Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cần sớm thông qua kịch bản biến đổi khí hậu

CHÍ QUỐC |

Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu như vậy tại hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức tại Cà Mau ngày 26-9.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nói trước tác động của biến đổi khí hậu, hiện ĐBSCL không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân như bao đời nay.

Vì vậy cần thay đổi tư duy phát triển, không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững.

Bà Phan Thị Mỹ Linh, thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết trong ý tưởng phát triển không gian đô thị, bộ sẽ nghiên cứu phát triển theo ba vùng dựa trên địa hình, đặc tính của từng nơi, gồm vùng ngập sâu Đồng Tháp Mười, vùng giữa đồng bằng và vùng ven biển.

- Vùng ngập sâu Đồng Tháp Mười dự kiến sẽ là nơi quản lý ngập và trữ nước, phát triển nhà ở, công trình nổi, phát triển thủy sản, trồng tràm và sản xuất kinh tế khác phù hợp ngập sâu.

- Vùng nước ngọt phù sa giữa đồng bằng sẽ nghiên cứu để phát triển, tăng chất lượng hệ thống đô thị, tập trung mật độ xây dựng cao.

- Vùng ven biển sẽ dịch chuyển các tuyến đê ven biển, trồng rừng ngập mặn, nghiên cứu đô thị phù hợp tình hình xâm nhập mặn.

Việc phân vùng không gian này còn là định hướng lớn để trên cơ sở đó quy hoạch ngành (thủy lợi, giao thông…) sao cho tránh di cư lớn, tránh đầu tư lớn mà dân vẫn đảm bảo ổn định trong sản xuất.

Tại hội nghị, nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trước tình hình, diễn biến mới của biến đổi khí hậu, tình hình xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn, Bộ Tài Nguyên và môi trường cần sớm thông qua kịch bản biến đổi khí hậu (thay kịch bản đã công bố năm 2009) càng sớm càng tốt, trong đó không chỉ dự đoán chung chung mà cần cụ thể cho từng vùng, tiểu vùng, thậm chí là từng địa phương ở ĐBSCL.

Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng quy hoạch chung ĐBSCL cũng cần cập nhật, trong đó quy hoạch đê, cống, ao hồ cũng cần chú ý bởi nếu không có quy hoạch này thì khó đưa ra danh sách đầu tư, làm không khéo sẽ gây lãng phí...

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, 45% diện tích toàn vùng ĐBSCL có thể bị nhiễm mặn vào năm 2030 nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mekong tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển.

Ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với tự nhiên và sinh kế của người dân trong vùng là một trong những thách thức rất lớn đối với Chính phủ, chính quyền địa phương và trực tiếp là hơn 20 triệu dân đang sinh sống tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại