Người lao động trở lại làm việc: Người đi xe máy, kẻ cắn răng thuê xe

Nguyễn Nga - Q.Chi |

Người lao động (NLĐ), đặc biệt là những công nhân luôn luôn bị ám ảnh chuyện tàu xe trước và sau Tết khi trở lại nơi làm việc. Bởi vậy, để chủ động thời gian và thoải mái, tránh cảnh nhồi nhét trên những chuyến xe khách, nhiều NLĐ chọn cách đi xe máy hoặc "cắn răng" thuê xe riêng.

Ngày10/2 là ngày cao điểm người lao động trở về các thành phố lớn để bắt đầu một năm làm việc mới. Trong suy nghĩ của hầu hết CN thì xe khách là phương tiện mà họ cảm thấy “sợ” nhất. Lý do là bởi cảnh nhồi nhét khách, tăng giá vé xe gấp đôi, gấp ba ngày thường, có khi là cả tình trạng chèo kéo khách, bắt khách dọc đường.

Chính vì vậy, nhiều CN thường chọn tự đi xe máy về quê để chủ động và không phải chịu cảnh nhồi nhét của xe khách, mặc dù họ biết có thể sẽ không an toàn khi đi bằng phương tiện này. Trong những ngày này, không khó để gặp hình ảnh những cặp vợ chồng cùng con nhỏ và những túi đồ đạc trên những chiếc xe máy hướng về các thành phố lớn.

Chị Đỗ Thị Lĩnh (quê Tuyên Quang, đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) chia sẻ: “Mấy năm rồi tôi đều đi xe máy về quê ngày Tết vì muốn chủ động thời gian đi về của mình. Những năm trước khi mới lên Hà Nội làm việc, tôi thường đi xe khách về quê, những ngày cận Tết rất khó bắt xe, có khi ngồi chờ cả buổi sáng mới có xe để về Tuyên Quang.

Chưa hết, ngày Tết, lễ là ngày kiếm tiền của chủ xe khách, cứ thế họ nhồi nhét khách, cứ thế tăng giá. Chỉ có những người đi là khổ. Sau khi quen đường, tôi bắt đầu chọn xe máy là phương tiện về quê của mình. Vừa chủ động lại tiện, mang xe về quê, gia đình tôi còn có phương tiện để đi lại.

Tuy nhiên, đi xe máy cũng có cái cực của nó, đường bụi, cũng nguy hiểm và không ít người đi về quê bằng xe máy nên cũng có một số điểm bị ùn, tắc. Chạy xe gần 200 km từ quê xuống Hà Nội cũng rất mệt nên tôi chọn xuống trước một ngày. Mùng 8 đi làm thì tôi đi từ mùng 6 để được nghỉ ngơi tại phòng trọ để lấy sức đi làm”.

Giống như chị Lĩnh, anh Nguyễn Văn Huệ cũng chọn xe máy làm phương tiện di chuyển cho mình. Theo anh Huệ, chỉ nhìn thấy xe khách dịp Tết thôi là anh đã nghĩ tới cảnh nhồi nhét.

Trước Tết, vợ và con anh may mắn được xe của công ty chở về nhà, nếu không anh cũng đau đầu về vấn đề di chuyển. Mặc dù mùng 8 công ty anh Huệ mới làm việc chính thức nhưng ngay từ mùng 6, anh đã cùng vợ con lên Hà Nội để làm thêm ngày mùng 7 đi làm, được hưởng 200% lương.

Vợ chồng anh T. (quê Thái Bình) đều là nhân viên văn phòng tại Hà Nội. Vì có con nhỏ, vợ lại đang mang bầu nên anh quyết định không đi xe khách mà thuê xe riêng để lên Hà Nội. Tưởng là chỉ cần có tiền là thuê được xe, nhưng không hẳn là vậy.

Mặc dù liên hệ với 2 chỗ để đặt lịch ngay từ mùng 2 Tết, nhưng anh đều bị từ chối vì các xe này đã được các khách khác đặt hết. Phải đến lần liên hệ thứ 3, anh mới đặt được xe. Tuy vậy, chủ xe cho biết phải đi vào 6 giờ sáng mùng 5 Tết (tức ngày 9.2 Dương lịch) thì mới có xe.

Nghĩ đến cảnh cả nhà phải dậy sớm để đi, dù rất ngại nhưng anh cũng đành đồng ý. Tổng chi phí đi từ Thái Bình lên Hà Nội anh phải trả là 1,1 triệu đồng. Như vậy, cả đi, về dịp Tết, số tiền anh phải trả đã lên tới 2,5 triệu đồng. “Dù đắt nhưng thà vậy còn hơn là phải chịu cảnh nhồi nhét, chậm chạp, mua cái bực vào người”- anh T. cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại