Hành trình khám phá mối tình 40
năm của nhạc sĩ Nguyễn Cường
Nhắc đến du lịch Tây Nguyên, người ta thường nhớ ngay ngôi sao sáng chói: Đà Lạt. Hãy cùng chúng tôi khám phá một Tây Nguyên khác, sâu thẳm văn hoá, thênh thang lòng người, mênh mang tầm mắt, thông qua ngôi sao đang lên: Buôn Ma Thuột.
Hành trình khám phá Buôn Ma Thuột của chúng tôi, thật tình cờ, lại bắt đầu từ "mối tình" 40 năm của nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Trong một căn hộ bên Hồ Tây, nhạc sĩ Nguyễn Cường hồ hởi bắt tay chào 2 phóng viên trẻ chúng tôi. Hôm nay ông không đội chiếc mũ cao bồi quen thuộc.
Tôi hỏi ngay về bài hát nổi tiếng "Còn thương nhau thì về…” của ông: "Nghe bài này cháu rất ấn tượng với câu "Một cao nguyên ở trong tôi vừa thật gần vừa xa xôi". Bác viết vừa gần vừa xa xôi, rốt cuộc là thế nào?"
Nhạc sĩ Nguyễn Cường bật cười, chậm rãi kể về một câu chuyện chưa từng tiết lộ:
“Chuyện là có đợt tôi định chuyển hẳn vào sống ở Buôn Ma Thuột để viết gì đó sâu sắc hơn nữa, nghĩa là quyết chơi đến cùng đấy. Thế nhưng ông đoàn trưởng đoàn ca múa nhạc ở đây khuyên tôi một câu thế này: "Mày không được chuyển vào đây, mày lúc nào cũng phải nửa chủ nửa khách. Mày vào đây là mày làm chủ."
Tôi ngẫm ra thì thấy đúng thế thật!
Với Ban Mê, tôi chỉ là một vị khách, không phải chủ nhà. Vì không thể chạm tới cao nguyên nên tôi mới khát vọng mãi suốt 40 năm qua. Trong tình yêu và trong mọi hoàn cảnh, cái gì mất hết đi khoảng cách thì sẽ mất vẻ đẹp. Cao nguyên cũng giống như người tình của tôi vậy, tôi phải tự giữ một khoảng cách để nó mãi đẹp đẽ, xa xôi và tôi yêu mãi mãi."
Nhạc sĩ Nguyễn Cường không xuất thân từ Tây Nguyên nhưng lại là cha đẻ của loạt ca khúc bất hủ về Tây Nguyên. Có thể kể tới “Đôi mắt Pleiku”, "H'Ren lên rẫy", “Ly café ban mê”, “ Còn thương nhau thì về…” 40 năm qua, những ca khúc ấy chính là lời mời chào ấn tượng cho du lịch Tây Nguyên, để tên những miền đất “ghim” chặt trong đầu bất kỳ người dân Việt Nam nào.
Nguyễn Cường giải thích rằng sự mạnh mẽ và lớn lao trong âm nhạc của ông xuất phát từ chính âm nhạc, con người đồng bào Ê Đê - cộng đồng chiếm 40% dân cư Buôn Ma Thuột:
Dân ca Ê đê rất đặc biệt. Nhạc của họ khúc chiết, câu hát vuông vắn lắm. Tốc độ 130bpm này là tốc độ rất lớn, tôi nghĩ phải cổ điển châu Âu hay âm nhạc thế giới đương đại mới có được. Thí dụ các bạn nghe họ gõ chiêng, tà răng tăng tắc tăng tăng… pà răm păm pắm pằm păm… “ - Nhạc sĩ Nguyễn Cường say mê gõ bàn khi mô tả lại cho chúng tôi.
“Âm nhạc của người Ê Đê chặt chẽ đến nỗi tôi phải nghi ngờ, không biết có phải dân ca thật không. Có một lần tôi đã đi từ trung tâm xuống 60 cây số, đến một nơi còn không có điện. Lúc tôi đến đó thì gặp một ông chủ tịch xã đánh chiêng cùng với đồng bào. Họ ở trong cái nhà tối không có đèn điện mà cứ thế đánh suốt cả đêm. Tiếng chiêng thì dứt khoát, mạnh mẽ. Rất hợp tới cái tai tôi.”
“Giữ mình” để được yêu say đắm “người tình” cao nguyên suốt 40 năm qua, Nguyễn Cường và âm nhạc của ông đã trở thành một phần đặc biệt với Tây Nguyên, với Buôn Ma Thuột. Đến độ, ngày 1/5/2022, một đêm nhạc lớn kỷ niệm Nguyễn Cường hơn 40 năm sáng tác về Tây Nguyên đã được tổ chức, với mục đích vừa tri ân Nguyễn Cường, vừa để kích cầu cho du lịch sau đại dịch Covid-19!
Đã từ lâu, Tây Nguyên chỉ có duy nhất Đà Lạt xứng tầm “ngôi sao du lịch” để sánh vai về danh tiếng và tầm vóc với những Vịnh Hạ Long, Sa Pa, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Nhưng 3 - 4 năm trở lại đây, danh hiệu ngôi sao đang lên của Tây Nguyên không thể không kể tên thành phố Buôn Ma Thuột.
Nếu âm nhạc là chất men khiến nhạc sĩ Nguyễn Cường mãi say mê Tây Nguyên, say mê Buôn Ma Thuột, thì với nhiều người, cà phê là hai chữ đầu tiên nảy ra trong suy nghĩ khi nhắc tới mảnh đất này.
Ông Đặng Gia Duẩn, PGĐ Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk, cho biết suốt nhiều năm nay Buôn Ma Thuột luôn được định vị là “thủ phủ cà phê” của Việt Nam và đang từng bước trở thành “Thành phố Cà phê của thế giới”. Người dân tứ xứ đến đây mong được thưởng thức cà phê, chính tay chăm sóc, thu hoạch, chế biến hạt cà phê, mua về nhà đồ mỹ nghệ từ cà phê… Và, nếu ai được có cơ duyên đến đúng mùa Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột (diễn ra 2 năm 1 lần) thì còn được sống trong bầu không khí vô cùng sôi động.
Từ năm 2019, Buôn Ma Thuột đã được Bộ Chính trị xác định là thành phố thủ phủ của cả vùng Tây Nguyên. Mới đây, một hội thảo tầm cỡ đã được diễn ra để triển khai Kết luận số 67-KL/TW năm 2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 103/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ.
Hội thảo quy tụ khoảng 20 chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực, hàng loạt tham luận và sáng kiến để “ngôi sao du lịch” Buôn Ma Thuột tiếp tục tỏa sáng.
PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên tổ tư vấn Chính phủ đã nêu bật “Các nhân tố định vị thương hiệu Buôn Ma Thuột - Thành phố cà phê Thế giới”. PGS.TS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tầm quan trọng của “Cà phê đại ngàn và du lịch”. Ông Emmanuel CERISE - Tiến sĩ kiến trúc, Đại diện vùng Île-de France tại Hà Nội, trưởng PRX-Việt Nam gọi Buôn Ma Thuột là “Kinh đô của cà phê”. Thậm chí, có chuyên gia còn gọi định vị Buôn Ma Thuột là thành phố cà phê khác biệt - đặc biệt - duy nhất trên thế giới…
Thế nhưng, ngày nay, sẽ thật thiệt thòi cho du khách bốn phương khi chỉ biết tới Ban Mê với danh xưng ”Thủ phủ cà phê” vì thành phố này còn nhiều hơn thế!
Trong một cuộc khảo sát với 300 người dân đang sinh sống tại Buôn Ma Thuột, khi được hỏi “Bạn tự hào nhất về điều gì ở quê hương?”, đa số người khảo sát khẳng định chắc nịch rằng họ yêu nhất là khí hậu quê nhà.
Buôn Ma Thuột được trời phú cho khí hậu mát lành quanh năm. Trời mát nhưng trong xanh, lộng gió, chứ không có sương mù như Đà Lạt hay Tam Đảo.
Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, từ độ tháng 3 hoa cà phê đua nhau khoe sắc. Chẳng cần đến nàng Hàm Hương, hàng triệu con bướm trắng, bướm vàng vẫn bay rợp những con đường từ sân bay đến khắp ngóc ngách trong thành phố.
Tháng 5 tới tháng 10, thời tiết đổi sang mùa mưa. Không dầm dề như mưa Sài Gòn, mưa theo cơn “hẹn giờ” và rất chóng tạnh. “Đặc sản” thác nước xung quanh thành phố Buôn Ma Thuột vào mùa này cũng đầy nước, thác đổ ầm ào.
Ông Phạm Thanh Tuấn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk, còn đưa ra một ý tưởng vô cùng táo bạo. Từ những thế mạnh thiên nhiên và văn hóa đặc biệt của Buôn Ma Thuột, ông cho rằng có thể “chế biến một món ăn”, là một sản phẩm du lịch đặc biệt: Đô Thị Rừng Mưa Nhiệt Đới.
“Hãy tưởng tượng đến thành phố Buôn Ma Thuột, bạn sẽ lạc vào các khu rừng mưa nhiệt đới thứ thiệt. Woa! Thật tuyệt vời phải không?”
Rừng sẽ được phục hồi đầu bến nước tại các buôn, bản của người đồng bào bản địa tại thành phố Buôn Ma Thuột như: Buôn Ako Dhong, Buôn Tơn Ju, Buôn Ea Sah, Ea Tul. Mà tổ tiên trước đây vốn đã gìn giữ các khu rừng đầu nguồn như vậy. Sau này, do tốc độ đô thị các khu rừng đầu nguồn đã bị thu hẹp và dần mất đi.
Nhà biên kịch Hồng Hoa, biên kịch vở ca kịch “Khát vọng Đam Săn”, kể cho chúng tôi rằng thời tiết mát mẻ, dễ chịu ở Buôn Ma Thuột đặc biệt được lòng người. Nó giống như một thứ “thuốc mê” vậy. Hễ ai sống lâu trên cao nguyên này cũng sẽ ngấm thứ thuốc này, rồi trở hiền hòa, khoáng đạt đến lạ.
Ví dụ, khách từ phương xa tới Ban Mê đi chợ, dù không có mua hàng hay không thì chủ tiệm vẫn niềm nở giúp gói đồ, đưa túi, thậm chí là mua hộ mình những đồ khác ở hàng khác. Đó là chuyện bình thường!
Nhắc đến Tây Nguyên, người ta dễ liên tưởng ngay tới một vùng đất nắng gió bước ra từ “Sử thi Đam Săn”, “Anh hùng Núp”... với những đồng bào Ê đê, Ba Na, M’Nông đóng khố đánh chiêng rộn ràng. Cũng vì kỳ vọng này mà khi đặt chân tới Buôn Ma Thuột, nhiều người ngạc nhiên vì thành phố này có diện mạo hiện đại quá.
Thế nhưng đừng vội thất vọng bạn ơi!
Buôn làng của đồng bào vẫn còn đó. Và điều thú vị là chúng đang nằm ngay giữa trung tâm thành phố, vẫn giữ nét nguyên sơ, chung sống hài hòa với phố xá hiện đại.
Chỉ khoảng 10 phút lái xe từ Ngã sáu Buôn Ma Thuột - trung tâm thành phố, đi hết con đường Trần Nhật Duật, phường Tân Lợi, người ta sẽ tìm thấy buôn Ako Dhong (a-cô-thông) của đồng bào Ê đê. Ako Dhong được mệnh danh là “buôn nhà giàu” vì không chỉ giàu có về vật chất mà còn “giàu” trong những nét văn hóa dân tộc nguyên bản.
Gần 100 hộ gia đình trong buôn đều sống trong những mái nhà dài truyền thống. Dù cất thêm nhà biệt thự ở sân sau thì nhà dài của họ vẫn tuyệt nhiên không được phá dỡ, nếu làm trái sẽ bị già làng phạt theo luật tục. Không chỉ buôn Ako Dhong, những khu du lịch sinh thái như KoTam, Ako Ae đều tái hiện rất tốt văn hóa bản sắc của dân tộc Ê Đê do được phát triển bởi những nhà nghiên cứu văn hóa hàng đầu như nữ sĩ Linh Nga Niê Kđăm.
Người Ê Đê quan niệm “vạn vật hữu linh", nghĩa là mọi vật đều có linh hồn. Họ không vô cớ chặt dù chỉ một cái cây trong buôn, họ sống chan hòa trong tiếng suối đầu nguồn róc rách, tiếng chim líu lo trên những tán cây cổ thụ. Những buổi “Lễ nài voi” (cúng sức khỏe cho voi), “Lễ đặt tên - thổi tai” (lễ chọn tên cho em bé), lễ hội đánh cồng chiêng… vẫn diễn ra rộn ràng trong buôn dù thành phố cách đó vài trăm mét có bê tông hóa đến mấy.
Người Ê Đê ở đây bảo: "Đấy là tổ tiên, là máu thịt… Ê Đê không thể để nó lẫn với ai được".
Đã qua rồi cái thời khách du lịch chỉ có vài lựa chọn tắm biển, nhảy sóng, ăn uống khi đi “nghỉ mát”. Rất nhiều du khách giờ đây muốn thấu hiểu cộng đồng dân cư địa phương, thưởng lãm những chương trình nghệ thuật độc nhất tại địa phương.
Những “must-see show” (chương trình nhất định phải xem một lần trong đời) trên thế giới phải kể tới Siam Niramit ở Bangkok (Thái Lan), Ấn tượng Lệ Giang ở Trung Quốc, hay Nhạc kịch Broadway tại Mỹ, và cả Ký ức Hội An tại Việt Nam.
Nhưng văn hóa Việt Nam giàu đẹp và phong phú không chỉ có Ký ức Hội An. Sắp tới đây, một vở ca kịch hùng tráng mang tên “Khát vọng Đam Săn” trình diễn tại thành phố Buôn Ma Thuột cũng được kỳ vọng trở thành show diễn phải xem.
Vở ca kịch được thể hiện bởi Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk với phần dàn dựng của nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhà biên kịch Hồng Hoa, lấy cảm hứng từ thiên sử thi Đam Săn đã nổi danh toàn thế giới.
Trên Daklak.gov.vn, nhà biên kịch Hồng Hoa từng tiết lộ: “Sau khi công diễn nghiệm thu, Sở VHTT&DL phối hợp cùng công ty xây dựng phiên bản phục vụ du lịch, công diễn ở nước ngoài và ở buôn làng. Phấn đấu tháng 11/2022 sẽ hoàn thiện và ra mắt phục vụ công chúng.
”Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL kỳ vọng đây sẽ trở thành tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam và trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, độc đáo. Nhạc sĩ Trần Tiến ngay trong lần đầu thưởng thức show diễn đã phải thốt lên: “Đây là một vở opera xứng tầm quốc tế. Các ca sĩ hát rất hay, đạo diễn hình ảnh, sân khấu, biên đạo, múa, phối khí, hợp xướng… hấp dẫn người xem từ đầu đến cuối.”
Trong 70 phút, vở ca kịch kể câu chuyện của chàng tù trưởng trẻ tuổi Đam Săn, phục dựng văn hóa của người Ê Đê, từ đám cưới (đám cưới Đam Săn và vợ H’Nhii), trang phục, vũ điệu, âm nhạc (phân cảnh xử tội Mtao Mxây) đến tư tưởng chung hòa hợp với thiên nhiên (phân cảnh Đam Săn cầu hôn nữ thần Mặt Trời).
Liên hệ với những show văn hóa đã nổi danh như Ký ức Hội An, Tinh hoa Bắc Bộ (Hà Nội), Tinh hoa Việt Nam (Phú Quốc), nhà biên kịch Hồng Hoa cho rằng “Khát vọng Đam Săn” là hoàn toàn khác biệt. Trong khi các show diễn thực cảnh “chơi” công nghệ, sử dụng nhiều ánh sáng, kỹ xảo để gây ấn tượng với du khách, thì ca kịch (theo nghĩa opera) lại là hình thức cao nhất trong âm nhạc với những yêu cầu cực kỳ khắt khe. Trong đó, opera được coi là loại hình “đo ni đóng giày” cho chất giọng dày khỏe, kịch tính của các nghệ sĩ Tây Nguyên.
Các quán cà phê ở Buôn Ako Dhong - Trần Nhật Duật, Phường Tân Lợi, Thành phố Buôn Mê Thuột
Làng café Trung Nguyên - 222 Lê Thánh Tông, Phường Ea Tam, Thành phố Buôn Mê Thuột
Café Azzan - 25 Trần Phú, Thắng Lợi, Thành phố Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk
15.000 đồng - 40.000 đồng/ly
Cà phê Rêu Phong - 111 Y Ngông, Tân tiến, Thành phố Buôn Ma Thuột
35.000 đồng/ly
Các quán trên đường Lê Hồng Phong, Phan Đình Giót
25.000 - 35.000 đồng/bát
Nhà hàng Điền Trang Hoa Mai 3 - 339 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Tân Lập, Thành phố Buôn Ma Thuột
Nhà hàng Lạ Garden - 57 Nguyễn Khuyến, Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột
Nhà hàng Havana - 73-75 Nguyễn Đình Chiểu, Thành phố Buôn Ma Thuột
40.000 - 350.000 đồng/ món
Khu du lịch sinh thái KoTam - 789 Phạm Văn Đồng, Tân Hòa, Thành phố Buôn Ma Thuột
200.000 - 300.000 đồng
Bánh ướt chồng dĩa 47 - 130 Y Ngông, Tân tiến, Thành phố Buôn Ma Thuột
Bánh ướt 45 - 43 Trần Nhật Duật, Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột
50.000 - 100.000 đồng
Miss Ede - Số 02 Phan Chu Trinh, Phường Thắng Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột
80.000 - 260.000 đồng
Nếu có kế hoạch ở lại hơn 2 đêm tại Buôn Ma Thuột, du khách chỉ nên dành 1 đêm trong thành phố và những đêm còn lại ở các khu du lịch như KoTam, Lak Tented Camp, Ako Ae để đa dạng hóa trải nghiệm.
Đừng dại gì mà thuê xe đạp tham quan Buôn Ma Thuột. Địa hình nhiều dốc ở đây quả thật rất giống Seoul lãng mạn nhưng lúc “đổ đèo” sảng khoái bao nhiêu thì lúc leo dốc bằng xe đạp lại vất vả, mệt mỏi bấy nhiêu đó nghen!
Muốn dành trọn cảm tình của đồng bào Ê đê, du khách chỉ cần học ngay một vài câu tiếng Ê đê như “alum k’kuh” là xin chào, “mni lač jăk” là cảm ơn. Nói được một vài câu đơn giản này sẽ khiến chủ nhà cảm thấy thích thú và yêu mến bạn hơn.
Một số lộ trình tham khảo: