Nhật - Pháp thi nhau vơ vét nước ta, đầu năm 1945, hơn hai triệu đồng bào chết đói

B.T sưu tầm, SGK Sử 12 |

Chiến tranh thế giới thứ hai đã tác động đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội nhiều nước. Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời chuyển hướng đấu tranh, tích cực chuẩn bị về mọi mặt.

Tình hình Việt Nam trong những năm 1939 – 1945

Tình hình chính trị

Đầu tháng 9 – 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở châu Âu, quân đội phát xít Đức kéo vào nước Pháp. Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức. thực hiện chính sách thù địch đối với các lực lượng tiến bộ trong nước và phong trào cách mạng các nước thuộc địa.

Ở Đông Dương, Đô đốc G. Đờcu được cử làm Toàn quyền thay G. Catơru. Chính quyền mới thực hiện một loạt chính sách nhằm vơ vét sức người, sức của ở Đông Dương để dốc vào cuộc chiến tranh.

Cuối tháng 9 – 1940, quân Nhật vượt biên giới Việt – Trung tiến vào miền Bắc Việt Nam. Quân Pháp nhanh chóng đầu hàng. Phát xít Nhật giữ nguyên bộ máy thống trị của thực dân Pháp, dùng nó để vơ vét kinh tế phục vụ cho nhu cầu chiến tranh và đàn áp phong trào cách mạng. 

Dưới ách thống trị của Nhật – Pháp, ở Việt Nam lúc này không chỉ có những đảng phái chính trị thân Pháp mà còn cả những đảng phái thân Nhật như Đại Việt, Phục quốc v.v.. Quân Nhật và tay sai ra sức tuyên truyền lừa bịp về văn minh và sức mạnh của Nhật Bản, về thuyết Đại Đông Á, dọn đường cho việc hất cẳng Pháp sau này.

Bước sang năm 1945, trên chiến trường châu Âu, phát xít Đức bị thất bại nặng nề. Ở Mặt trận châu Á – Thái Bình Dương, quân Nhật thua to tại nhiều nơi. Ở Đông Dương, ngày 9 – 3 – 1945, Nhật đảo chính Pháp. Lợi dụng cơ hội đó, các đảng phái chính trị ở Việt Nam tăng cường hoạt động. Quần chúng nhân dân sục sôi khí thế cách mạng, sẵn sàng vùng lên khởi nghĩa.

Tình hình kinh tế - xã hội

Đầu tháng 9 – 1939, Toàn quyền Catơru ra lệnh tổng động viên nhằm cung cấp cho "mẫu quốc" tiềm lực tối đa của Đông Dương về quân sự, nhân lực, các sản phẩm và nguyên liệu.

Thực dân Pháp thi hành chính sách Kinh tế chỉ huy, tăng mức thuế cũ, đặt thêm thuế mới, đồng thời sa thải bớt công nhân, viên chức, giảm tiền lương, tăng giờ làm v.v.. Chúng kiểm soát gắt gao việc sản xuất và phân phối, ấn định giá cả.

Khi quân Nhật vào Đông Dương, Pháp buộc phải để cho Nhật sử dụng các sân bay, phương tiện giao thông, kiểm soát hệ thống đường sắt và các tàu biển. Hằng năm, Nhật bắt chính quyền thực dân Pháp nộp cho chúng một khoản tiền lớn. Trong 4 năm 6 tháng, Pháp phải nộp một khoản tiền gần 724 triệu đồng.

Quân Nhật còn cướp ruộng đất của nông dân, bắt nông dân nhổ lúa, ngô để trồng đay, thầu dầu phục vụ cho nhu cầu chiến tranh.

Nhật yêu cầu chính quyền thực dân Pháp xuất các nguyên liệu chiến lược sang Nhật Bản như than, sắt, cao su, xi măng v.v..

Một số công ti của Nhật đã đầu tư vào những ngành phục vụ cho nhu cầu quân sự như: khai thác mănggan, sắt ở Thái Nguyên, apatít ở Lào Cai, crôm ở Thanh Hoá.

Chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp – Nhật đã đẩy nhân dân ta tới chỗ cùng cực. Hậu quả là cuối năm 1944 – đầu năm 1945, có gần 2 triệu đồng bào ta chết đói.

Tất cả các giai cấp, tầng lớp ở nước ta, trừ các thế lực tay sai đế quốc, đại địa chủ và tư sản mại bản, đều bị ảnh hưởng bởi chính sách bóc lột của Pháp – Nhật.

Những biến chuyển của tình hình thế giới và trong nước đòi hỏi Đảng ta phải kịp thời nắm bắt và đánh giá chính xác tình hình, đề ra đường lối đấu tranh phù hợp.

Phong trào giải phóng dân tộc từ tháng 9 – 1939 đến tháng 3 – 1945

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11 – 1939

Tháng 11 – 1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì.

Hội nghị xác định nhiệm vụ. mục tiêu đấu tranh trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập.

Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của bọn thực đân đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, lãi nặng. Khẩu hiệu lập chính quyền Xô viết công nông binh được thay thế bằng khẩu hiệu lập Chính phủ dân chủ cộng hoà.

Về mục tiêu, phương pháp đấu tranh, Đảng quyết định chuyển từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật. Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (gọi tắt là Mặt trận Phản đế Đông Dương) thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11 – 1939 đánh dấu bước chuyển hướng quan trọng của Đảng – đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đưa nhân dân ta bước vào thời kì trực tiếp vận động cứu nước.

Những cuộc đấu tranh mở đầu thời kì mới

- Khởi nghĩa Bắc Sơn (27 – 9 – 1940)

Mặc dù thực dàn Pháp đã nhượng bộ mọi yêu sách của Nhật, song quân Nhật vẫn thực hiện kế hoạch đánh chiếm Đông Dương. Noày 22 – 9 – 1940, quân Nhật vượt biên giới Việt – Trung, đánh chiếm Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng, đổ bộ lên Đồ Sơn.

Ở Lạng Sơn, quân Pháp bị tốn thất nặng nề. Phần lớn quân Pháp đầu hàng, số còn lại rút chạy về Thái Nguyên qua châu Bắc Sơn.

Nhật - Pháp thi nhau vơ vét nước ta, đầu năm 1945, hơn hai triệu đồng bào chết đói - Ảnh 1.

Đội du kích Bắc Sơn

Đêm 27 – 9 – 1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, nhân dân Bắc Sơn đã nổi dậy chặn đánh quân Pháp, chiếm đồn Mỏ Nhài. Chính quyền địch ở Bắc Sơn tan rã. Nhân dân làm chủ châu lị và các vùng lân cận. Đội du kích Bắc Sơn được thành lập.

Lúc này, Pháp và Nhật tuy mâu thuẫn với nhau những đều hoảng sợ trước lực lượng cách mạng nên đã nhanh chóng câu kết với nhau. Mấy hôm sau, Nhật thả tù binh Pháp và cho quân Pháp trở lại đóng các đồn bốt ở Lạng Sơn. Thực dân Pháp tiến hành khủng bố phong trào cách mạng ở Bắc Sơn. Chúng đốt phá làng bản, tập trung dân, bắn giết những người tham gia khởi nghĩa.

Khởi nghĩa Bắc Sơn có ý nghĩa lịch sử quan trọng, mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc sau khi có chủ trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng; giúp Đảng ta rút ra những bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, chọn thời cơ khởi nghĩa.

- Khởi nghĩa Nam Kì (23 – 11 – 1940)

Tháng 11 – 1940, xảy ra cuộc xung đột giữa thực dân Pháp và Thái Lan. Chính quyền thực dân bắt thanh niên Việt Nam và Cao Miên đi làm bia đỡ đạn, nhân dân Nam Kì và binh lính đã đấu tranh phản đối việc đưa binh lính ra mặt trận.

Trong bối cảnh đó, Xứ ủy Nam Kì chuẩn bị phát động nhân dân khởi nghĩa và cử đại biểu ra Bắc xin chỉ thị của Trung ương.

Lúc này, trước những thay đổi của tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập từ ngày 6 đến ngày 9 – 11 – 1940 tại làng Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh). 

Hội nghị đề ra chủ trương trong tình hình mới: xác định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là đế quốc Pháp – Nhật; quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn để xây dựng thành lực lương vũ trang cách mạng; tiến tới thành lập căn cứ du kích; quyết định đình chỉ khởi nghĩa vũ trang ở Nam Kì vì thời cơ chưa chín muồi.

Nhật - Pháp thi nhau vơ vét nước ta, đầu năm 1945, hơn hai triệu đồng bào chết đói - Ảnh 2.

Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu trong khởi nghĩa Nam Kì

Quyết định hoàn khởi nghĩa Nam Kì của Trung ương Đảng chưa tới nơi, nhưng lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy đã đến các địa phương, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra đúng thời gian quy định là đêm 22 rạng sáng 23 – 11 – 1940.

Khởi nghĩa bùng nổ từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ, bao gồm: Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Mĩ Tho, Vĩnh Long. Chính quyền cách mạng đã được thành lập ở nhiều nơi. Trong cuộc khơi nghĩa, lần đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng.

Do kế hoạch bị lộ nên thực dân Pháp đã kịp thời đối phó. Chúng cho máy hay ném bom tàn sát nhân dân những vùng nổi dậy và bắt nhiều người.

Lực lượng khởi nghĩa còn lại phán rút về vùng Đồng Tháp và U Minh để củng cố lực lượng.

Cuộc khởi Nam Kì chứng tỏ tinh thần yêu nước, sẵn sàng đứng lên chiến đấu chống quân thù của các tầng lớp nhân dân Nam Bộ.

- Binh biến Đô Lương (13 – 1 – 1941)

Trong khi thực dân Pháp khủng bố dữ dội những người tham gia khởi nghĩa Nam Kì, lại Trung Kì, những binh lính người Việt trong quân đội Pháp làm binh biến phản đối việc họ bị Pháp đưa sang Lào để đánh nhau với quân Thái Lan.

Ngày 13 – 1 – 1941, binh lính đồn Chợ Rạng (Nghệ An) dưới sự chỉ huy của Đội Cung (Nguyễn Văn Cung) đã nối dậy. Tối hôm đó, quân khởi nghĩa đánh chiếm đồn Đô Lương rồi lên ô tô tiến về Vinh để phối hợp với binh lính ở đây chiếm thành.

Nhật - Pháp thi nhau vơ vét nước ta, đầu năm 1945, hơn hai triệu đồng bào chết đói - Ảnh 4.

Lược đồ Binh biến Đô Lương tháng 1 – 1941

Nhưng kế hoạch không thực hiện được do quân Pháp kịp thời đối phó. Chiều hôm sau, toàn hộ binh lính tham gia nổi dậy bị bắt. Ngày 11 – 2 – 1941. Đội Cung cũng bị sa vào tay giặc.

Ngày 24 – 4 – 1941, thực dân Pháp xử bắn Đội Cung cùng 10 đồng chí của ông. Nhiều người khác bị kết án khổ sai, đưa đi đày.

Trong thời gian hơn ba tháng, ba cuộc nổi dậy nối tiếp nổ ra ở cả ba miền của đất nước, do nhiều tầng lớp nhân dân và binh lính tham gia, đã nêu cao tinh thần bất khuất của dân tộc, Các cuộc nổi dậy thất bại vì điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi, nhưng "đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương".

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 12, trang 102 – 108.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại