Ngư lôi hạt nhân - vũ khí tuyệt mật thời Liên Xô

Tuấn Sơn |

Nhân kỷ niệm 60 năm thử nghiệm thành công dòng ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên của Liên bang Xô Viết với tên mã T-5, nhiều tài liệu liên quan tới dòng vũ khí hạt nhân có sức công phá khủng khiếp và là một trong những dòng vũ khí tuyệt mật đã được tiết lộ.

Theo những thông tin được công bố, dù Liên Xô đã tan rã, nhưng thiết kế của ngư lôi nguyên tử không những bị lãng quên, mà còn được Nga kế thừa, phát triển thành phương tiện lặn không người lái có khả năng mang vũ khí hạt nhân có sức công phá khủng khiếp.

Liên Xô bắt đầu phát triển ngư lôi hạt nhân sau khi thử thành công bom nguyên tử đầu tiên năm 1949. Theo nhận định của lãnh đạo quân đội Xô Viết, ở thời điểm đó, lực lượng răn đe hạt nhân chính là máy bay ném bom tầm xa và tên lửa vẫn chưa đủ tin cậy và dễ bị hệ thống phòng không đối phương ngăn chặn.

Chính vì thế, Liên Xô cần dòng vũ khí mới có khả năng răn đe và khó bị ngăn chặn. Đó chính là ý tưởng để ngư lôi hạt nhân được phát triển.

"Vũ khí hạt nhân triển khai trên tàu ngầm là lĩnh vực hoàn toàn mới ở thời điểm đó. Tàu ngầm có khả năng tác chiến tuyệt vời trong Thế chiến 2. Nhờ kỹ năng ẩn nấp, tàu ngầm có thể áp sát các vị trí trọng yếu của đối phương và tung ra đòn tấn công chí tử bằng ngư lôi, thủy lôi.

Đặc biệt, Hồng quân lúc đó sở hữu hạm đội tàu ngầm hùng hậu với các kíp thủy thủ dày dạn kinh nghiệm", chuyên gia quân sự Andrei Stanavov đánh giá về sự ra đời của ngư lôi hạt nhân.

Từ nguyên mẫu ngư lôi nguyên tử T-15 tới T-5…

Mẫu ngư lôi nguyên tử đầu tiên của Liên Xô là dòng ngư lôi T-15 được phát triển từ năm 1951. Ngư lôi T-15 được thiết kế để trang bị trên tàu ngầm lớp Kit (Đồ án 627), dòng tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên của Liên Xô. Với đường kính thân 1,55m, dài 20m và nặng 40 tấn, T-15 đủ khả năng phá hủy cơ sở hạ tầng của Mỹ ở ven biển nếu chiến tranh Xô-Mỹ xảy ra.

Ngư lôi hạt nhân - vũ khí tuyệt mật thời Liên Xô - Ảnh 1.

Ngư lôi hạt nhân T-5 và đầu đạn mang theo.

Tiến hành đồng thời với quá trình phát triển ngư lôi T-15, các nhà khoa học Liên Xô cũng phát triển biến thể bom khinh khí làm đầu đạn cho nó. Đầu đạn hạt nhân của T-15 được phát triển trên cơ sở bom khinh khí đầu tiên của Liên Xô RDS-6s (mật danh Joe 4) hoàn thiện trong năm 1955. Tuy nhiên, ngư lôi T-15 có nhược điểm là quá cồng kềnh không phù hợp để trang bị trên tàu ngầm.

"Để chứa được T-15, tàu ngầm cần thiết kế hệ thống ống phóng chiếm tới 1/5 tổng không gian. Điều này đặt ra vấn đề cần thiết kế lại để thu nhỏ kích thước của ngư lôi T-15", chuyên gia A. Stanavov đánh giá.

Công tác thu nhỏ thiết kế của ngư lôi T-15 được khẩn trương thực hiện và kết quả là sự ra đời của nguyên mẫu ngư lôi cỡ 533mm T-5, tương đương với các dòng ngư lôi thông thường. T-5 với đầu đạn hạt nhân RDS-9 hoàn toàn phù hợp với trang bị trên các tàu ngầm của Hải quân Liên Xô.

Nguyên mẫu ngư lôi T-5 bắn thử vào tháng 9-1955 từ tàu quét mìn. Với đầu đạn hạt nhân 3 Kilotone, nguyên mẫu T-5 phát nổ ở độ sâu 12m. Lần bắn thử chính thức đầu tiên của ngư lôi T-5 diễn ra vào ngày 10-10-1957. Một tàu ngầm chạy diesel-điện lớp Whisky đã bắn ngư lôi hạt nhân T-5 gần quần đảo Novaya Zemlya, cực Bắc Liên Xô. Kết quả thu được thành công ngoài mong đợi.

Đạn ngư lôi phát nổ ở độ sâu 35m, vụ nổ hạt nhân có sức công phá 10 Kilotone, tương đương 10.000 tấn thuốc nổ TNT, ngay lập tức phá hủy 2 tàu khu trục, 2 tàu ngầm, 2 tàu quét mìn cũ được sử dụng làm mục tiêu.

Ngư lôi T-5 nhanh chóng đưa vào trang bị Hải quân Xô Viết từ năm 1958 và được thay thế bằng ngư lôi ASCW vào năm 1960.

…đến ý tưởng vũ khí hạt nhân có sức công phá gấp đôi bom khinh khí Tsar

Tháng 10-1961, Liên Xô thử thành công bom khinh khí RDS-220 Tsar có sức công phá hơn 50 Megatone (50 triệu tấn thuốc nổ TNT). Không lâu sau đó, nhà vật lý hạt nhân Liên Xô Andrei Sakharov đã đưa ý tưởng phát triển vũ khí hạt nhân có sức công phá tới 100 Megatone.

Loại vũ khí hạt nhân có sức phá hủy lớn nhất trong lịch sử loài người này sẽ được chế tạo dưới dạng ngư lôi.

Ngư lôi hạt nhân - vũ khí tuyệt mật thời Liên Xô - Ảnh 2.

Ngư lôi hạt nhân T-5 được chuyển xuống tàu ngầm.

Ngư lôi hạt nhân - vũ khí tuyệt mật thời Liên Xô - Ảnh 3.

Sức công phá khủng khiếp do ngư lôi hạt nhân gây ra.

"Sau vụ thử nghiệm bom Tsar, tôi đã nhận ra vấn đề là quả bom rất lớn mà khó có phương tiện vận chuyển nào có thể mang được nó. Máy bay ném bom hạng nặng có thể chở được bom Tsar, nhưng chúng là dễ bị bắn hạ.

Theo quan điểm của tôi, một quả ngư lôi hạt nhân phóng từ tàu ngầm có thể là phương án hiệu quả. Tôi đang hình dung về một quả ngư lôi hạt nhân sử dụng động cơ phản lực có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách vài trăm km", trích hồi ký của nhà vật ký hạt nhân Andrei Sakharov.

Tuy nhiên, các vấn đề về kỹ thuật đã cản trở việc phát triển dòng vũ khí khủng khiếp nói trên.

Cùng với Nga, Mỹ cũng đã phát triển các dòng ngư lôi hạt nhân của mình với tên gọi Mark 45 và Mark 48.

"Người kế thừa" của ngư lôi hạt nhân T-5

Trong thập kỷ 1960 và 1970, với những tiến bộ vượt bậc, sức mạnh hạt nhân của Nga đã bắt kịp Mỹ. Cùng với đó, công nghệ tên lửa trên không và trên bộ đã đủ tin cậy để thay thế cho ngư lôi hạt nhân.

Tưởng như các chương trình phát triển ngư lôi hạt nhân đã bị hủy bỏ từ giai đoạn đó, nhưng thực tế không đúng như vậy. Tháng 11-2015, những hình ảnh đầu tiên về tàu ngầm không người lái trang bị ngư lôi hạt nhân của Nga vô tình bị lộ.

Theo những hình ảnh được công bố, thiết bị lặn mang vũ khí hạt nhân mới của Nga có tên gọi Status-6. Chuyên gia A. Sakharov tin rằng, Status-6 có thể mang đầu đạn có sức công phá tới 100 Megatone. Khi phát nổ, vũ khí khủng khiếp này có thể tạo ra cơn sóng thần cao tới 500m nhấn chìm cơ sở, hạ tầng ven biển của đối phương.

Ngư lôi hạt nhân - vũ khí tuyệt mật thời Liên Xô - Ảnh 4.

Những hình ảnh về Status-6 vô tình bị tiết lộ.

Ngư lôi hạt nhân - vũ khí tuyệt mật thời Liên Xô - Ảnh 5.

Với sức công phá tới hàng Megatone, khi nổ dưới nước, khả năng công phá của ngư lôi hạt nhân thế hệ mới là không thể tưởng tượng.

Từ các thông tin ít ỏi về Status-6, vũ khí tấn công này có tầm hoạt động tới 10.000km, lặn sâu 1.000m và tốc độ hải trình tới 100 hải lý/giờ.

Truyền thông phương Tây đánh giá, Status-6 có thể mang bom bẩn Cobalt-60 có thể làm ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng vùng biển của đối phương. Status-6 được các tàu ngầm Đồ án 949 và Đồ án 09851 đưa tới vị trí "ẩn nấp" dưới đáy đại dương để tung đòn tấn công bất ngờ khi cần.

Cuối năm 2016, lầu Năm góc đã lên tiếng xác nhận về sự tồn tại của chương trình phát triển Status-6 và khẳng định trong tháng 11-2016, nguyên mẫu Status-6 đã tham gia thử nghiệm với tàu ngầm thử nghiệm công nghệ Sarov.

Đánh giá về Status-6, giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, đây là dòng vũ khí đặc biệt có thể đối trọng với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong tương lai. Status-6 sẽ đóng vai trò như một loại vũ khí răn đe, khi nó có thể vượt quả mọi tuyến phòng thủ và thiệt hại do nó gây ra khiến bất kỳ quốc gia nào cũng phải e ngại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại