Nhà báo Hàn Ni: "Tôi cũng từng hoang mang, lo sợ"

Hà Khê |

"Khi viết bài, tôi không nhằm mục đích đạt thành tích hay công danh gì. Đơn giản là khi thấy gia cảnh ông Tấn lâm vào tình cảnh như thế, nếu không làm gì thì sẽ rất day dứt".

Đó là những chia sẻ của Nhà báo Hàn Ni, tác giả loạt phóng sự điều tra "Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh: Bị xử lý hình sự" đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng gây xôn xao thời gian qua.

"Cái gì đúng thì cố gắng làm tới cùng"

Chiều nay, khi gọi điện cho nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, chúng tôi thấy rõ được niềm vui của chị khi vừa được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tặng bằng khen. "Vui lắm chứ và cảm thấy an tâm nữa vì được chính quyền quan tâm, động viên", chị nói.

Thế nhưng, trong câu chuyện của mình, chúng tôi hiểu, việc được khen thưởng không phải là mục đích của chị khi thực hiện loạt phóng sự điều tra đình đám này.

Chị kể: "Thực ra, khi mình viết bài này mình cũng chả nghĩ là nhằm để đạt thành tích hay công danh gì cả. Đơn giản là khi thấy gia cảnh ông Tấn đang lâm vào tình cảnh như thế, nếu mình không làm gì thì sẽ rất day dứt".

Chính từ mục đích nhỏ ấy, Hàn Ni đầu tư công sức, nghiên cứu hồ sơ rất kỹ để làm. "Mình nghĩ đó cũng là cách để giúp một gia đình đang gặp khó khăn về mặt pháp lý và kinh tế. Sâu xa sự việc này là như vậy", chị nói.

Chính bản thân tác giả Hàn Ni cũng không ngờ, sau khi đăng bài thì được cộng đồng mạng xã hội, dư luận và bạn bè đồng nghiệp ủng hộ tạo nên một cơn "địa chấn" như vậy.


Loạt bài điều tra của phóng viên Hàn Ni khiến dư luận xôn xao những ngày qua.

Loạt bài điều tra của phóng viên Hàn Ni khiến dư luận xôn xao những ngày qua.

Khi sự việc được phanh phui, những người quan tâm đến chị đã nhắc chị cẩn thận không sẽ bị trả thù. "Thú thực, lúc đó mình cũng hoang mang, lo sợ. Nhưng nghĩ lại, đó là công việc là trách nhiệm của mình nên tiếp tục cố gắng để làm", nữ nhà báo trải lòng..

"Mình cũng đã từng nghĩ đến việc, nếu mình phanh phui một vụ việc oan sai, sẽ động chạm đến nhiều người, quyền lợi của nhiều cá nhân nên việc chịu áp lực là đương nhiên. Cái gì thấy đúng thì cố gắng làm tới cùng.

Cho đến nay, khi sự việc đã gần đến hồi kết, tôi vẫn chưa bị ai đe dọa, cản trở", phóng viên Hàn Ni chia sẻ..

Nữ nhà báo này cũng thẳng thắn cho biết, lo lắng về chuyện bị trả thù không phải chưa từng thoáng qua trong suy nghĩ nhưng nếu vì thế mà không phanh phui cái xấu, cái sai thì không được.

"Tôi đặt mình vào vị trí của cơ quan điều tra, các hiệp sĩ bắt cướp... Nếu ai cũng lo bị trả thù thì việc chung sẽ không ai làm, cái sai sẽ tiếp tục tồn tại", chị Hàn Ni nói.

"Đại tá Quý bị đình chỉ là việc tôi không mong muốn"

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hàn Ni vui mừng vì sự việc đã đi gần tới đích, ông Tấn đã được minh oan và sự thật đã được phơi bày.

Tuy nhiên, trao đổi về thông tin Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng công an huyện Bình Chánh bị đình chỉ công tác, chị Hàn Ni tỏ ra không vui và cho biết: "Tôi không bất ngờ về việc này nhưng đó là điều mà tôi không mong muốn".

Nữ nhà báo này tiếp tục chia sẻ, mục tiêu ban đầu không phải "đánh" ai, hạ bệ ai mà chỉ muốn phanh phui sự thật, giải oan cho ông Tấn, giúp ông thoát khỏi tù tội oan ức.

Chị chia sẻ, khi đưa tin ban đầu, cũng nghĩ đến việc có nhiều người ủng hộ, nhưng cũng lo lắng không biết cơ quan chức năng sẽ phản ứng về việc đó như thế nào.

"Tôi từng lo sợ, vì lý do này lý do khác mà vụ việc sẽ không thể làm tới cùng... Nhưng như chúng ta đã biết, câu chuyện lùm xùm về quán cà phê Xin Chào đã tìm được hồi kết có hậu", nữ nhà báo bày tỏ.

Chị tâm sự, ngay từ bài viết đầu tiên, tác giả tập trung vào chứng cứ và quan điểm của mình về mặt pháp lý trong vụ việc, phân tích kỹ lưỡng về cái sai nên lãnh đạo báo Sài Gòn Giải Phóng rất đồng tình, ủng hộ.

Ngoài cơ quan, nữ nhà báo nổi tiếng này cũng cho rằng, chị may mắn vì được dư luận, đồng nghiệp ủng hộ nên đã yên tâm phần nào. Sau đó lại được các cơ quan chức năng cấp trên vào cuộc nên bản thân như được tiếp thêm sự khích lệ, động viên.

"Lúc đó, mình cảm thấy không còn cô đơn nữa", chị nói.

Một đồng nghiệp của nhà báo Hàn Ni cho biết, chị là thạc sỹ luật, từng có thời gian làm luật sư trước khi chuyển qua làm báo chuyên nghiệp. Ngoài ra, nữ nhà báo này đã xuất bản 2 cuốn sách viết về nghề luật và nghề báo.

Chiều 25/4, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM đã đến Báo Sài Gòn Giải Phóng, đích thân trao tặng bằng khen và thưởng nóng cho phóng viên Đặng Thị Hàn Ni.

Lý do vì nữ nhà báo đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phóng sự điều tra “Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh: Bị xử lý hình sự” (vụ án quán cà phê Xin Chào - Báo SGGP đăng từ ngày 19/4 đến 21/4/2016) góp phần tích cực trong phong trào thi đua của thành phố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại