Nhiều trẻ bị thối tai, hỏng tai: Lời cảnh tỉnh của chuyên gia đầu ngành tai mũi họng

Ngọc Anh |

Viêm tai là bệnh lý khá phổ biến đặc biệt. Bệnh viêm tai giữa phổ biến nhất trong các bệnh lý của tai, được xếp vào nhóm bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên cấp tính.

Con bị biến chứng thối tai vì mẹ kiên quyết không dùng kháng sinh

Chị Vũ Thị My – Thanh Xuân, Hà Nội ân hận vì đã theo quan niệm "nói không với kháng sinh" khiến bé gái hơn 2 tuổi nhà chị bị viêm tai giữa biến chứng thối tai.

Chị My cho hay, bé hay chảy nước mũi xanh kèm ho, nhưng chị chủ quan và sợ sử dụng kháng sinh gây hại cho con nên đã áp dụng kiểu chữa bệnh "nói không với kháng sinh" dù bác sĩ chẩn đoán bé bị "viêm hô hấp trên", và kê kháng sinh cho bé.

Chị My kiên quyết không cho con sử dụng kháng sinh. Con gái chị tiếp tục bị ho nặng hơn, tái khám bác sĩ tiếp tục chẩn đoán cháu bị viêm tai giữa và lại tiếp tục kê kháng sinh, nhưng chị vẫn không cho con dùng mà tự mua thuốc bào chế riêng chữa bệnh cho con.

Cho đến khi tai bé có dịch mủ chảy, bé quấy khóc và kêu đau tai chị mới vội vã đứa con đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm tai nặng dẫn đến chảy mủ, may mắn là mủ chưa chảy vào tai trong gây biến chứng nguy hiểm.

Trường hợp của bé Nguyễn Anh Dũng, 9 tháng tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội nhập viện do bị viêm tai xương chũm cấp hai bên, biến chứng liệt mặt ngoại biên trái, phải nhập viện để mổ cấp cứu xương chũm trái và đặt ống thông khí hai bên...

Trước đó, bố mẹ bé không biết con bị viêm tai giữa mà chỉ rửa mũi, kết quả bé bị viêm tai biến chứng nặng nề.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị viêm tai giữa

PGS Nguyễn Hoàng Sơn – Chủ tịch Hội tai mũi họng Hà Nội, Nguyên Trưởng khoa Tai Mũi họng Nhi, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, biến chứng do điều trị sai lầm bệnh viêm tai giữa như những ca trên không phải hiếm. Trường hợp trẻ bị thối tai, hỏng tai do cha mẹ tự điều trị cho con vẫn diễn ra hàng ngày.

Nhiều trẻ bị thối tai, hỏng tai: Lời cảnh tỉnh của chuyên gia đầu ngành tai mũi họng - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Hoàng Sơn

Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến khả năng thính giác của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ, thậm chí điếc - câm bẩm sinh...) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.

Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, có khi ảnh hưởng đến tính mạng do biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não do tai, viêm tắc tĩnh mạch bên, do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII).

PGS Sơn cho biết, nhiều trẻ bố mẹ áp dụng cách thổi thuốc vào tai trẻ, khiến dịch viêm tai ứ lại không thoát được cũng gây ra thối tai. BS Sơn khuyến cáo, các bậc phụ huynh tuyệt đối không thổi các thuốc bột hay thuốc đông y nào vào tai khi trẻ bị viêm tai giữa.

Theo PGS Sơn để phòng bệnh viêm tai giữa, bố mẹ cần vệ sinh cho trẻ bằng cách nhỏ dung dịch muối biển hoặc nước muối sinh lý nhằm làm sạch những bụi bẩn trên đường hô hấp, đặc biệt trong những đợt có dịch đường hô hấp trên. Việc này sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp trên.

Khi trẻ bị viêm mũi chảy nước mũi cần điều trị bệnh dứt điểm, bố mẹ phải xịt rửa mũi sạch nhầy rồi mới nhỏ thuốc trị viêm mũi để trị dứt điểm. Khi có bệnh dấu hiệu viêm nhiễm, bố mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị cho con, cần đưa trẻ đến thăm khám đúng chuyên khoa để có phương pháp điều trị bệnh tốt nhất.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị viêm tai giữa:

- Trẻ sốt, thường là sốt cao 39 - 40oC, quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, co giật...

- Nếu là trẻ lớn, sẽ kêu đau tai, còn trẻ nhỏ chỉ biết lắc đầu, lấy tay dụi vào tai.

- Rối loạn tiêu hóa: trẻ đi ngoài lỏng, nhiều lần, xuất hiện gần như đồng thời với triệu chứng sốt.

PGS Sơn cũng cho biết thêm, nhiều trường hợp bé bị viêm tai phụ huynh nghĩ bệnh đã khỏi, nhưng thực ra viêm tai giữa đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mạn tính với dấu hiệu rất quan trọng chính là chảy mủ tai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại