Nhật "mời chào" Nga quan hệ kinh tế mạnh hơn để đối phó với Trung Quốc

V.N |

Theo Reuters, Nhật Bản đang hy vọng sự "quyến rũ" của những quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Nga sẽ củng cố các quan hệ chiến lược của họ để đối mặt với một Trung Quốc đang nổi lên.

Song người ta cũng nghi ngờ liệu cách tiếp cận này có tạo ra đột phá trong những tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề một hội nghị kinh doanh ở Vladivostok để thảo luận việc hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực năng lượng và công nghệ.

Cuộc gặp trong diễn đàn 2 ngày ở thành phố cảng của Nga, bắt đầu từ 2.9, sẽ được tiếp nối bằng chuyến thăm của ông Putin tới Nhật Bản vào tháng 12 tới - các quan chức Nga cho biết. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin từ khi ông Abe lên nắm quyền tháng 12.2012, mặc dù ông Abe đã thăm Nga vài lần.

Nhật lâu nay đã tìm kiếm quan hệ thân thiết hơn với Nga để chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc, cũng như tỏ ý quan tâm đến các nguồn tài nguyên phong phú của Nga.

Thủ tướng Abe đã trao thêm cho bộ trưởng thương mại Hiroshige Seko chức trách nữa là phụ trách hợp tác kinh tế với Nga, một dấu hiệu tập trung vào quan hệ kinh tế - người phát ngôn của chính phủ Nhật vừa cho biết hôm nay.

Trước đây hai bên đã có nỗ lực sắp xếp để ông Putin thăm Nhật nhưng bị vấn đề Crưm sáp nhập vào Nga đầu năm 2014 cản trở.

Cựu nghị sĩ Nhật Muneo Suzuki nói rằng, các mối quan hệ kinh tế rộng lớn hơn với mục đích tìm kiếm giải pháp cuối cùng về tranh chấp các đảo ở Tây Thái Bình Dương là điều có ý nghĩa, bởi các nguồn tài nguyên năng lượng của Nga và chuyên môn công nghệ cũng như đầu tư của Nhật rất thích hợp với nhau.

Nhật tuyên bố chủ quyền với một loạt các đảo ở tây Thái Bình Dương, mà Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc và Nga gọi là quần đảo Nam Kurils, và hiện giờ do Nga kiểm soát.

Những người chỉ trích cho rằng không thể có chuyện hợp tác kinh tế sẽ khiến ông Putin phải trao cho Nhật những hòn đảo mà Nga coi là lãnh thổ của họ. Ông đã được sự tín nhiệm rất cao sau việc Crưm sáp nhập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại