, quân SAA đã chiến thắng liên tiếp trên các mặt trận ở Deir Ezzor. Thất thủ trước hàng loạt xe tăng, đạn pháo, tên lửa từ liên quân Nga - SAA, IS bị đánh tan tác, buộc phải tháo lui, mất dần lãnh thổ vào tay chính phủ Syria.
Tuy số liệu cụ thể về số người đã thiệt mạng tại Deir Ezzor chưa được công bố nhưng có thể nói, giải phóng toàn vẹn Deir Ezzor khỏi IS là bước ngoặt lớn trong cuộc chiến dai dẳng, đánh dấu sự kết thúc của Nhà nước Hồi giáo tự xưng, mở ra một tương lai mới cho Syria.
Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng 11, ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ cũng như lãnh đạo thế giới đầu tiên được Bắc Kinh đón tiếp bằng biệt lệ chưa từng có kể từ thời lập quốc (1949): Dự tiệc trà, tiệc tối tại Tử Cấm Thành - một quần thể kiến trúc cung điện nổi tiếng với lịch sử 611 năm của Trung Quốc.
Nhà sử học Jeremiah Jenne nhận định "Trung Quốc hiểu rằng họ đang đối thoại với ai" và cho rằng, động thái của Bắc Kinh sẽ gây ấn tượng mạnh với Tổng thống Mỹ. Trên thực tế, Tổng thống Trump đã ngay lập tức đăng tải dòng tweet cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình về "buổi gặp gỡ không thể nào quên" tại Tử Cấm Thành.
Trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ biến động khá phức tạp, chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Trump được kỳ vọng sẽ phục hồi quan hệ song phương. Tuy nhiên, theo giới quan sát, dù cố gắng cải thiện thì quan hệ giữa hai ông lớn này khó phẳng lặng bởi những mâu thuẫn lợi ích luôn hiện hữu trong các vấn đề chính trị quốc tế quan trọng như vấn đề Triều Tiên, Đài Loan và biển Đông.
Màn cho cá chép Koi ăn của tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 6/11/2017 là một trong những sự kiện khiến truyền thông quốc tế xôn xao nhất trong chuyến công du 5 nước châu Á của ông Trump.
Trong các hình ảnh trên mạng xã hội, ông Trump dường như sốt ruột khi phải xúc từng thìa bột cho bầy cá nên đã trút hết cả hộp thức ăn xuống hồ.
Tuy nhiên, đoạn video đầy đủ cho thấy hai ông cùng bắt đầu, nhưng sau khi so sánh phần thức ăn còn lại của mỗi người, ông Abe liền dốc nốt số thức ăn xuống bầy cá, và tổng thống Trump... làm theo, khiến ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đứng gần đó bật cười vui vẻ.
Tình huống cho cá ăn giữa lãnh đạo Mỹ-Nhật, dù bị "hiểu nhầm" trên truyền thông, song được cho là hình ảnh thể hiện được tính đồng điệu trong mối quan hệ vững chắc giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống ở châu Á dưới thời ông Trump.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã thúc đẩy quan hệ với các đồng minh châu Á. Và trong chuyến công du tháng 11, ông đã đẩy mạnh khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" thay cho "châu Á-Thái Bình Dương", với trụ cột là các trục quan hệ lớn như Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn, Mỹ-Australia... nhằm khẳng định vị thế lãnh đạo của Mỹ trên một phạm vi lớn hơn chiến lược "xoay trục châu Á" của ông Obama - vốn đang bị thách thức bởi Trung Quốc hay chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Hình ảnh khiến dư luận "dậy sóng" về Triều Tiên trong năm 2017 là ổ ký sinh trùng được phát hiện trong cơ thể một binh sĩ Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc đã hé lộ phần nào bức tranh đời sống - y tế ở Triều Tiên.
Năm 2017 chứng kiến những thành tựu vượt bậc của Triều Tiên trong công nghệ tên lửa và hạt nhân, nhưng việc Bình Nhưỡng dồn nguồn lực khổng lồ cho chương trình vũ khí có thể đã khiến các lĩnh vực khác ảnh hưởng.
Trường hợpngười lính Triều Tiên đào tẩu không phải là cá biệt. Nhiều người Triều Tiên bỏ trốn tới Hàn Quốc đã được chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng, một phần nguyên nhân là bởi thiếu phân bón hóa học, nông dân Triều Tiên phải dùng phân bắc để bón cho cây trồng.
Theo một báo cáo từ LHQ, cứ 5 người Triều Tiên lại có 2 người bị suy dinh dưỡng, 70% người dân cần trợ cấp lương thực. Chưa kể, những thực phẩm người dân có thể tiếp cận cũng chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Trong khi căng thẳng Mỹ-Triều Tiên leo thang năm 2017 và có khả năng tiếp diễn trong năm 2018, Bình Nhưỡng hiển nhiên không từ bỏ chương trình hạt nhân-tên lửa, và nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục gánh hệ quả từ các lệnh cấm vận. Tình trạng binh sĩ Triều Tiên đào tẩu chỉ là "bề nổi" của tảng băng, và những "ổ giun" sẽ còn xuất hiện nhiều lần nữa, cho đến khi các bên liên quan tìm được một giải pháp phù hợp cho bán đảo.