Nguyên Thứ trưởng Bộ NN nói về phát ngôn của Giám đốc Formosa

Hoàng Đan |

Trước phát ngôn của Giám đốc truyền thông Formosa nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thủy, hải sản đã bày tỏ ý kiến.

Nếu đúng phải xử lý

Sáng 25/4, nhóm phóng viên VTC 14 đã tìm gặp và phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội.

Ông Phàm nói rằng người dân ở Hà Tĩnh cũng như Nhà nước sẽ phải cân nhắc và lựa chọn, vì việc xả thải chắc chắn có tác động đến môi trường. Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá.

Còn trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông Phàm cũng nêu: "...Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại?

Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này.

Công ty khi xây dựng nhà máy ở đây có hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng đến con cháu mình hay không là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của công ty, của tập đoàn mình cố gắng làm theo quy định của VN.

Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”.

Ông Chu Xuân Phàm cùng với chuyên viên chỉ cho PV Tuổi Trẻ rằng hiện tại chỉ số quan trắc nằm trong phạm vi cho phép xả thải - Ảnh: Văn Định/Tuổi trẻ.
Ông Chu Xuân Phàm cùng với chuyên viên chỉ cho PV Tuổi Trẻ rằng hiện tại chỉ số quan trắc nằm trong phạm vi cho phép xả thải - Ảnh: Văn Định/Tuổi trẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bày tỏ trước ý kiến của ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc TT của Formosa .

"Tôi chưa theo dõi hết phần trả lời của ông Phàm nên không biết ông ấy nói đầy đủ câu hay như thế nào. Nhưng nếu thực sự ông Phàm nói như thế, đầy đủ câu rồi thì tôi cho rằng, tư tưởng đó không nên tồn tại trong thời đại này.

Bây giờ phát triển là cần phải bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ môi trường sinh thái là để phát triển. Không đánh đổi và về quan điểm của ông ấy cần phải xem xét lại", ông Thắng nêu.

Ông Thắng cũng cho rằng, đây là quan điểm của ông Phàm chứ chưa chắc đã phải là quan điểm của nhà máy Formosa.

"Dự án này là của tỉnh, Trung ương chấp nhận cho đầu tư thì cần phải có ý kiến của người quản lý cao nhất là ông chủ nhà máy. Nếu ông Phàm nói theo chỉ đạo của ông chủ nhà máy thì chúng ta mới xem xét xử lý.

Còn là riêng quan điểm của ông này thì nó không thích hợp với Việt Nam và công ty nên có xử lý", ông Thắng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm đó, ông Lê Thanh Lựu, Trưởng ban Hợp tác quốc tế và thông tin Hội Nghề cá Việt Nam cũng cho hay, những phát biểu của ông Phàm cho thấy sự không hiểu biết về phát triển bền vững.

Ông Lê Thanh Lựu.
Ông Lê Thanh Lựu.

"Không phải công nghiệp sắt thép mà bất cứ công nghiệp nào cũng vậy, chúng ta không đánh đổi chuyện đó với việc hủy hoại môi trường.

Nguyên tắc của phát triển bền vững là an toàn môi trường, lợi ích về kinh tế, an sinh, phúc lợi xã hội và không có chuyện đánh đổi cái này bằng cái kia.

Nếu ai, công ty nào có quan điểm đó thì tôi đề nghị Chính phủ dừng ngay, đóng cửa ngay. Chắc gì anh đã mang lại cho tôi cái gì mà anh lại nói đánh đổi cái này, cái kia", ông Lựu nói.

Nhiều nước tiên tiến đã đóng cửa các nhà máy lạc hậu

Cũng theo ông Lựu, trên thế giới, hiện nhiều nước phát triển công nghiệp tiên tiến đã đóng cửa các nhà máy lạc hậu, nhất là các nhà máy nhiệt điện.

"Như ở Canada họ đã tiến hành loại bỏ hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện chạy than gây ô nhiễm hay một số nước các nhà máy lạc hậu, gây ô nhiễm cũng bị đóng cửa vô điều kiện và chính mắt tôi đã chứng kiến điều này.

Chúng tôi cũng đề nghị với các công ty, nhà máy nào có tư tưởng đánh đổi như vậy thì Chính phủ cần đóng cửa. Bởi đóng cửa sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta rất nhiều so với việc được từ họ", ông Lựu nói thêm.

Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng nêu rõ, Việt Nam là 1 trong 175 nước vừa ký Hiệp định chống biến đổi khí hậu ở New York nên việc chọn cái này để đánh đổi bằng cái kia là không được.

"Không bao giờ có chuyện đánh đổi bất cứ cái gì lấy sự phát triển bền vững của môi trường cả. Đất nước này phải tiến theo con đường phát triển bền vững, anh đánh đổi là không được.

Ý kiến của ông Phàm tôi cho rằng, phải xem xét lại", ông Cương nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại